Phòng tránh mù lòa do bệnh Glôcôm

.

Bệnh Glôcôm (còn gọi là thiên đầu thống) là nguyên nhân đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể gây mù lòa ở người. Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có thuốc điều trị hoặc không phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương chức năng và thực thể do Glôcôm gây ra. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, người mắc bệnh Glôcôm sẽ tránh được tình trạng mù lòa.

Bệnh Glôcôm cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh mù lòa. TRONG ẢNH: Khám mắt cho người bệnh nghi mắc Glôcôm tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.
Bệnh Glôcôm cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh mù lòa. TRONG ẢNH: Khám mắt cho người bệnh nghi mắc Glôcôm tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.

Hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm thế giới (từ ngày 11 đến 17-3), vừa qua, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng tiếp nhận khám, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Đây là chương trình được tổ chức hằng năm, nhằm tuyên truyền về tác hại của bệnh Glôcôm, từ đó nâng cao ý thức phòng, chống bệnh trong cộng đồng.

Mấy năm nay, ông Tôn Thất Hải (76 tuổi, trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) là một trong những bệnh nhân quen thuộc của khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng. Hai năm trước, tự nhiên ông thấy mắt mờ, nhức, đầu đau và quay cuồng mỗi khi nằm xuống.

Ông có uống thuốc trị đau đầu nhưng bệnh không khỏi, thậm chí nặng hơn. Không chịu được cơn đau, ông đến Bệnh viện Mắt khám, các bác sĩ cho biết, mắt ông bị tăng nhãn áp, teo gai biến chứng của bệnh Glôcôm, chỉ có thể mổ để hạ nhãn áp, còn thị lực thì không thể phục hồi do quá muộn. Đều đặn 2 năm nay, định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, ông lại lên khoa Glôcôm để khám, lấy thuốc điều trị, nhằm duy trì thị lực để tránh mù lòa.

Theo Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, hằng năm, đơn vị này tiếp nhận khoảng 6.000 lượt khám bệnh về Glôcôm, chiếm 5,9% tổng số bệnh nhân khám, điều trị các bệnh liên quan về mắt. Trong số những trường hợp phát hiện mắc bệnh Glôcôm, hơn 1.100 ca phải điều trị nội trú, 400 trường hợp phải phẫu thuật.

Đây là con số đáng báo động, bởi nhận thức về mức độ nguy hiểm của bệnh này trong cộng đồng vẫn chưa cao. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trưởng khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, đây là bệnh lý rất phức tạp do có rất nhiều hình thái với những biểu hiện lâm sàng khác nhau, đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau.

Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện lâm sàng cấp tính nên người bệnh thường đi khám chữa ngay để thoát khỏi cơn đau nhức mắt. Glôcôm góc mở là hình thái bệnh mạn tính, không có triệu chứng hoặc triệu chứng âm ỉ, mờ nhạt. “Có đến 50% người bệnh Glôcôm góc mở và góc đóng mạn tính không biết mình bị bệnh Glôcôm. Đến khi thị lực giảm sút trầm trọng mới phát hiện bệnh thì đã quá muộn”, bác sĩ Ánh cho biết.

Hiện nay trên thế giới, bệnh Glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị Glôcôm vẫn nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Trong khi đó, nhiều người bệnh thấy tình hình tiến triển nên cho rằng bệnh đã khỏi hẳn sau, không cần tái khám hoặc theo dõi tiếp.

Điều này khiến bệnh vẫn âm ỉ, lâu dài gây mất dần chức năng thị giác. Theo bác sĩ Ánh, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Glôcôm, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Tỷ lệ mắc Glôcôm do thuốc khá cao vì bệnh nhân tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Nếu sử dụng những loại thuốc có thành phần corticosteroid kéo dài mà không có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa sẽ dẫn đến những biến chứng khôn lường.

 “Người bệnh Glôcôm cần phải được chăm sóc, theo dõi thường xuyên, theo quy trình chặt chẽ từ khi được phát hiện bệnh, điều trị cho đến hết quãng đời còn lại nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

Phòng bệnh Glôcôm chỉ có một cách duy nhất, đó là những người trên 40 tuổi hoặc có họ hàng với người đã bị Glôcôm, hằng năm phải đi đo áp lực mắt một lần tại các cơ sở có chuyên khoa mắt”, bác sĩ Ánh cho biết thêm.

Khám, cấp thuốc miễn phí cho người bệnh Glôcôm

Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết, hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm thế giới, vừa qua bệnh viện đã tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân trên địa bàn thành phố.

Tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), bệnh viện đã khám miễn phí cho 200 người mắc các bệnh về mắt, qua đó phát hiện 100 bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm, được chỉ định phải điều trị ngay để tránh mù lòa. Trong Tuần lễ Glôcôm thế giới (11 đến 17-3), bệnh viện tiếp tục khám, cấp thuốc miễn phí cho các bệnh nhân khi đến đăng ký khám tại khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, địa chỉ 68 Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.