Multimedia

Nghĩa tình đồng bào

10:22, 29/08/2021 (GMT+7)

 

 

Trong khu trọ nhỏ trên đường Đồng Kè (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), bà chủ trọ Phan Thị Huệ mang theo đĩa thịt xào thơm phức đặt trước cửa phòng vợ chồng chị Đinh Thị Hồng Huấn (quê Quảng Bình). Nhìn căn phòng trọ tối om, bà kể: “Cả hai vợ chồng nhà Huấn đều thất nghiệp trong mùa dịch này, ở trọ cũ không gánh nổi chi phí nên chuyển qua đây. Họ tiết kiệm tới mức không dám mở điện, mở quạt trong phòng, cơm thì chỉ dám nấu một bữa nhỏ dành ăn cả ngày”.

Đối diện phòng chị Huấn là phòng của gia đình chị Dương Lê Mỹ Hòa (quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Trước dịch, chồng làm thợ sơn, vợ giữ trẻ. Mâm cơm của 2 vợ chồng và 4 đứa con tuổi sít sát nhau là nồi cơm chan nước lèo loãng không rau, không thịt.

Những mảnh đời như thế đã lao đao sau những đợt dịch kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay. Không thể đi làm, họ nép mình lại trong căn phòng trọ, cố gắng bám trụ lại thành phố chờ kiếm việc làm sau đại dịch. Bà chủ trọ Phan Thị Huệ thương tình miễn giảm rồi… miễn thu phí luôn tiền phòng. Rồi bà mua cho mỗi gia đình một bao gạo, đóng giúp tiền điện, nước, có lúc lại cho gói mì, đĩa thức ăn…

“Đôi khi cũng muốn về quê, mà về lại tốn chi phí đi lại và có nguy cơ lây lan dịch bệnh… nên gia đình mình chọn “ai ở đâu thì ở đó”. Hết dịch, hai vợ chồng sẽ đi kiếm việc làm, phần để nuôi con, phần để trả ơn cho cô Huệ đã cưu mang mình trong những ngày tháng này”, chị Huấn bày tỏ.

Theo thống kê của UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), phường đã vận động 475 chủ nhà trọ với hơn 2.800 phòng trên địa bàn giảm giá thuê phòng cho công nhân, sinh viên với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Đáng mừng là nhiều chủ trọ đã giảm 100% tiền phòng, chỉ thu tiền điện, tiền nước.

Mấy tháng trở lại đây, cứ sau một tháng, chị Hồ Thị Hiền Vy (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), chủ một dãy trọ tại tổ 33 lại giảm tiền cho thuê trọ xuống một nấc để hỗ trợ người ở trọ. Chị Vy có cả thảy 12 phòng trọ. Người thuê đa phần là sinh viên, tài xế xe ôm công nghệ và những cặp vợ chồng trẻ. Khi chưa có dịch, mỗi tháng tiền thu từ dãy trọ đủ để chị trả tiền vay ngân hàng, chi tiêu cho gia đình. Từ tháng 5-2021, dịch bệnh căng thẳng, người thuê trọ cũng đóng cửa về quê. Cả dãy trọ chỉ còn 3 phòng sáng đèn.

Chị kể, trước đây không có dịch, giá cho thuê mỗi phòng đầy đủ tiện nghi là 3 triệu đồng/tháng. Còn nay, sau nhiều lần giảm giá, hiện tại, người thuê trọ chỉ trả chưa đầy 2 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể những thời điểm thành phố siết chặt giãn cách, người thuê trọ không thể đi làm, chị Vy còn miễn luôn tiền điện, nước, wifi.

Ở dãy trọ, có vợ chồng anh Trần Hoàng Long (quê Quảng Trị) tá túc. Lúc chưa có dịch, anh Long là tài xế Grab, vợ anh ở nhà chăm con nhỏ, thu nhập không gọi là dư dả nhưng tiết kiệm cũng đủ chi tiêu. Hơn 3 tháng nay, tuân thủ quy định phòng, chống dịch của thành phố, anh Long dắt chiếc xe máy cất sâu cuối hành lang dãy trọ. Tiền dành dụm bấy lâu lần lượt ra đi để đổi lại cân gạo, hộp sữa cho con. Đầu tháng 8-2021, nghe tin chị Vy giảm tiền phòng còn 2 triệu đồng và miễn luôn tiền điện, nước, wifi, anh Long không tin vào tai mình.

Chìa ra những tờ tiền sót trong túi, anh Long rưng rưng: “Mấy bữa nay tui cất riêng 3 triệu này để đóng tiền trọ. Giờ nghe tin được giảm tiền phòng, lại miễn tiền điện, nước, tui mừng quá chị ơi! Nộp tiền phòng xong, 1 triệu còn lại tui sẽ nhờ người mua thùng sữa cho thằng cu. Dạo này nó thèm sữa, khóc miết…”.

Không chỉ miễn, giảm tiền cho người ở trọ, trước ngày thành phố siết chặt giãn cách, chị Vy còn đặt mua gạo, trứng nhờ người chở đến phát cho 3 phòng trọ còn ở lại. “Tôi không có nhiều, chỉ có thể cho mỗi phòng chục cân gạo, hai chục trứng, ít rau, củ ăn đỡ qua mùa dịch. Dịch ai cũng khó. Tôi thấy mình ổn hơn họ nên chia sẻ với họ chút ít, giúp nhau qua giai đoạn khó khăn”, chị Vy tâm sự.

Niềm vui đang lan tỏa ở các xóm trọ nghèo như thế, giữa mùa dịch này.

Vài ngày trở lại đây, trên mạng xã hội Facebook và Zalo, từ trang cá nhân cho đến các hội, nhóm cộng đồng, ai ai cũng thích thú chia sẻ hình ảnh những phần rau, củ, quả nhận được kèm lời cảm ơn đến tổ dân phố, địa phương nơi sinh sống. Càng ý nghĩa hơn khi người nhận không chỉ là công dân địa phương mà còn là người ngoại tỉnh đang tạm trú, ở trọ trên địa bàn thành phố.

Những ngày trước khi thành phố áp dụng quy định “ai ở đâu thì ở đó”, chị Hoàng Thị Tuý Duyên (quê Quảng Nam), công tác tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu tất bật với công tác lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Không còn thời gian đi chợ, siêu thị để mua thức ăn, sau 2 ngày giãn cách xã hội, rau xanh trong nhà chị dần cạn, trong lúc đang lo lắng thì chị Duyên hay tin tổ trưởng đến tận nhà trọ phát rau, củ, quả.

“Lúc chủ trọ gõ cửa gọi ra nhận rau, tôi bất ngờ lắm, cứ nghĩ rau quả này là dành cho những người địa phương hoặc người nghèo chứ không nghĩ mình cũng có phần”, chị Duyên hồ hởi nói. Chưa hết, ông Nguyễn Hữu Phượng, tổ trưởng tổ 23 (phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu) - nơi chị Duyên ở trọ, còn tìm được nguồn cung cấp rau xanh cho bà con trong tổ với giá rẻ. Ông Phượng đứng ra làm đầu mối mua rau giúp bà con nên hầu như không nhà nào trong tổ thiếu rau xanh.

Tương tự chị Duyên, anh Trần Hữu Hà (quê Bình Định) và những công nhân ở trọ trên đường Trịnh Khắc Lập (phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cũng được tổ dân phố quan tâm, cấp phát rau xanh thường xuyên. Chỉ trong vòng 5 ngày từ khi thực hiện giãn cách, anh Hà và những công nhân trong nhà trọ được phát rau 2 lần.

“Trong lần đầu tiên, tôi nhận được cải thảo và bí đao; lần thứ 2 là bắp su và cà tím. Những phần quà tuy không nhiều, giá trị không lớn nhưng chúng tôi rất ấm lòng. Hoá ra những công nhân ở trọ như chúng tôi cũng được quan tâm, hỗ trợ như những người dân địa phương”, anh Hà bộc bạch.

Còn anh Đào Văn Vĩnh (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) sau khi nhận được quà liền “khoe” lên trang cá nhân kèm dòng chữ: “Một mình mà nhận được cả vườn rau củ thế này ăn bao giờ mới hết. Thôi ông Hí (biệt danh của anh Vĩnh) đi làm kim chi rồi nhờ tổ trưởng gửi tặng bà con lối xóm đây”. Ngay sau đó, anh Vĩnh bắt tay sơ chế rau, củ, gia vị và làm kim chi muối xổi từ số cải thảo, bắp su, cà rốt vừa nhận được. Làm xong, anh Vĩnh chia thành từng túi nhỏ rồi nhờ tổ trưởng tổ dân phố mang tặng từng nhà “ăn lấy thảo”. Bởi theo anh Vĩnh, “nếu yêu thương được sẻ chia thì yêu thương sẽ càng thêm lan toả, còn mãi với thời gian”.

Trên trang Facebook cá nhân, chị Nguyễn Thị Anh Thy (trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu) đăng ảnh chụp từng quả bắp su, củ cải kèm lời cảm ơn xúc động gửi đến tổ dân phố: “Lần nào chú tổ trưởng đến phát rau cũng là lúc cả nhà tôi đã ăn cơm tối xong. Nhìn tấm lưng chú ướt đẫm mồ hôi, kéo xe hàng đi gõ cửa từng nhà phát rau, tôi thương lắm! Tôi biết để có được những túi rau, củ sạch sẽ, tươm tất đến tay mọi người, chú và các thành viên trong tổ dân phố, cán bộ phường, quận đã rất vất vả từ khâu tiếp nhận, khuân vác, vận chuyển, làm sạch, chia phần rồi mang đến từng nhà. Trong thời điểm dịch bệnh này, nhận được rau xanh là rất quý. Càng quý hơn là tấm lòng tận tụy, miệt mài vì nhân dân của cán bộ địa phương”.

Mỗi phần quà như thế tuy không lớn về số lượng hay giá trị vật chất, nhưng có giá trị lớn lao động viên người dân trong đại dịch, thể hiện sự quan tâm sâu sát của chính quyền các cấp, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng tại kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa X, đó là “không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn”, trong bối cảnh thành phố thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.

Sáng 10-8, một tuần trước khi áp dụng 7 ngày tăng cường giãn cách, Đà Nẵng đã tiếp nhận 7 chuyến xe nghĩa tình chở hơn 20 tấn rau, củ, quả các loại; 5 tấn gạo và một số nhu yếu phẩm như dầu ăn, gia vị… từ bà con huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) gửi đến khu vực cách ly y tế tại quận Sơn Trà.

Từ sáng sớm, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo huyện Đại Lộc và đông đảo tình nguyện viên có mặt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện để trực tiếp bưng từng túi rau, củ… lên xe. Những chuyến xe đầu tiên khởi hành từ 6 giờ 30, mang theo khẩu hiệu “Quảng Nam đồng lòng, chung sức cùng thành phố Đà Nẵng phòng, chống Covid-19”.

Chỉ tay về số hàng hóa chuẩn bị được bốc dỡ sau khi đến Đà Nẵng, ông Phan Xuân Chiến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc chia sẻ: “Việc quyên góp đã được thực hiện trong suốt 10 ngày, tất cả nông sản đều là cây nhà lá vườn, được bà con chuẩn bị bằng cả tấm lòng, riêng nhiều món rau, củ… đã được bà con Đại Lộc dậy sớm ra đồng thu hoạch để bảo đảm tươi ngon, kịp thời đóng gói cẩn thận gửi ra Đà Nẵng”.

Mới đây, sáng 21-8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố tiếp nhận những món quà gửi xuống từ núi rừng Tây Giang xứ Quảng. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang Cơ Lâu Hạnh, “quà của núi rừng” do chính quyền và bà con huyện Tây Giang gom góp gửi tặng Đà Nẵng là 12 tấn rau, củ, quả; hơn 200 kg thịt bò, heo và 700 ống cơm lam. Để đáp lại nghĩa tình, Ủy ban MTTQ thành phố cũng đã gửi tặng cho huyện Tây Giang 10.000 khẩu trang vải để chống dịch.

Một năm trước, khi Đà Nẵng đối phó với làn sóng dịch thứ hai, từ Quảng Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My phát động chiến dịch “Hướng về đồng bào - San sẻ yêu thương” và đã kêu gọi được 10 tấn rau, củ, quả và dược liệu do bà con địa phương gom góp.

Những ngày trung tuần tháng 8-2021 này, cũng như Đà Nẵng, Quảng Nam đang căng sức cho công tác phòng, chống dịch với nhiều ca mắc mới được phát hiện. Trong đó, có nỗ lực phối hợp kiểm soát dịch bệnh của lực lượng chức năng 2 địa phương ngay từ các cửa ngõ giáp ranh.

Trong “cuộc chiến” cam go này, nghĩa tình keo sơn giữa 2 nơi càng thêm gắn bó. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, những phần quà được trao đi là nghĩa tình của nhân dân tỉnh Quảng Nam gửi đến nhân dân Đà Nẵng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn của các hộ dân trong vùng đang thực hiện cách ly xã hội, bị phong tỏa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, và cùng hy vọng về một ngày dịch bệnh được đẩy lùi.

Thời điểm này, không chỉ Đà Nẵng kéo dài những ngày “ai ở đâu thì ở đó” mà nhiều địa phương khác cũng bắt đầu thực hiện phương án này. Và trong khó khăn, chắc chắc rằng, đồng bào cả nước sẽ đùm bọc, hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch, như cách mà Đà Nẵng hết lòng hỗ trợ những địa phương khác và được các tỉnh bạn, các doanh nghiệp thể hiện nghĩa cử đẹp như những ngày qua. Nghĩa đồng bào tỏa sáng là vậy!

 

.