Đệm thông minh cho người bệnh

.

Với chiếc đệm thông minh hỗ trợ các bệnh nhân hạn chế chức năng vận động, nhóm sinh viên (SV) Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng giành chiến thắng trong chương trình Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) toàn quốc tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 6 vừa qua.

Nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với sản phẩm đệm thông minh. Ảnh: NVCC
Nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với sản phẩm đệm thông minh. Ảnh: NVCC

Nhóm SV Võ Văn Quốc, Định Nhân, Nguyễn Quốc Thanh Giang, Hồ Hoàng Minh Chính, Lê Thị Thu Huyền và Trần Thị Minh Khuê chia sẻ, chiếc đệm thông minh như một “đứa con” mà các em đã cùng nhau nuôi dưỡng trong suốt 3 tháng tham gia chương trình EPICS.

Theo giới thiệu, chiếc đệm có thể xoay 180 độ, nâng thân trên, hạ thân dưới chỉ bằng một cái điều khiển nhỏ. Tưởng chừng đơn giản, nhưng đây lại chính là vật dụng mà các bệnh nhân thoái hóa cột sống, mất chức năng vận động mong muốn. Với chiếc đệm này, họ không cần nhờ người nhà thi thoảng thay đổi tư thế cho mình nữa.

Sản phẩm kỹ thuật đầu tay của nhóm SV bắt đầu triển khai trong chương trình EPICS do ĐH Purdue (Mỹ) khởi xướng vào năm 1995 – nơi các kỹ sư trẻ xây dựng những dự án phục vụ cộng đồng. Năm 2018, EPICS lần đầu tiên được đưa vào thử nghiệm ở 4 trường ĐH kỹ thuật lớn của Việt Nam, trong đó có Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Võ Văn Quốc (SV năm 2 khoa Cơ khí) cho biết, khi tham gia vào chương trình, các em được tiếp cận với phương pháp tư duy thiết kế (design thinking). Theo đó, khi bắt tay vào làm một dự án, cần nắm rõ nhu cầu của cộng đồng trước, rồi dựa vào các nhu cầu đó để phân tích, tìm ý tưởng, chế tạo mẫu thử…

“Em nhận thấy nhiều SV kỹ thuật thường chỉ chế tạo cái mình thích mà không quan tâm đến việc nó có đáp ứng được nhu cầu của ai không. Điều này rất đáng tiếc, bởi sẽ có những sản phẩm làm ra mà không được đón nhận”, Quốc nói.

Hiểu được điểm yếu này, suốt 2-3 tuần đầu tiên, nhóm chia nhau đi khắp các bệnh viện trên địa bàn thành phố để tìm hiểu nhu cầu của người bệnh. Các em thiết kế bộ câu hỏi khảo sát, rồi dựa trên kết quả để tìm ra vấn đề mà người bệnh mắc phải.

Định Nhân kể: “Cả nhóm đều là SV nên nghĩ tới việc phải nói chuyện với các bác giám đốc bệnh viện là đã thấy… ngại. Nhưng rồi cũng phải mạnh dạn gọi điện thoại xin gặp. Còn các bệnh nhân khi biết mình là SV đang làm dự án cộng đồng thì rất ủng hộ, cởi mở, khiến nhóm có thêm nhiều quyết tâm”.

Quy tắc mà cả nhóm thuộc nằm lòng là sản phẩm phải tập trung vào bệnh nhân. Sau khi xác định các chức năng mà chiếc nệm thông minh cần có, nhóm phân việc cho từng thành viên thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn ban đầu là cả nhóm chưa ai học về động cơ, nên phải hỏi các thầy và các anh chị khóa trước rồi tự mày mò, lắp ráp.

Với tiêu chí lấy bệnh nhân làm trọng tâm, nhóm SV cẩn thận làm nhiều mô hình mẫu thử để lấy ý kiến. Nhờ vậy, nhóm điều chỉnh để nệm không bị nóng, có thêm tay vịn hai bên… Sản phẩm cuối cùng là một chiếc nệm dài 2 mét, được đánh giá là có tính thực tiễn cao và nằm top đầu trong số 21 dự án tham gia triển lãm của chương trình EPICS Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 6 vừa qua.

TS. Lê Hoài Nam, giảng viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa cho biết, điều quan trọng nhất và sinh viên thu nhận được qua khóa học là kiến thức về tư duy và quá trình thiết kế, chứ không hẳn là sản phẩm tạo ra sau khóa học.

“Sinh viên ra ngoài để biết xã hội đang cần và thiếu cái gì. Sau này, khi các sinh viên thực hiện dự án cộng đồng, họ sẽ biết mình phải bắt đầu từ đâu, tới bước nào thì phải làm những việc gì, tránh tình trạng lơ lửng, không biết làm gì tiếp theo”, TS Nam nói.

Bên cạnh đó, các SV từ nhiều ngành khác nhau (cơ điện tử, quản lý dự án, điện, cơ khí, kiến trúc, môi trường, kinh tế…) có cơ hội để làm việc theo nhóm, học kỹ năng quản lý dự án, thuyết trình, nâng cao trình độ tiếng Anh (bởi chương trình học đa phần bằng tiếng Anh).

Theo TS. Lê Hoài Nam, đây cũng chính là bước đi theo định hướng “Học qua dự án” của Trường ĐH Bách khoa, giúp SV cọ xát với thực tế, biết cách “biến hóa” những kiến thức lý thuyết thành công cụ hỗ trợ cuộc sống.

EPICS (Engineering Projects in Community Service) là chương trình doanh nghiệp cộng đồng được thành lập năm 1995 tại ĐH Purdue (Mỹ), giúp SV tiếp xúc với những vấn đề kỹ thuật thực tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chương trình được xây dựng nhằm bổ trợ SV tốt nghiệp các kỹ năng thực tế cần cho việc quản lý dự án; đồng thời, cung cấp giải pháp kỹ thuật để giải quyết thách thức của từng địa phương.

Sau khi áp dụng thành công ở 15 trường ĐH tại Mỹ, năm 2018, EPICS được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và ĐH bang Arizona (Mỹ) triển khai thử nghiệm ở 4 trường ĐH của Việt Nam (ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và ĐH Lạc Hồng).

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.