Thượng úy Ngô Ngọc Châu, Đội phó Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Liên Chiểu cho biết, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung, quận Liên Chiểu nói riêng, xuất hiện một số tội phạm lừa đảo khá tinh vi. Vì vậy, người dân cần phải cảnh giác để tránh “tiền mất tật mang”.
Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Liên Chiểu vừa nhận đơn tố giác của chị H.T.N (ngụ phường Hòa Khánh Bắc) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo trình bày của chị N., một thanh niên tự xưng nhân viên ngân hàng gọi điện, thông báo chị đã trúng thưởng chiếc xe máy hiệu Air blade và số tiền mặt là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, để nhận được phần thưởng nói trên, nam thanh niên yêu cầu chị N. nộp tiền phí để làm hồ sơ bằng hình thức mua thẻ card điện thoại và gửi theo hướng dẫn. Cả tin, chị N. gửi 18 triệu đồng thẻ card điện thoại. Sau khi hoàn thành giao dịch, chị N. không liên lạc được với người thanh niên kia.
Qua tìm hiểu của cơ quan Công an, để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng sử dụng các sim rác, nhắn tin báo trúng thưởng đến các số thuê bao. Giá trị giải thưởng thường đi kèm hai phần là xe máy và tiền mặt với giá trị hàng trăm triệu đồng. Khi bị hại chủ động liên hệ lại, đối tượng yêu cầu cung cấp thủ tục và đóng phí để ban tổ chức đến trao giải tận nhà. Việc đóng phí theo hình thức chuyển tiền vào tài khoản hoặc chuyển thẻ games, card điện thoại. Sau khi nhận được số tiền mà bị hại chuyển, các đối tượng vứt sim điện thoại.
Bên cạnh lừa đảo bằng nhắn tin, điện thoại báo trúng thưởng, một hình thức khác là các đối tượng chủ động kết bạn với bị hại trên mạng xã hội facebook, zalo để nói chuyện. “Con mồi” được nhắm đến là phụ nữ lớn tuổi, khoảng từ 45-60 tuổi. Với hình ảnh đại diện thường dùng là người nước ngoài hoặc quân nhân, các đối tượng “nổ” nhiều tiền, nuốn tặng quà có giá trị lớn để “ra mắt”.
Để bị hại tin tưởng, đối tượng “đóng” thêm vai cán bộ hải quan, điện thoại cho bị hại thông báo có kiện hàng là ngoại tệ với số lượng lớn khoảng từ 20.000 - 50.000 USD (đây là vật cấm gửi theo hàng hóa khi thông quan) từ nước ngoài chuyển về, sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển khoản tiền để “làm thủ tục”. Hoa mắt trước số quà lớn, nhiều nạn nhân sập bẫy, gửi tiền theo yêu cầu.
Thủ đoạn khác, một số đối tượng sử dụng phần mềm giả lập các số điện thoại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các địa phương hoặc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho bị hại và thông báo nạn nhân hoặc người thân liên quan đường dây tội phạm mà Cơ quan Cảnh sát điều tra đang điều tra. Các đối tượng đe dọa nạn nhân sẽ bị liên đới, khởi tố và bắt giam nếu không chi tiền. Để “chạy tội”, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp. Lo lắng, thiếu tỉnh táo, một số người đã làm theo và mắc bẫy.
Thượng tá Nguyễn Phước Tốt, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, để ngăn ngừa tình trạng lừa đảo này, cơ quan Công an đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận diện, kịp thời phát hiện đối tượng có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Khi nhận thấy đối tượng có ý định thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nhanh chóng báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất biết để nắm tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời, không để đối tượng thực hiện phạm tội. Trong trường hợp kết bạn trên mạng xã hội facebook, nếu bạn có gợi ý gửi quà hay tiền về và sau đó có nhân viên hải quan/nhân viên sân bay hay bất kỳ ai gọi đến yêu cầu trả tiền cước hay tiền gì để nhận tài sản thì phải kiểm tra cụ thể, chính xác thông tin, yêu cầu được thông báo bằng văn bản để xác nhận, không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng”, Thượng tá Nguyễn Phước Tốt khuyến cáo.
NGỌC PHÚ