APEC
APEC 2017 nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế
Ngày 1-11, tại thủ đô Moskva, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN đã tổ chức hội thảo bàn tròn với chủ đề: "Diễn đàn APEC 2017 tại Việt Nam: Những cơ hội phát triển khu vực."
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Chương trình Tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. (Ảnh: TTXVN) |
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam, APEC và châu Á.
Tại hội thảo các chuyên gia tập trung thảo luận những thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới; đa dạng hóa hoạt động kinh tế đối ngoại, tính đa dạng trong chính sách đối ngoại, hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.
Trình bày tham luận tại hội thảo, phó giáo sư Oksana Novakova của Viện các nước Á-Phi thuộc Trường đại học tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU) nhấn mạnh rằng sau khi thực hiện chính sách đổi mới vào năm 1986, Việt Nam nhanh chóng gia nhập cộng đồng thế giới với tư cách một quốc gia đang phát triển, có chính sách kinh tế tự do hơn, sẵn sàng hợp tác với tất cả đối tác có thể trên thế giới, đồng thời nổi lên như một lãnh đạo chính trị tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ đẩy mạnh hợp tác kinh tế mà Việt Nam còn chú trọng tăng cường phối hợp hành động nhằm duy trì an ninh ở khu vực. Hòa bình và phát triển là 2 định hướng chính trong chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam.
Theo bà Novakova, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 là một trong những sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm gần đây, khẳng định đường lối tích cực hội nhập quốc tế và sẽ thúc đẩy nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đang phát triển năng động, mến khách và an toàn.
Chia sẻ ý kiến này, chuyên gia Anna Aksenova, giảng viên đại học MGU cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang chứng tỏ sự phát triển năng động; tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao (trong giai đoạn 2010 -2016 trung bình đạt mức 6%); tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phần lớn gắn liền với dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn nước ngoài.
Điều đáng nói là những nhà đầu tư chủ chốt tại Việt Nam đến từ các nước thành viên APEC, vốn gần gũi về mặt địa lý và có lợi ích chung, hội nhập trong khuôn khổ các liên minh khu vực.
Đề cập đến quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt Nam, ông Evgeny Kobelev, chuyên gia Viện Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga, nhấn mạnh đến bước đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại khi Việt Nam ký với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) về việc thành lập Khu vực thương mại tự do. Mặc dù đang đối mặt với một số vấn đề, song nhìn chung quan hệ giữa hai nước phát triển khá tốt.
Ông Kobelev bày tỏ hy vọng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự APEC sẽ tạo thêm xung lực mới thúc đẩy quan hệ song phương phát triển thực chất.
Trao đổi với phong viên TTXVN, ông Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói rằng mục đích chính của cuộc hội thảo bàn tròn lần này nhằm giới thiệu Việt Nam và APEC, trong đó thảo luận chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh APEC, những ưu tiên của Việt Nam trên cương vị nước chủ nhà, chú trọng tìm kiếm những lĩnh vực mà Việt Nam và Nga có cùng lợi ích và phối hợp hành động trong khuôn khổ APEC.
Theo ông Mazyrin, việc trao quyền cho Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
Lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Hà Nội vào năm 2006, như vậy chỉ mới hơn 10 năm trôi qua. Điều này cho thấy Việt Nam nói chung và những thành tựu kinh tế của Việt Nam được đánh giá rất cao trong vai trò tích cực của đời sống quốc tế.
Sau khi tham gia APEC, Việt Nam càng có thêm cơ hội củng cố ảnh hưởng và vai trò của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tất nhiên, bản thân nền kinh tế Việt Nam phát triển rất năng động tại khu vực rộng lớn này của thế giới. Nhờ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và phát triển bền vững nên nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nhiều nước ASEAN nói chung cho thấy những chỉ số rất tốt.
Nhiều sáng kiến quan trọng được thảo luận trong khuôn khổ APEC và được Việt Nam tích cực ủng hộ, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việt Nam là ví dụ điển hình không chỉ đơn thuần chính phủ khuyến khích, ủng hộ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn là mô hình kinh tế thành công, trong đó đặc biệt chú trọng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Vietnam+