Multimedia
Hành trình 10 năm pháo hoa quốc tế Đà Nẵng
Một đêm cuối tháng 3 năm 2008, bản hòa tấu không lời với chủ đề “Vũ điệu Tiên Sa” cất lên nhịp nhàng bên bờ sông Hàn, mở đầu cho một màn trình diễn pháo hoa với câu chuyện về Tiên Sa được kể thành 3 phần: “Vũ điệu Tiên Sa”, “Đà Nẵng ngày mới” và “Về miền lễ hội”.
Những giai điệu ấy hòa cùng những màn pháo hoa muôn sắc màu đã làm nổi bật lên truyền thuyết về chuyện tình Tiên Sa, gợi hình ảnh mạnh mẽ của Đà Nẵng trên con đường phát triển và hội nhập sau 11 năm trực thuộc Trung ương.
Tại thời điểm ấy, dọc đôi bờ sông Hàn, trên những tòa nhà cao tầng và qua màn ảnh tivi, người dân và du khách gần xa chăm chú dõi theo từng nhịp pháo hoa bay lên hòa theo tiếng nhạc - điều chưa từng có từ trước đến nay tại thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Màn trình diễn của đội pháo hoa Đà Nẵng-Việt Nam tại Cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (Danang International Fireworks Competition-DIFC 2008) được tổ chức lần đầu tiên năm 2008 đã thật sự tạo ấn tượng cho những người trực tiếp thưởng lãm hay xem qua truyền hình.
Đây cũng là lần đầu tiên, không chỉ người dân, du khách trong nước và quốc tế có mặt tại Đà Nẵng mà khán giả xem truyền hình cả nước cùng háo hức, hồi hộp, phấn khích dõi theo từng màn trình diễn ấn tượng, độc đáo, mới lạ, được tiếp cận một khái niệm mới - trình diễn pháo hoa, với sự góp mặt của những anh tài về pháo hoa trên thế giới lần đầu tranh tài tại Việt Nam.
Tròn một thập kỷ từ đêm pháo hoa tháng 3 năm đó, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ: “Ở thời điểm trước năm 2008, lãnh đạo thành phố đã quyết tâm theo đuổi ý tưởng về đề án tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo cho thành phố và trình đề án lên Thủ tướng Chính phủ. Sau khi đề án được Chính phủ thông qua, DIFC 2008 đã chính thức diễn ra và trở thành sự kiện có sức hút cho đến ngày hôm nay”.
Theo ông Hùng, trước năm 2008, người dân thành phố chỉ quen với những màn bắn pháo hoa ngắn vào dịp lễ, Tết với thời lượng tối đa 15 phút. Để người dân và du khách được thưởng thức trọn vẹn pháo hoa nghệ thuật cũng như tạo ra điểm nhấn về văn hóa-du lịch, đề án về DIFC đã được ra đời với người khởi xướng là Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Ý tưởng này được thực hiện trong thời điểm thành phố vừa bước qua “cột mốc” 10 năm trực thuộc Trung ương.
“Lãnh đạo thành phố thời điểm ấy đã xác định DIFC là một phần trong chặng đường phát triển văn hóa-du lịch, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, bên cạnh việc mở rộng cơ sở hạ tầng. Kể từ thời điểm ấy, pháo hoa quốc tế đã trở thành một “đặc sản” chỉ riêng có ở Đà Nẵng”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.
Đã qua 6 lần “trải nghiệm” công tác chuẩn bị, phục vụ cho hoạt động trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trong suốt 10 năm cuộc thi diễn ra, chị Đỗ Phương Thảo - Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Sở Ngoại vụ thành phố vẫn còn giữ nguyên những ký ức về mùa pháo hoa đầu tiên năm ấy.
“Trước khi DIFC được tổ chức, tại thành phố chưa từng có một sự kiện nào như thế nên việc tổ chức không tránh khỏi bỡ ngỡ. Ở mỗi công đoạn, các anh chị em phải tự học hỏi hoàn toàn. Tổ thư ký của Sở Ngoại vụ phải tìm hiểu những khái niệm chuyên ngành hoàn toàn xa lạ về pháo hoa như: pháo tầm thấp, pháo tầm trung, pháo tầm cao, pháo trên mặt nước, quả nổ, bánh pháo… để có thể chuyển tải trọn vẹn nội dung tài liệu chấm thi đến ban giám khảo bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt”, chị Thảo chia sẻ.
Từng tham gia thành phần ban giám khảo tại ba mùa pháo hoa quốc tế, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa - Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố cho biết, Ban giám khảo bao gồm những người nắm chuyên môn về mỹ thuật (họa sĩ) và âm nhạc (nhạc sĩ), những giám khảo người nước ngoài đến từ các cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế, bên cạnh đó còn có sự tham gia của lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng.
“Thời gian đầu của cuộc thi, ai cũng bỡ ngỡ. Mỗi thành viên ban giám khảo bắt buộc phải nắm thật vững các tiêu chí chấm thi. Đồng thời, phải tập trung quan sát, theo dõi thật kỹ từng màn trình diễn, những sai sót nếu có như: khói nhiều, pháo bị “xịt”, tia pháo không đều… để có đánh giá khách quan nhất”, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa chia sẻ.
Anh Lê Quang Phúc, chuyên viên Phòng Quản lý biên giới - Lễ tân đối ngoại của Sở Ngoại vụ là một trong những người tham gia công tác tổ chức pháo hoa quốc tế thời kỳ đầu.
“Tại DIFC 2008, anh chị em lễ tân phải dành thời gian mày mò, tìm hiểu sâu về chuyên ngành pháo hoa để phiên dịch chính xác, truyền đạt đúng các nội dung tư vấn chuyên môn giữa Công ty Global 2000 và các đội thi”, anh Phúc cho biết.
Thời gian chuẩn bị mà ban tổ chức giao cho các đội thi rất gấp gáp. Do đó, đội ngũ phiên dịch viên phải bám sát các đội thi để hỗ trợ họ từ kỹ thuật cho đến hậu cần. Có thời điểm, các anh chị phải “dầm mình” ngoài hiện trường lắp đặt pháo hoa suốt 8-10 tiếng đồng hồ mỗi ngày, kể cả khi trời mưa hay dưới cái nắng hầm hập 38-39 độ, liên tục suốt 10 ngày.
“Năm 2009, các thành viên đội Tây Ban Nha đã chia sẻ với mình rằng: “Đà Nẵng chưa có một công ty pháo hoa, không có một nhà máy pháo hoa nào, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lại tổ chức được một sự kiện có quy mô quốc tế với khối lượng công việc lớn, điều này thật sự rất ấn tượng”, anh Phúc chia sẻ.
Từ câu chuyện của những người tổ chức, có thể thấy, DIFC ngày ấy và Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) bây giờ đã trải qua một hành trình dài với sự nỗ lực của nhiều cơ quan, đơn vị, sự chung tay của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để mang đến những thành công của các mùa pháo hoa trong 10 năm qua.
Một ngày giữa tháng 4 năm 2018, chúng tôi có dịp gặp gỡ đội pháo hoa Đà Nẵng-Việt Nam khi các anh đang gấp rút chuẩn bị cho DIFF 2018. Trong không khí náo nức của mùa lễ hội pháo hoa mới, kỷ niệm đáng nhớ về mùa pháo hoa đầu tiên lại trở về trong ký ức của người đội trưởng Huỳnh Ngọc Chính.
“Trước thời điểm năm 2008, việc trình diễn pháo hoa chủ yếu dùng nguồn pháo từ Nhà máy Z21 (tiền thân của Công ty TNHH Hóa chất 21 thuộc Bộ Quốc phòng - PV).
Pháo được điều khiển bằng công nghệ cũ lúc đó là L100, gồm hệ thống dây điện kết nối dây pháo với bàn phím, người điều khiển phải bấm từng phím để quả pháo được bay lên”, anh Chính kể lại.
Với những thành viên đội chủ nhà, DIFC như một dấu mốc trong hành trình theo đuổi nghệ thuật pháo hoa. Bởi trước đó, các anh chỉ quen điều khiển pháo hoa bằng nút bấm thủ công vào những dịp lễ, Tết; quen với những màn pháo hoa có tính chất chào mừng và không đặt nặng yếu tố âm nhạc, nghệ thuật.
Tuy nhiên, một cuộc thi quốc tế như DIFC lại yêu cầu những màn trình diễn nghệ thuật, ở đó pháo hoa và âm nhạc phải có sự kết hợp hài hòa. Đó là áp lực và cũng là thử thách lớn đối với các thành viên khi phải thi đấu với những đội mạnh về pháo hoa trên thế giới.
Áp lực đó đã hiện hữu ngay trong đêm thi đầu tiên của DIFC 2008, khi anh Chính và các đồng đội gặp sự cố về kỹ thuật, pháo bắn được hơn 10 phút thì đột ngột ngừng do đứt dây cháy chậm và nhịp của âm nhạc chưa khớp với pháo.
“Đội chưa có nhiều kinh nghiệm, khi pháo bắn lên thì gặp tình trạng “nhạc chạy một đường, trái pháo bắn một nẻo”, đây là một trong những điểm yếu của đội. Đồng thời, dây cháy chậm được nối không khớp nên màn trình diễn của đội không được như mong muốn”, anh Chính chia sẻ.
Sau khi DIFC 2008 kết thúc, lãnh đạo thành phố tạo điều kiện cho đội tham gia chuyến tập huấn 12 ngày về lập trình pháo hoa, trình diễn pháo hoa theo nhạc tại Malaysia. Bỏ qua những rào cản về bất đồng ngôn ngữ và áp lực thời gian ở nước bạn, gác lại những đêm dài thức trắng nghiên cứu tài liệu chuyên ngành, các anh dần nắm bắt được kỹ thuật của hệ thống bắn pháo hoa FireOne - một trong những hệ thống bắn pháo hoa hàng đầu thế giới.
Hệ thống này sau đó đã được thành phố đầu tư lâu dài nhằm phát triển đội theo hướng chuyên nghiệp. Kể từ đó, đội cũng dần tiến bộ hơn qua từng năm, những khó khăn ban đầu như sự “lệch pha” giữa pháo và nhạc, tốc độ bắn dần được khắc phục.
Đề cập câu chuyện giữa pháo và nhạc, có những năm nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa không tham gia công tác giám khảo. Thay vào đó, ông nhận trách nhiệm dàn dựng nhạc nền pháo hoa cho đội chủ nhà. Những bản nhạc nền được ra đời dưới sự tham mưu của ngành văn hóa, Hội Âm nhạc và tinh thần phối hợp của toàn đội, góp phần vào sự tiến bộ chung của đội chủ nhà qua từng năm tham dự.
Một trong những kết quả ghi nhận sự tiến bộ của đội chính là giải nhì cuộc thi pháo hoa quốc tế năm 2012 tại Canada - một thành tích cao chỉ sau 4 năm chập chững tham gia sân chơi pháo hoa quốc tế.
“Trình độ của chúng ta còn thua các đội bạn rất nhiều, đi sau họ rất nhiều. Chính vì vậy, mình phải vừa làm, vừa học hỏi những hiệu ứng của họ. Mỗi lần thi là một lần học hỏi. Các anh em phải nghiên cứu kỹ các hiệu ứng của đội bạn, xem họ thiết kế ra sao và xử lý bắn như thế nào, từ đó mà xem xét áp dụng vào bài thi của mình để pháo hoa ngày càng đẹp hơn, ấn tượng hơn”, anh Phùng Phận, kỹ thuật viên của đội pháo hoa Đà Nẵng - Việt Nam, chia sẻ.
Sau những ký ức về mùa pháo hoa đầu tiên, anh Chính mở cho chúng tôi xem một đoạn video demo ghi lại hình ảnh một màn pháo hoa với những hiệu ứng hết sức mới lạ. Anh cho biết đây sẽ là một trong những hiệu ứng pháo hoa được đội Đà Nẵng-Việt Nam trình làng tại DIFF 2018 sắp tới, hứa hẹn một màn trình diễn đẹp mắt của đội chủ nhà.
“Bản thân đội rất vui mừng khi màn trình diễn do chính tay mình tạo nên nhận được những tràng vỗ tay, sự khen ngợi và ủng hộ nhiệt tình từ khán giả trong những đêm diễn. Bản thân các thành viên trong đội luôn làm việc hết mình để làm sao đạt kết quả cao nhất tại mỗi kỳ pháo hoa và đem lại cho khán giả những màn trình diễn tốt nhất”, anh Chính chia sẻ.
Phiên dịch viên (người mặc áo trắng, bên phải) chính là cầu nối, luôn sát cánh hỗ trợ thông tin cho các đội thi trong những ngày chuẩn bị để có màn trình diễn hoàn hảo nhất. |
Bên cạnh sự tiến bộ của đội pháo hoa Đà Nẵng-Việt Nam qua từng năm, công tác tổ chức của thành phố cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Tháng 6-2016, UBND thành phố chính thức giao cho Tập đoàn Sun Group tham gia tổ chức DIFF 2017. Đây là một bước đi của Đà Nẵng trong việc xã hội hóa công tác tổ chức và cũng là cách để DIFF được chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, công tác Ban giám khảo cũng được chuyên nghiệp hóa qua từng năm, đã không còn những bỡ ngỡ ngày đầu khi Sở Ngoại vụ phải đi “gõ cửa” liên hệ những người “cầm cân nảy mực” phù hợp với cuộc thi.
Theo lời chị Đỗ Phương Thảo, năm đầu tiên tổ chức DIFC, người dân và du khách chỉ biết kê ghế nhựa hoặc ngồi ở vỉa hè hai bờ sông Hàn để xem pháo hoa. Hệ thống loa đặt ở bên trong khán đài nên khán giả ở khu vực hai bên bờ sông không nghe được nhạc.
Đến những năm sau, thành phố đã bắt đầu dựng khán đài và bố trí loa phù hợp để người dân có thể thưởng thức trọn vẹn những màn pháo hoa đẹp mắt kết hợp âm nhạc trên sông. Đó là một trong những cải tiến của thành phố trong khâu tổ chức nhằm đưa cuộc thi pháo hoa quốc tế đến gần với người dân và du khách.
Những bông pháo rực rỡ trên bầu trời Đà Nẵng như kết nối hàng vạn người dân và du khách lại gần nhau hơn |
Anh William Kane (du khách người Anh) đang sống tại khu An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) vừa chia sẻ một video quay lại màn trình diễn pháo hoa của đội Ý tại DIFF 2017 trên trang Youtube cá nhân của mình, vừa hào hứng cho biết: “Khi chứng kiến pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời Đà Nẵng, nhìn mọi người trầm trồ trước những màn pháo hoa nghệ thuật với “background” là những cây cầu, những tòa nhà hiện đại và con sông Hàn, tôi lại liên tưởng những khoảnh khắc cùng gia đình xem pháo hoa tại điện Westminster và vòng quay London Eye ở Anh. Thật sự cuộc thi của các bạn quá hoành tráng!”.
Chị Nguyễn Kim Thoa - người Quảng Nam đang làm việc tại Đà Nẵng chia sẻ: “Trải nghiệm những khoảnh khắc pháo hoa bay lên trên bầu trời đêm rất tuyệt vời, cảm giác ấy khác với những lần xem pháo hoa giao thừa hay ngày lễ, bởi bên cạnh vẻ đẹp của pháo hoa còn là sự hồi hộp khi xem đội nhà Đà Nẵng - Việt Nam tranh tài tại một cuộc thi mang tầm quốc tế”.
Chia sẻ về thành công của DIFC và nay là DIFF cho đến thời điểm hiện tại, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng: “Bản sắc văn hóa của một vùng đất chỉ thực sự ngời sáng khi đặt bên cạnh các nền văn hóa khác. Chính vì vậy, qua cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế/lễ hội pháo hoa quốc tế hằng năm, bản sắc văn hóa Đà Nẵng - đất Quảng - Việt Nam được khẳng định rõ nét khi có cơ hội tiếp cận với đặc trưng văn hóa của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến dự thi trình diễn pháo hoa, đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa của họ tại Đà Nẵng.
Việc Đà Nẵng độc quyền tổ chức sự kiện này đã kích cầu du lịch, hằng năm thu hút đông du khách đến với thành phố để xem trình diễn pháo hoa”.
Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Văn Hùng nhận định: “Nói đến bản sắc văn hóa là nói đến những giá trị văn hóa kết tinh qua nhiều thời kỳ, tạo nên nét độc đáo, riêng biệt cho một vùng đất. DIFF đã góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của Đà Nẵng, bởi nói đến pháo hoa là nói đến Đà Nẵng, và ngược lại”.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường cho rằng, việc DIFF được tổ chức ngày càng thành công sẽ góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước với hình ảnh của thành phố sự kiện, là điểm đến “an toàn - thân thiện - hấp dẫn” không thể bỏ qua.
Theo số liệu mới đây nhất của Sở Du lịch, so với cùng kỳ năm 2017, lượng du khách đến Đà Nẵng trong thời điểm khai mạc DIFF 2018 ước đạt 342.992 lượt, tăng 10,2%; tổng lượng khách lưu trú tại thành phố ước đạt 119.624 lượt, tăng 9,3%, trong đó khách quốc tế ước đạt 53.108 lượt, tăng 18,4%, khách nội địa ước đạt 66.516 lượt khách, tăng 3%.
"Những con số này phần nào cho thấy sức hút của DIFF 2018 đối với sự phát triển của ngành du lịch thành phố. Từ đó càng khẳng định danh hiệu “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” mà Đà Nẵng đạt được trên hành trình chắt lọc các giá trị văn hóa của thành phố suốt nhiều năm qua", Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường nói.
Đánh dấu tròn 10 năm pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, DIFF 2018 sẽ có chủ đề “Huyền thoại những cây cầu”. Theo Tổng đạo diễn DIFF 2018 Đỗ Thanh Hải, mỗi đêm diễn sẽ là một nhịp cầu kết tạo nên cây cầu của tình yêu và hòa bình. Mỗi đội pháo hoa tham dự cũng biểu trưng cho một nhịp cầu xây nên cây cầu hữu nghị, hòa bình, kết nối năm châu, kết nối tới tương lai.
Cùng với đó, DIFF 2018 sẽ có khoảng 30 hoạt động bên lề khác như: Giải Futsal vô địch quốc gia, lễ hội ẩm thực quốc tế “Bốn mùa hương sắc”, diễu hành nghệ thuật Carnaval đường phố, thi nhảy flashmob, vũ hội đường phố… nhằm phục vụ người dân và du khách trong mùa du lịch - lễ hội.
Năm nay, khi pháo hoa kể “Huyền thoại những cây cầu”, dấu ấn và bản sắc văn hóa - du lịch của thành phố một lần nữa lại được tỏa sáng trên bầu trời Đà Nẵng tháng tư.