Cứu sống bệnh nhân trong "thời gian vàng"

.

Thời gian qua, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu và điều trị liên tục tăng. Để kịp thời cứu sống bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ tại đây phải thực hiện cùng lúc nhiều phương pháp, thậm chí sử dụng mạng xã hội để hội chẩn trực tuyến.

Một bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”.
Một bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”.

Bệnh viện Đà Nẵng vừa tiếp nhận bệnh nhân Trần Văn K. (55 tuổi, trú quận Thanh Khê) nhập viện cấp cứu với những dấu hiệu yếu chân tay, ngôn ngữ bất thường và liệt nửa người. Bệnh nhân K. được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu sau gần 2 giờ xuất hiện những dấu hiệu trên.

Sau khi hội chẩn, đặc biệt là kiểm tra chỉ số NIHSS (thang điểm đánh giá đột quỵ của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ) ở mức 7 điểm, ngay lập tức bệnh nhân được chụp CT mạch máu não, xét nghiệm máu. Nhờ cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn chỉ sau vài ngày điều trị.

Theo bác sĩ Dương Quang Hải, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng tổn thương đột ngột một phần não bộ, gây khiếm khuyết hệ thần kinh trung ương.

Thời điểm giao mùa, khi thời tiết trở lạnh đột ngột rất dễ xảy ra đột quỵ, nhất là ở người cao tuổi. Để cấp cứu, điều trị bệnh nhân bị đột quỵ, những năm qua, Bệnh viện Đà Nẵng đã thành lập một đội cấp cứu đột quỵ gồm khoảng 10 bác sĩ, chuyên khoa Hồi sức tích cực - chống độc, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm...

Theo bác sĩ Hải, “đồ nghề” luôn phải trang bị trong quá trình tham gia cấp cứu đột quỵ chính là túi cấp cứu đột quỵ với đầy đủ thiết bị, dụng cụ, thuốc, kèm theo đó là bảng thông tin bệnh nhân và kết quả CT mạch máu não.

Là thành viên tích cực nhất của đội cấp cứu chống đột quỵ, bác sĩ Hải chia sẻ thêm, đội hoạt động 24/24 giờ, bên cạnh đó còn có nhóm làm việc trực tuyến qua mạng xã hội.

“Bất kể ở đâu, khi nào, đội cũng có thể hội chẩn cùng nhau với các hình cảnh chụp cắt lớp mạch máu não chi tiết. Thậm chí thông qua thiết bị điện tử, chúng tôi có thể mời các chuyên gia đột quỵ quốc tế cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, với mục đích cuối cùng là cứu sống bệnh nhân kịp thời”, bác sĩ Hải cho biết.

Đối với chứng tai biến mạch máu não, khi não bị tổn thương do mạch máu bị nghẽn, tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết, người bệnh sẽ dần bị mất chức năng vận động, ngôn ngữ, ý thức. Chính vì vậy, thời gian cấp cứu đột quỵ não là “thời gian vàng”.

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, đối với cấp cứu đột quỵ dưới 4 - 5 giờ, bệnh nhân được chỉ định điều trị tiêu sợi huyết bằng Alteplase đường tĩnh mạch. “Đây là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp hiện nay trên thế giới với tỷ lệ hồi phục ở mức cao, nhưng cũng cần được nhấn mạnh là thuốc chỉ có thể sử dụng ở bệnh nhân nhập viện trước 4 - 5 giờ tính từ lúc khởi phát triệu chứng”, bác sĩ Nhân nói.

Nếu như trước đây cấp cứu đột quỵ mất khoảng 72 phút để chạy đua với thời gian thì nay chỉ mất chừng 40 phút với phương pháp tiêu sợi huyết. Như vậy, khả năng phục hồi vùng tổn thương cho bệnh nhân sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, việc cải cách các thủ tục hành chính khi nhập viện cũng là một trong những cách giúp xóa bỏ “rào cản”, để bệnh nhân được tận dụng tối đa khoảng “thời gian vàng”.

Để việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ hiệu quả, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ về tình trạng này. Khi người thân có dấu hiệu đột quỵ, hãy gọi ngay Trung tâm Cấp cứu 115 để được hướng dẫn và phối hợp với đội cấp cứu chống đột quỵ của Bệnh viện Đà Nẵng để được cấp cứu kịp thời, đúng chỗ và hiệu quả.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.