Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn báo động về tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT). Điều này không chỉ là mối lo của chính người tham gia giao thông mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN.
Dạo quanh nhiều tuyến đường trong các KCN giờ cao điểm vào ca và tan ca, chúng tôi nhận thấy nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn. Tại KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) vào buổi sáng, hàng chục ngàn công nhân lao động từ các hướng đổ về làm việc, gây cảnh lộn xộn ở những nút giao thông dẫn vào các nhà máy. Tương tự, 2 KCN Hòa Khánh và Hòa Khánh mở rộng, nơi có đến trên 30.000 công nhân, cũng gặp cảnh ách tắc ở nhiều tuyến đường.
Mật độ người và xe tham gia giao thông ở những khu vực này rất lớn, trong khi hệ thống biển báo, đèn tín hiệu hầu như không có. Một số công nhân phản ánh, trên các tuyến đường ở KCN, xe ben chở đất đá làm rơi vãi, nắng thì gây bụi, mưa thì bùn bắn lên tận người. Bên cạnh đó, vô số chợ cóc, chợ di động án ngữ trước cổng nhiều công ty, nhà máy, thu hút người mua bán, tạo cảnh nhếch nhác và nguy cơ mất ATGT.
Ông Nguyễn Văn Phu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa (KCN Hòa Khánh) cho biết: “Năm vừa qua, xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đối với người lao động của công ty. Sau giờ tan ca, gần 2.000 công nhân ùa ra mua bán, làm sao cấm họ được. Nói là đụng chạm đến mưu sinh, nhưng như thế này thì không ổn, phải có giải pháp thế nào để bảo đảm ATGT, vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, hơn một năm trở lại đây, không rõ đường ống của đơn vị nào bắt ngang qua công ty, họ đào lên rồi không trả lại hiện trạng ban đầu”, ông Phu phản ánh.
Nhiều vụ tai nạn giao thông liên tục xảy ra trong các KCN đã được lực lượng công an xác nhận. Với những va chạm không lớn, các bên thường tự thỏa thuận với nhau. Riêng những vụ xảy ra ngoài tuyến KCN như Nguyễn Lương Bằng, ĐT 602, Âu Cơ, Cách mạng Tháng Tám, quốc lộ14B… là nghiêm trọng. Ban lãnh đạo Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN Hòa Cầm) nhìn nhận: “Vấn đề giao thông ở KCN Hòa Cầm là chuyện được nói mãi, bàn mãi nhưng TNGT vẫn không giảm. Từ đầu năm đến nay, xảy ra ít nhất 15 vụ TNGT khiến các công nhân phải nhập viện, nghỉ làm việc cả tuần”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của các vụ TNGT hầu hết do ý thức của người điều khiển phương tiện rất kém. Chị Nguyễn Hảo Thủy (công nhân Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa) cho biết: “Vào giờ giao ca, hầu như ai cũng lật đật phóng xe cho kịp giờ. Hầu như tuần nào ca em làm cũng xảy ra tai nạn giao thông, lỗi do phóng nhanh, vượt ẩu”.
Không khó để chỉ ra những nguyên nhân mất ATGT là do cơ sở hạ tầng đường sá chưa tốt, đèn đường chiếu sáng lúc có lúc không, xe vận tải chuyên chở hàng hóa đậu, đỗ ven các tuyến đường. Các phiên chợ di động phục vụ công nhân cứ mọc lên…
Quan sát của chúng tôi cho thấy, tại các KCN cứ tầm 6 giờ 30 đến 7 giờ hoặc từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30, lượng xe cộ ra vào nườm nượp. Người mua bán đồ ăn thức uống, dịch vụ bơm vá xe di động tràn xuống chiếm dụng lòng lề đường. Con đường vốn hẹp nay còn chịu sức ép của nhiều phương tiện nên quá tải. Hiện nay, bò, dê, chó được thả rông trong các KCN cũng gây nguy hiểm cho người đi đường.
Trước nhiều thông tin phản ánh, ông Lê Hoàng Đức, Phó Ban quản lý các KCN và chế xuất thành phố đề nghị: “Nên sắp xếp lại những đường một chiều đi vào KCN, mở thêm lối đi cho thuận lợi. Về lâu dài, Ban quản lý các KCN và chế xuất thành phố đã có tờ trình thành phố xây hàng rào khoanh vùng ranh giới các KCN với khu dân cư, hoặc trước mắt cho kéo tạm hàng rào lưới B40.
Thời gian qua, các ngành chức năng đã xử phạt các hộ chăn thả bò, dê và yêu cầu ký cam kết không vi phạm. Trên tuyến quốc lộ 14B hiện có gắn camera xử lý phạt nguội, có biển báo hạn chế tốc độ, nhưng công nhân cũng đi ẩu, đi ngược chiều và vi phạm giao thông nhiều lần. Do đó, theo tôi, các doanh nghiệp phải quán triệt đến công nhân tại các cuộc họp, hội nghị người lao động”.
DUYÊN ANH