"Hậu trường" pháo hoa

.

Qua 10 năm với 9 lần tổ chức, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) trước đây và nay là lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) đã trải qua hành trình đủ dài để gom góp nên những câu chuyện “hậu trường” hấp dẫn, nhất là những câu chuyện được kể lại bởi chính những tình nguyện viên, người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với các đội thi cũng như ban tổ chức.

Anh Đặng Văn Bình chụp ảnh lưu niệm cùng đội pháo hoa Hoa Kỳ tham dự DIFC năm 2013.
Anh Đặng Văn Bình chụp ảnh lưu niệm cùng đội pháo hoa Hoa Kỳ tham dự DIFC năm 2013.

Giữa cái nắng oi ả của những ngày hè tháng sáu, trong khi các đồng nghiệp mải miết theo chân các đội thi vào tác nghiệp tại bãi bắn ven sông Hàn, tôi có dịp ngồi trò chuyện với anh Đặng Văn Bình, phiên dịch viên (thuộc Sở Ngoại vụ thành phố) cho đội pháo hoa Atlas PyroVision (Hoa Kỳ).

Tham gia phục vụ pháo hoa từ những ngày đầu tiên (năm 2008), đến nay, anh Bình đã đảm nhận nhiệm vụ làm phiên dịch viên, tình nguyện viên cho nhiều đội pháo hoa như: Malaysia, Canada và Hoa Kỳ (năm 2010, 2015 và 2018)…

Anh Bình kể: “Những năm đầu tiên mới tổ chức, công tác hậu cần của DIFC khá đơn sơ. Ngày ấy, giữa cái nắng chói chang của ngày hè, các đội pháo hoa phải dầm mình hàng tiếng đồng hồ để lắp đặt dàn pháo. Tôi cùng một số anh em phiên dịch viên khác đi xe đạp để vận chuyển từng chai nước suối ra phục vụ các đội.

Thành phố lắp đặt một khu vệ sinh ở gần bãi bắn, nhưng hầu như chẳng ai “dám” sử dụng. Khu nhà bạt cho các đội nghỉ ngơi thì được dựng tạm, lỡ có cơn gió to nào thổi có thể bị tốc hết mái. Chỗ ở của các đội cũng không nằm sát bãi bắn như bây giờ mà xa hơn, về phía khách sạn Mercure”.

Anh Bình so sánh: “Bây giờ, sau khi pháo hoa được xã hội hóa, doanh nghiệp đứng ra tổ chức, công tác hậu cần được chuẩn bị chu đáo hơn. Mỗi lần ra bãi bắn, các bạn phóng viên có nhà bạt khang trang để ngồi tránh nắng, có tủ ướp đồ uống để giải khát.

Ban tổ chức cũng chuẩn bị chu đáo khu vực phỏng vấn, chụp hình… Hầu như mọi yêu cầu của các đội thi và đơn vị tư vấn Công ty Global 2000 đều được đáp ứng kịp thời”.

Mỗi kỳ pháo hoa, bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thậm chí “sự cố” đáng tiếc khiến người trong cuộc phải ngậm ngùi. Như trường hợp đội pháo hoa Pyrotecnico (Hoa Kỳ) tham dự DIFC 2015 với kỳ vọng “làm nên chuyện” tại cuộc thi nên đã chuẩn bị một màn trình diễn vô cùng công phu.

Họ sử dụng thêm hai cần cẩu đứng hai bên bờ sông Hàn để treo các dây pháo nhằm tạo hiệu ứng ấn tượng. Thế nhưng, đến gần ngày biểu diễn, một trong hai cần cẩu bị sập.

Đội trưởng đội Pyrotecnico lúc ấy đã vô cùng thất vọng khi ý tưởng của mình không thể biến thành hiện thực. Trong khi đó, tại DIFF 2017, ban tổ chức đã phải liên hệ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế để “mượn” những nòng đựng pháo có kích thước 6 inch mà người làm cầu nối, góp phần giải quyết “vướng mắc” này chính là Đội trưởng đội pháo hoa Đà Nẵng – Việt Nam Huỳnh Ngọc Chính.

“Anh Chính là người cực kỳ ấn tượng đối với tôi, là một “đối thủ” fair-play với tất cả các đội bạn khi sẵn sàng chia sẻ hệ thống bắn FireOne khi họ cần”, anh Bình nói.

Các đội pháo hoa khi đến Đà Nẵng, bên cạnh mục tiêu giao lưu, trình diễn còn khát khao cháy bỏng chiến thắng. “Tôi còn nhớ trước lúc ra xe di chuyển từ khách sạn Green Plaza (đường Bạch Đằng) về khu vực khán đài và bãi bắn để bước vào đêm trình diễn, các thành viên của đội pháo hoa đến từ Hoa Kỳ (tham dự DIFC 2010) đã nhìn lên bầu trời như có ý cầu nguyện cho một màn trình diễn hoàn hảo.

Chỉ một chi tiết nhỏ này thôi nhưng cho thấy pháo hoa Đà Nẵng là một “đấu trường” gay cấn, uy tín và các đội tham dự rất xem trọng chiến thắng. Kết quả cuộc thi này góp phần không nhỏ trong việc khẳng định vị thế, đẳng cấp của các đội trong ngành công nghiệp pháo hoa thế giới”, anh Bình nhớ lại.

Kỳ DIFF 2018, anh Bình tiếp tục làm phiên dịch cho đội pháo hoa Atlas PyroVision (Hoa Kỳ). Đây là một công ty gia đình, có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và trình diễn pháo hoa tại Hoa Kỳ.

Điều đặc biệt là ngay khi đội đặt chân đến Đà Nẵng, họ đã bày tỏ sự thân thiện với anh Bình và cho biết các đội pháo hoa Hoa Kỳ từng tham gia DIFF đã nói nhiều về anh với sự tin cậy rất lớn. Đây là lần đầu tiên đội Atlas PyroVision tham dự DIFF, khi tản bộ dọc cầu Sông Hàn và cầu Rồng, họ tỏ ra bất ngờ và ấn tượng mạnh về cấu trúc, cảnh quan cũng như môi trường tại Đà Nẵng.

Các thành viên của Atlas PyroVision đứng trên cầu Sông Hàn, phóng tầm mắt về khu vực cảng Đà Nẵng, nơi lắp đặt giàn pháo rồi nhìn khu vực khán đài và thốt lên: “Thật tuyệt vời!”. Trong khi toàn đội trình diễn tại Đà Nẵng, ở nước Mỹ xa xôi, cả gia đình và công ty pháo hoa Atlas cùng xem đêm chung kết DIFF 2018 qua phát trực tiếp trên điện thoại di động.

Đêm chung kết, người dẫn chương trình có một chút nhầm lẫn khi công bố bằng tiếng Anh đội Mỹ vô địch, nhưng kết quả chung cuộc lại là đội Ý. Khi đó, toàn đội khá “hẫng hụt” nhưng họ vẫn cư xử chuyên nghiệp, bình tĩnh và không có bất cứ lời bàn luận nào, thay vào đó là sự chia sẻ niềm vui với đội vô địch.

Sau đêm chung kết, cả đội pháo hoa Hoa Kỳ đã thức trắng đêm và 2 giờ sáng ngày 1-7, anh Bình đến khách sạn Novotel tiễn đoàn ra sân bay, kết thúc một mùa pháo hoa đầy ấn tượng.

Pháo hoa không chỉ mang lại cho du lịch Đà Nẵng một điểm nhấn ấn tượng, mà còn là hành trình dài với đầy ắp kỷ niệm khó quên đối với những người đóng góp công sức làm nên thành công chung cho lễ hội này như anh Đặng Văn Bình.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.
.