Ra mắt Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng

Cho bữa ăn an toàn, chất lượng hơn

.

Sau TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là địa phương thứ hai trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2018.

Ông Nguyễn Tấn Hải (ảnh), Trưởng BQL ATTP thành phố cho rằng, việc thành lập BQL ATTP sẽ giúp giải quyết rất nhiều những bất cập trong công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm; nhất là khi hoạt động của Ban có sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc sản xuất giá đỗ tại một hộ gia đình trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG
Lực lượng chức năng kiểm tra việc sản xuất giá đỗ tại một hộ gia đình trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG

* Chức năng, nhiệm vụ của BQL ATTP cũng như tính ưu việt của đơn vị này? Việc thành lập Ban dựa trên cơ sở sáp nhập các đơn vị chuyên ngành về vệ sinh ATTP của các Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trở ngại gì, thưa ông?

- BQL ATTP thành phố là cơ quan thống nhất các đầu mối cùng chức năng kiểm soát ATTP ở Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban là đơn vị có đủ chức năng, quyền hạn và các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để thanh tra, giám sát, kiểm soát từ đầu đến cuối tất cả mặt hàng thực phẩm, thay vì phải đợi sự tham gia của các ngành cùng chức năng như mô hình trước đây. Việc chia nhiệm vụ cho ba bộ, ngành theo phương pháp cắt ngang như nuôi trồng của ngành nông nghiệp, lưu thông của ngành công thương và sử dụng của y tế, hay cắt dọc theo Luật ATTP 2010 đều bộc lộ nhược điểm trong việc phối hợp và trách nhiệm xử lý giữa các bên.

Chất lượng thực phẩm hình thành ngay từ lúc nuôi dưỡng vật nuôi, cây trồng và tiếp tục được bồi đắp hoặc ảnh hưởng qua quá trình thu hái, sản xuất, chế biến, lưu thông, bảo quản. Vì các khâu gắn kết chặt chẽ nên việc phân công mỗi bộ chịu trách nhiệm một vài ngành hàng sẽ khiến việc quản lý Nhà nước trở nên khó khăn, không có tính bao quát và toàn diện.

BQL ATTP ra đời và đi vào hoạt động sẽ chấm dứt việc thành lập “đoàn liên ngành” - một thực tế luôn làm mất thời cơ, gây sự chậm trễ, thiếu sự đồng nhất trong hoạt động kiểm soát thực phẩm.

ATTP là lĩnh vực khá rộng, liên quan đến hầu hết mọi hoạt động của người dân nên tất nhiên BQL ATTP sẽ là nòng cốt, là chủ công, nhưng nếu không có sự ủng hộ của người dân, của chính quyền các địa phương, của các sở, ban, ngành thì chắc chắn vấn đề ATTP sẽ khó giải quyết trọn vẹn. Bên cạnh đó, hiện tại các trang thiết bị xét nghiệm nhanh, xét nghiệm chuyên sâu về thực phẩm vẫn cần phải bổ sung, nâng cấp để theo kịp tình hình thực tế. Hiện nay, các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm bẩn đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước rất tinh vi nên cũng đặt ra thách thức cho lực lượng kiểm tra, thanh tra và giám sát.

Về việc sáp nhập nhân lực từ ba sở, chúng tôi sẽ kiện toàn công tác nhân sự trên nguyên tắc tập hợp bộ phận quản lý thực phẩm theo đề án của UBND thành phố đã trình Chính phủ. Việc tổ chức của BQL được sắp xếp theo hướng gọn nhẹ mà hiệu quả, với hệ thống thanh tra thực phẩm cho tất cả quận, huyện. Khi đã về BQL rồi thì không phân biệt ai ở đâu về nữa, mà sẽ được phân công nhiệm vụ rõ ràng.

* Những hoạt động đầu tiên của BQL sau khi đi vào hoạt động là gì và chống sản xuất tiêu thụ thực phẩm bẩn liệu có phải là nhiệm vụ duy nhất của BQL ATTP?

- Sau khi ổn định tổ chức, BQL có khá nhiều việc cần làm ngay. Đầu tiên phải kế thừa, rà soát và triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP cho nhân dân thành phố trong dịp Tết Nguyên đán 2018.

Trong thời gian đến, BQL ATTP phải cùng một lúc thực hiện biện pháp vừa “xây” vừa “chống”; trong đó nhiệm vụ “xây” là chính và “chống” là cần thiết. Chúng tôi khuyến khích, nhân rộng việc xây dựng mô hình sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm, thực phẩm chức năng an toàn và thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Xây dựng các hoạt động để động viên, khuyến khích toàn thể nhân dân thành phố vào cuộc, cùng quan tâm, giám sát, tham gia nhận diện thực phẩm an toàn và hình thành chuỗi thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, BQL quyết liệt đẩy lùi tình trạng sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn, độc hại, chống văn hóa kinh doanh phi đạo đức. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND thành phố có những chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những tổ chức, cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp muốn làm thực phẩm an toàn. BQL ATTP sẽ hỗ trợ chuyên môn để các tổ chức, cá nhân có điều kiện tốt nhất làm ra thực phẩm sạch.

Chống thực phẩm bẩn không phải là nhiệm vụ duy nhất của BQL. BQL ATTP là cơ quan quản lý Nhà nước, có chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về ATTP. Đây là nhiệm vụ khó khăn, xuyên suốt, nên rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là việc tố giác, phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn. Trước đây thành phố đã tổ chức công bố các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân về vấn đề này qua Tổng đài hành chính dịch vụ công (02363) 1022 và đường dây nóng về ATTP tại số điện thoại 0935.207237. Sau khi đi vào hoạt động, BQL ATTP vẫn tiếp tục duy trì các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác và khuyến khích cộng đồng xã hội chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn.

* Thực phẩm bẩn đang là vấn đề hết sức cấp bách và nan giải. Theo ông đâu là những tín hiệu tích cực để giải quyết vấn nạn này?

- Tôi tin sẽ có những tín hiệu tích cực; bởi điều này không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của Ban mà còn là sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, đặc biệt là sự kỳ vọng của người dân. Khi BQL ATTP thành phố tập trung, hội tụ sự quyết tâm của đội ngũ làm công tác quản lý ATTP từ ba sở, chắc chắn công việc sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn.

* Cảm ơn ông.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) ra mắt ngày 30-12-2017. UBND thành phố điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng BQL; ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP thành phố (Sở Y tế) và ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm Phó ban. Cơ cấu tổ chức bên trong của BQL ATTP sẽ có 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ;
5 đội nghiệp vụ và đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chúc mừng đội ngũ cán bộ, nhân viên BQL ATTP; đồng thời đề nghị đơn vị này tập trung ổn định bộ máy, nhân sự và các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình, kế hoạch công tác; sớm ra quân thanh tra, kiểm tra ATTP. “Thời điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần, đề nghị BQL ATTP các ngành khẩn trương lên kế hoạch kiểm soát thực phẩm, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm minh tất cả các hành vi vi phạm ATTP, bảo đảm cho người dân đón Xuân phấn khởi và an toàn, xem đây là đợt ra quân cao điểm để khẳng định vai trò của BQL ATTP trước nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

PHAN CHUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.
.