Tìm kiếm các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

.

Do ảnh hưởng của Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố diễn ra cầm chừng, gián đoạn. Điều này khiến công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trong tình thế đó, công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và tìm kiếm, mở rộng thêm các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang được các ngành, địa phương đẩy mạnh.

Quận Sơn Trà hiện quản lý hơn 3.700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, quận tổ chức kiểm tra hơn 2.300 cơ sở, đạt 66% số cơ sở, riêng UBND các phường tổ chức kiểm tra hơn 500 cơ sở, đạt tỉ lệ hơn 51%. Theo Phòng Y tế quận Sơn Trà, do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chưa ổn định, lực lượng chức năng phải đi lại nhiều lần để thực hiện công tác kiểm tra.

Tương tự, tại quận Hải Châu, trong 6 tháng đầu năm 2020, các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến quận và tuyến phường đã thanh tra, kiểm tra ATTP tại 1.879 cơ sở trên địa bàn, đạt tỷ lệ 48% số cơ sở quản lý. Các lỗi vi phạm mà các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thường mắc phải kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; khu vực chế biến có cống rãnh thoát nước thải bị ứ đọng, không được che kín... “Ngay sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp các hội, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tập huấn kiến thức ATTP, tiếp tục vận động sử dụng muỗng không rãnh cho gần 300 tiểu thương. Quá trình tuyên truyền về ATTP cũng được lồng ghép với hướng dẫn tuyên truyền cơ sở các biện pháp phòng chống dịch”, ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý (BQL) ATTP thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2020, các cấp, ngành của thành phố đã thanh tra, kiểm tra hơn 11.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, đạt tỷ lệ gần 50%. Lực lượng Cảnh sát môi trường Công an thành phố điều tra phát hiện 43 vụ vi phạm ATTP, phạt tổng số tiền hơn 520 triệu đồng… “Do ảnh hưởng của Covid-19 nên công tác thanh, kiểm tra gặp nhiều khó khăn, gián đoạn. Đặc biệt, sau thời kỳ giãn cách xã hội là thời kỳ tái khởi động của nền kinh tế, các chuỗi cung ứng nguyên liệu, hóa chất, sản xuất khi hoạt động trở lại với nhiều khó khăn và thách thức, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro về mất an toàn, trong đó có nguy cơ về mất ATTP.

Chúng tôi nhận diện rất rõ các mối nguy này và tiến hành các biện pháp cần thiết để cùng với các sở, ngành liên quan, UBND các quận huyện thực hiện bảo đảm ATTP cho người dân, trong đó có công tác tuyên truyền”, ông Hải cho biết. Theo đó, các cấp, các ngành đã tổ chức 21 lớp tập huấn cho hơn 2.000 người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 158 buổi tuyên truyền cho gần 5.000 lượt người tại các khu dân cư; phát hơn 6.400 lượt phát thanh; treo gần 1.000 pano, băng-rôn, áp phích; phát hơn 8.100 tờ rơi về các nội dung liên quan đến ATTP…

Trước diễn biến dịch bệnh do SARS-CoV-2 vẫn còn thường trực nguy cơ, BQL ATTP đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn, đồng thời chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bảo đảm ATTP trong phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm đến người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng.

“Việc giám sát ô nhiễm thực phẩm đối với rau, trái cây, thủy sản nhập vào thành phố tiêu thụ tại chợ Đầu mối Hòa Cường, cảng cá Thọ Quang, cơ sở sản xuất ban đầu, lò giết mổ tập trung cũng được duy trì, thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tìm kiếm, mở rộng thêm các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thông qua việc hợp tác với các tỉnh cung ứng rau, trái cây, thủy sản và gia súc, gia cầm cho thành phố”, ông Hải nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.