Toàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) chỉ có hơn 4.000 hộ nhưng đến đầu năm 2018, phường còn đến 641 hộ nghèo và 290 hộ cận nghèo. Theo chỉ tiêu được giao từ UBND quận, cuối năm nay, phường phải xóa nghèo cho 290 hộ. Ông Phạm Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường tỏ ra khá tự tin: “Nếu cố gắng dồn mọi nguồn lực, đến cuối năm nay, địa phương có thể xóa hết 290 hộ nghèo để đạt chỉ tiêu quận giao. Tuy nhiên, quan niệm của lãnh đạo địa phương là làm sao vừa giảm số hộ nghèo theo chỉ tiêu, vừa chống được tái nghèo”.
Thực tế trong những năm qua, phường Hòa Hiệp Nam đã có nhiều cách làm tốt. Hằng năm, thông qua sự đóng góp của người dân, phường huy động thêm các mạnh thường quân là những doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn như: Công ty CP T&T, Doanh nghiệp tư nhân Dũng Hòa, Điện lực Liên Chiểu... chung tay trong hoạt động giảm nghèo. Tính đến đầu tháng 8 này, Quỹ vì người nghèo của phường đã huy động được 550 triệu đồng, trở thành phường huy động Quỹ vì người nghèo cao nhất quận.
Trong năm 2018, từ nguồn quỹ trên, phường đã hỗ trợ 2 gia đình khó khăn, mỗi hộ 60 triệu đồng để sửa nhà; cấp 11 suất học bổng cho 11 học sinh nghèo hiếu học (trị giá 3 triệu đồng/suất); cấp phương tiện sinh kế cho hàng trăm hộ nghèo... Chia sẻ về cách làm này, bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường cho biết thêm: “Do kinh phí có hạn nên chúng tôi cố gắng tối đa để tất cả nguồn hỗ trợ phải đúng địa chỉ, và trên hết là đúng nhu cầu của người dân thông qua việc đối thoại đầu năm”.
Như trường hợp bà Trần Thị Hát, 67 tuổi, được phường hỗ trợ 5 triệu đồng để làm vốn buôn bán dọc vỉa hè tuyến đường Lê Tự Thống Nhất. Bà Hát vui mừng cho biết:
“Trước đây tôi bán rau ở chợ Nam Ô, nhưng hai năm trước căn bệnh tim trở nặng nên tôi nghỉ ở nhà chữa bệnh, những đồng tiền dành dụm lâu nay cũng theo đó hết trơn. Thật may, đầu năm nay tôi được phường hỗ trợ 5 triệu đồng và bố trí cho tôi được bán ở đoạn đường này, nhờ vậy mấy tháng qua kinh tế gia đình ổn định trở lại. Tôi định đến cuối năm sẽ làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, mình đủ rồi thì nhường cho người khác”.
Đặc biệt là trường hợp của anh Đ.D.P, khi đứa con thứ 3 chào đời chưa được bao lâu thì vợ anh bỏ nhà ra đi.
“Gà trống nuôi con” đã vất vả lại không có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình rơi vào cảnh bấp bênh. Đầu năm 2016, UBND phường hỗ trợ anh P. tiền mua một chiếc xe bò làm phương tiện mưu sinh. Đầu năm 2018, anh được hỗ trợ tiếp một chiếc xe máy để tranh thủ lúc rảnh chạy xe ôm. Anh P. xúc động cho biết:
“Người ta được hỗ trợ một lần, riêng tôi lại được hai lần. Vì vậy, mới đây tôi đã làm đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường phần hỗ trợ cho hộ khác. Tuy nhiên, khi đại diện phường xuống kiểm tra, đánh giá gia đình tôi vẫn còn khó khăn nên không đồng ý cho tôi ra khỏi danh sách nghèo. Tôi rất biết ơn và cố gắng ổn định kinh tế để năm sau sẽ thoát nghèo”.
THANH VÂN