Chiều 7-11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM 2017, chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả Hội nghị tổng kết Quan chức cao cấp APEC (CSOM) sau gần 2 ngày làm việc; trong đó chủ yếu là kết quả chính mà Hội nghị CSOM đạt được.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM 2017 chủ trì họp báo thông báo kết quả Hội nghị tổng kết Quan chức cao cấp APEC (CSOM). Ảnh: SƠN TRUNG |
Theo đó, hội nghị đã thông qua báo cáo hoạt động của 4 ủy ban APEC về Thương mại và đầu tư (CTI), Kinh tế (EC), Hợp tác Kinh tế-Kỹ thuật (SCE), Ủy ban Ngân sách (BMC). Các báo cáo cho thấy những bước tiến tích cực của các thành viên trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình hành động chung của APEC. Trong đó, nổi bật là các lĩnh vực: phát triển nguồn nhân lực và hợp tác giáo dục; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững; tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vươn ra thị trường toàn cầu; đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; cải cách cơ cấu…
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã thảo luận về các nỗ lực duy trì thương mại mở, tự do và thuận lợi hóa đầu tư. Việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương cũng được nhiều đại biểu đề cập. Các quan chức cao cấp đã thông qua Lộ trình về kinh tế mạng và kinh tế số để báo cáo lên các bộ trưởng APEC. Các nền kinh tế thành viên đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp tục nâng cao năng lực cho các thành viên trong kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần giữ đà hội nhập, liên kết kinh tế khu vực.
Hội nghị nhất trí trình lên Hội nghị các Bộ trưởng và Hội nghị cấp cao APEC xem xét một số văn kiện mang tính chiến lược, định hướng cho hợp tác dài hạn của APEC trong những thập niên tới.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc APEC có sáng kiến nào thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nền kinh tế APEC thống nhất tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung. Trên cơ sở chủ đề và 4 ưu tiên, Việt Nam phối hợp cùng các thành viên đưa ra sáng kiến phù hợp chủ đề chung và 4 ưu tiên. Sau 9 hội nghị bộ trưởng chuyên ngành, 6 hội nghị cao cấp, sáng kiến của Việt Nam và những nền kinh tế khác đều bám sát chủ đề về kinh tế.
Giải đáp câu hỏi liệu Hoa Kỳ có quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không và Việt Nam đánh giá thế nào về tầm quan trọng của sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam nhân việc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong khuôn khổ hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC, có rất nhiều kênh khác nhau, trong đó TPP là một kênh. Ngoài kênh này ra, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn có những khu vực mậu dịch tư do rất sâu và rộng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong khu vực còn có trên 150 hiệp định thương mại tự do song phương và các nước ASEAN đang đàm phán các hiệp định thương mại song phương. Đối với TPP, Việt Nam tham gia ngay từ đầu. Việc tham gia TPP của Việt Nam cũng thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các nền kinh tế thúc đẩy TPP nhằm tạo ra cân bằng về lợi ích. Việc Hoa Kỳ có quay lại TPP hay không, Việt Nam để ngỏ bởi TTP cũng là một tiến trình mở.
“Tự do hóa sẽ diễn ra, nhanh hay chậm là tùy mỗi nền kinh tế nhưng đây là xu thế chung. Tất cả nền kinh tế đều mong muốn tăng cường thương mại, đầu tư. Đây chính là động lực để các nền kinh tế trong khu vực phát triển. Hợp tác trong APEC rất đa dạng, khoảng cách phát triển khác nhau. Các nước đang phát triển cần tranh thủ sự phát triển của các nước phát triển, đồng thời phát huy thế mạnh của mình như kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc chia sẻ sẽ có lợi cho sự phát triển của các thành viên”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam: Thông điệp cam kết thúc đẩy hợp tác, phát triển thịnh vượng
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc Tổng thống Donald Trump dự sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và thăm cấp Nhà nước chính thức Việt Nam lần đầu tiên và cũng ngay trong năm đầu tiên lên làm Tổng thống có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Chuyến thăm thể hiện sự quan tâm của phía Hoa Kỳ không chỉ với khu vực mà với cả Việt Nam. Đây là thông điệp mạnh mẽ về cam kết thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đã được xây dựng từ năm 2013, phù hợp với xu thế chung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
S.TRUNG - Q.KHẢI