APEC
Tuần lễ cấp cao APEC: Cơ hội 'vàng' quảng bá du lịch Việt Nam
Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11-11, dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, khoảng 10.000 đại biểu quốc tế và trong nước.
Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, chiều 20/10, Chủ tịch APEC FMM và Bộ trưởng, trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC thăm quan phố cổ Hội An. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017 chính là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt là các điểm đến hấp dẫn ở miền Trung.
Đến thời điểm này, Đà Nẵng đã chuẩn bị nhiều tour phong phú để đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách, trong đó có tour giới thiệu cảnh đẹp và văn hóa của Đà Nẵng, kết nối Khu du lịch Ngũ Hành Sơn - Bảo tàng điêu khắc Chăm - Bán đảo Sơn Trà. Đà Nẵng cũng kết nối với di sản phố cổ Hội An (Quảng Nam) với Cố đô Huế để đa dạng hóa lựa chọn cho du khách. Ngoài ra còn có các tour khác đến Bà Nà, Suối khoáng nóng núi Thần tài, du thuyền trên sông Hàn về đêm…
Đà Nẵng cũng dành khoảng 13.000 phòng tại các resort, khách sạn ven biển phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017. Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã tập huấn nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, đầu bếp các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách trong Tuần lễ cấp cao APEC.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay: Phục vụ đại biểu quốc tế trong dịp Tuần lễ cấp cao APEC là vinh dự và trách nhiệm của ngành du lịch Việt Nam. Đây cũng là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam cởi mở, thân thiện, mến khách và ngày một chuyên nghiệp tới du khách quốc tế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng nhấn mạnh: Toàn ngành du lịch, đặc biệt là du lịch các tỉnh miền Trung cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các đơn vị đón tiếp đại biểu APEC phải thể hiện thái độ, kỹ năng nghề, ứng xử chuyên nghiệp từ lễ tân đến nhân viên phục vụ, tuyệt đối không để sai sót. Các khách sạn 4-5 sao được phân công đón các đoàn khách APEC phải nêu cao tính trách nhiệm, giữ thể diện chung cho du lịch nước nhà; vấn đề vệ sinh, thân thiện, mến khách phải được đặt lên hàng đầu; người quản trị, lễ tân cần “có nghề” và tận tâm với công việc.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Phạm Trung Lương (Viện Môi trường và Phát triển bền vững Việt Nam), nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: Những năm gần đây, các nền kinh tế thành viên APEC đang trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực. Năm 2015, khu vực APEC đón được trên 396 triệu lượt khách du lịch, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đến năm 2020, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ thu hút được 27% lượng khách du lịch toàn cầu, lượng khách đến khu vực châu Âu sẽ giảm từ khoảng 60% xuống còn 46% vào năm 2020. Xu thế này sẽ còn duy trì vào những năm tiếp theo...
Các địa phương được lựa chọn để tổ chức các sự kiện APEC năm 2017 có cơ hội tổ chức các đoàn giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, sản phẩm du lịch của địa phương; tổ chức xúc tiến đầu tư du lịch và giao lưu giữa các đại biểu APEC với cộng đồng địa phương để các đại biểu có những trải nghiệm chân thực nhất về cuộc sống của người dân Việt Nam. Những ấn tượng tốt đẹp đó sẽ được các đại biểu APEC năm 2017 chuyển tải đến người dân ở đất nước mình, thúc đẩy hơn sự hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và các nước thành viên APEC trong tương lai.
"Những cơ hội mà APEC 2017 đem đến cho du lịch Việt Nam là rất lớn. Để biến cơ hội thành hiện thực, góp phần tạo thêm động lực mới cho du lịch Việt Nam phát triển, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược để du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020, rất cần có sự nhạy bén nắm bắt cơ hội, quyết tâm và chủ động của toàn ngành du lịch, sự hỗ trợ và hợp tác có hiệu quả của các ngành, địa phương…", GS.TS Phạm Trung Lương khẳng định.
Theo TTXVN