Đà Nẵng cuối tuần

Sinh viên "thử thách" cùng APEC

08:07, 29/10/2017 (GMT+7)

Họ là những sinh viên (SV) đến từ 6 trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng, chia làm 6 đội thi tìm hiểu về bản sắc của 21 nền kinh tế APEC. Họ không chỉ thể hiện vai trò “đại sứ” văn hóa của quê hương mà còn thuyết phục bởi vốn kiến thức sâu rộng, trình độ tiếng Anh và kỹ năng hùng biện, tranh biện của những sinh viên thời kỳ hội nhập.

Sinh viên Khoa Y Dược “nhập vai” giói thiệu nền kinh tế Hàn Quốc.Ảnh: T.L
Sinh viên Khoa Y Dược “nhập vai” giói thiệu nền kinh tế Hàn Quốc.Ảnh: T.L

Hành trang hội nhập

Những thí sinh đêm chung khảo cuộc thi “Sinh viên ĐH Đà Nẵng với APEC” không chỉ thuyết phục người xem bởi vốn tiếng Anh lưu loát mà còn bởi kiến thức sâu rộng. Ở phần thi chào hỏi, các đội đến từ các trường ngoài sự giới thiệu về ngôi trường mình đang theo học còn xuất sắc trong việc “nhập vai” các nền kinh tế thành viên để giới thiệu những nét đặc trưng về đất nước, con người, văn hóa, kinh tế, xã hội của các nền kinh tế thành viên APEC; ở phần hùng biện, họ lại chứng tỏ bản lĩnh của người trẻ sẵn sàng hội nhập.

Để chuẩn bị cho cuộc thi cũng như chào đón APEC với tư cách là một công dân của thành phố chủ nhà đăng cai, nơi diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, mỗi sinh viên phải tự nỗ lực tìm hiểu kiến thức văn hóa, xã hội, kinh tế của các nền kinh tế thành viên APEC.

Đến từ Trường ĐH Ngoại ngữ, Ngô Hoàng Hà, SV ngành ngôn ngữ Anh-Tiếng Anh thương mại chia sẻ: “Em đảm nhiệm phần thi hùng biện tại cuộc thi nên em tìm hiểu khá kỹ về các nét cơ bản nhất của các nền kinh tế và của riêng Đà Nẵng. Muốn có một bài hùng biện tốt thì ngoài vốn tiếng Anh lưu loát ra, còn phải hiểu thật kỹ lịch sử, sự phát triển cũng như thực trạng của kinh tế, văn hóa, xã hội… mình mới có thể đưa ra các giải pháp được”.

Không có lợi thế như các SV ngoại ngữ, nhiều bạn SV không chuyên ngữ gặp phải rào cản khi thể hiện các phần thi bằng tiếng Anh. Một số bạn khác dù có vốn tiếng Anh kha khá nhưng lại thiếu tự tin do không có môi trường giao tiếp thường xuyên. Đó là chưa kể những kiến thức gần như chưa có điều kiện để tiếp cận trong suốt thời gian theo học trên giảng đường. Để vượt qua rào cản ấy, cần đến bản lĩnh, sự tự tin và sắp xếp thời gian một cách khoa học giữa việc học và tham gia các hoạt động này.

Phan Minh Thư, SV ngành Ngoại thương (Trường ĐH Kinh tế) cho biết: “Trước cuộc thi, em đã cùng các bạn tìm hiểu thật kỹ về những nét cơ bản của APEC, về toàn cầu hóa, du lịch, tình hữu nghị của các nền kinh tế APEC. Đồng thời em cũng tìm hiểu kỹ về văn hóa, xã hội, kinh tế, du lịch của riêng Đà Nẵng. Đương nhiên em cũng trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình để chuẩn bị sẵn sàng cho phần hùng biện, tranh biện”.

Còn Nguyễn Thị Hồng Yến, SV năm 3, Trường ĐH Sư phạm bộc bạch: “Khi nghe thông tin APEC được tổ chức ở Đà Nẵng, bản thân em là một sinh viên ngành Sư phạm Sử nên em tự chủ động tìm hiểu trước các nét cơ bản nhất của các nền kinh tế thành viên APEC. Qua cuộc thi này, em đã tích lũy được rất nhiều kiến thức không chỉ của Đà Nẵng, của Việt Nam mà còn biết nhiều hơn về 21 nền kinh tế thành viên APEC. Đây là những kiến thức rất bổ ích để sau này ra trường, trở thành giáo viên em có thể truyền đạt lại cho học trò của mình”.

Những cổ động viên đồng hành cuộc thi ” Sinh viên ĐH Đà Nẵng với APEC”. Ảnh:T.L
Những cổ động viên đồng hành cuộc thi ” Sinh viên ĐH Đà Nẵng với APEC”. Ảnh:T.L

Vững vàng hướng tới tương lai

Sinh viên thời kỳ hội nhập luôn nhận thức rõ ràng về những cơ hội, thách thức, trách nhiệm. Bên cạnh không ngừng tích lũy kiến thức, họ còn chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết để hội nhập. Với tâm thế đó, cuộc thi là một thử thách đồng thời là sự trải nghiệm, dịp để nhìn lại những gì họ đã tích lũy được. Trần Ngọc Minh Huy, SV ngành Sư phạm Toán (Trường ĐH Sư phạm) cho rằng, bài học hữu ích khi tham gia cuộc thi tích lũy được tinh thần tập thể, kỹ năng làm việc nhóm. “Không chỉ tham gia cuộc thi, em còn vinh dự được tuyển chọn làm tình nguyện viên APEC. Những bài học mà em học được thông qua sự kiện quốc tế này rất bổ ích”.

Còn Hồng Yến cho rằng, em may mắn khi có cơ hội tham gia tìm hiểu về sự kiện APEC diễn ra trên chính quê hương của mình. Yến bảo rằng: “Nhờ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, em đã tìm tòi được nhiều tài liệu, kiến thức về các nền kinh tế APEC cũng như nhiều nước khác để “định vị” mình. Nhưng là SV thời kỳ hội nhập không thể trông chờ một cách thụ động vào công nghệ thông tin như vậy, mà mình cần nỗ lực gấp nhiều lần để tiếp cận và dần dần làm chủ nó, am hiểu và có định hướng đúng đắn”.

Cuộc thi khép lại, nhưng với mỗi SV, cuộc thi mở ra cơ hội thêm một lần kiểm nghiệm lại hành trang hội nhập của mình trên hành trình đi tới tương lai. “APEC là một cơ hội đồng thời là thách thức để bản thân mỗi SV như chúng em biết rằng mình cần phải làm gì, làm như thế nào để cùng chung tay góp phần đưa đất nước đi lên, “gần hơn” với bạn bè quốc tế”, giáo sinh Anh Huy nói.

"Cuộc thi “Sinh viên ĐH Đà Nẵng với APEC” nhằm tuyên truyền cho tuổi trẻ ĐH Đà Nẵng về sự kiện đồng thời trang bị cho SV kiến thức về sự hình thành và phát triển APEC, tìm hiểu thêm về các nền kinh tế thành viên, đề xuất giải pháp trước những thời cơ và thách thức của đất nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Cuộc thi cũng là cơ hội để tuổi trẻ ĐH Đà Nẵng giao lưu, trao đổi kiến thức giữa các đơn vị đồng thời nâng cao khả năng ngoại ngữ, các kỹ năng mềm và hội nhập quốc tế. Đây đều là những kỹ năng thực sự cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc tổ chức cuộc thi khẳng định trách nhiệm của đoàn viên, SV ĐH Đà Nẵng với các sự kiện lớn của đất nước và thành phố; đồng thời thể hiện sự năng động, tiên phong, sáng tạo của Đoàn ĐH Đà Nẵng trong việc đổi mới các hoạt động Đoàn đáp ứng yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập”

Anh Dương Nguyễn Minh Huy, Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng

(Vĩnh Yên ghi )

Chào mừng Năm APEC Việt Nam 2017 và hướng đến Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, cuộc thi “Sinh viên ĐH Đà Nẵng với APEC” (APEC Youth Challenges 2017) do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng tổ chức. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội Trường ĐH Sư phạm; giải nhì cho Trường ĐH Kinh tế, giải ba cho Trường ĐH Ngoại ngữ và Khoa Y dược.

THIÊN LAM

.