Multimedia

Dấu ấn những công trình trọng điểm

09:28, 30/03/2022 (GMT+7)

 

 

 

 

Còn nhớ khi vừa tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, lúc đó phía bờ đông sông Hàn, nay là quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, vẫn là khu vực nhiều nhà chồ, đời sống người dân nhiều khó khăn, đường ven biển với những bãi cát trắng trải dài đầy cây phi lao. Sông Hàn cũng chỉ có mỗi cây cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý...

Vậy mà theo năm tháng, những cây cầu mới lần lượt ra đời nối đôi bờ đông - tây, những tòa nhà cao tầng, khách sạn, trung tâm thương mại liên tiếp mọc lên giữa lòng thành phố, đường sá nườm nượp người, xe.

Nếu như năm 2000, cầu Sông Hàn thông xe, thì đến năm 2009 cầu Thuận Phước - cây cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam được khánh thành trong niềm hân hoan của nhân dân thành phố. Tiếp theo đó, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý mới - hai cây cầu trở thành điểm nhấn kiến trúc thông xe vào năm 2013; cầu Tiên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu vượt Ngã ba Huế, cầu Khuê Đông, cầu Cổ Cò lần lượt khánh thành đã thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế- xã hội và tạo điểm nhất kiến trúc độc đáo nối đôi bờ.

 

Thống kê cho thấy, trong 25 năm kể từ ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có khoảng 20 cây cầu quy mô lớn nhỏ được xây dựng mới, bao gồm cả cầu vượt cạn, vượt sông. Mỗi cây cầu được xây mới mang đặc trưng lịch sử, văn hóa riêng, lưu dấu ấn về một Đà Nẵng trên đà phát triển và hội nhập.

Nhưng có lẽ, dấu ấn đổi thay lớn nhất và trở thành biểu tượng riêng cho Đà Nẵng là thương hiệu “thành phố của những cây cầu”, tạo nên một bức tranh sinh động đầy màu sắc của thành phố bên sông. Thành phố cuối sông đầu biển đã hướng mặt ra biển để rồi từ đó vùng đất phía đông mạnh mẽ vươn lên, trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ của cả nước.

 

Nếu ai từng sống ở Đà Nẵng và gắn bó với thành phố 25 năm qua, sẽ cảm nhận được những đổi thay ngoạn mục, vượt bậc, nhanh chóng đến ngỡ ngàng của một đô thị trẻ ven biển miền Trung.

 

Hẳn nhiều người còn nhớ tuyến đường Điện Biên Phủ rộng thênh thang hiện tại nối với đường Lê Duẩn băng qua cầu Sông Hàn chuyển tiếp vào đường Phạm Văn Đồng, rồi dừng chân tại công viên Biển Đông, nơi bãi biển Mỹ Khê - một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, thì sẽ thấy Đà Nẵng hôm nay hoàn toàn lột xác như thế nào...

Từ một con đường nhỏ, hẹp nơi Ngã ba Huế chạy vào trung tâm thành phố đi qua bến xe cũ, nơi rải rác một vài đầu xe chờ khách nằm ngay trong nội thị, trung tâm thành phố, hiện tại nơi Ngã ba Huế ngày xưa ấy, giờ là chiếc cầu vượt khác mức có kiến trúc độc đáo 3 tầng ấn tượng, một biểu tượng của thành phố hiện đại, năng động, sáng tạo.

 

Cùng với đó, nơi giao nhau giữa đường Điện Biên Phủ và Lê Duẩn giờ là hầm chui Nguyễn Tri Phương rất thuận tiện, bên cạnh những cung đường hiện đại, to lớn cắt ngang tuyến đường, tạo nên mạng lưới giao thông khớp nối đồng bộ hơn.

25 năm qua, Đà Nẵng triển khai nhiều công trình trọng điểm quan trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị. Đó là các bệnh viện, như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi; Trường PHPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THCS Nguyễn Khuyến, Trường THPT Phan Châu Trinh…, những tuyến đường vành đai phía nam thành phố, đường ĐT602, đường Hoàng Văn Thái, đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa -  Võ Nguyên Giáp – Trường Sa), đường Nguyễn Tất Thành, đường ĐH2, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đường vành đai phía tây, Nhà máy nước Hòa Liên, Công viên APEC…

Tiếp đó, thành phố đầu tư xây dựng hàng loạt khu dân cư phục vụ tái định cư trên địa bàn Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hòa Vang và nhiều khu đô thị khang trang, sạch đẹp hình thành. Cùng với đó, thành phố triển khai quy hoạch, xây dựng Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin, Công viên Phần mềm…

 

Các công trình văn hóa - thể thao, như: Sân vận động Hòa Xuân, Cung thể thao Tiên Sơn, Trung tâm Văn hóa triển lãm, Nhà hát Trưng Vương, Nâng cấp cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng thành phố, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Thư viện thành phố; Trung tâm Hành chính thành phố... đã góp phần tạo diện mạo đô thị hiện đại, khang trang bậc nhất khu vực miền Trung.

Thu hút đầu tư thành công đã góp phần thúc đẩy hạ tầng du lịch và kinh tế trong thời gian qua. Đà Nẵng từ chỗ chỉ có mỗi tòa nhà Danang Riverside Hotel dọc sông Hàn, Green Plaza, Indochina Riverside Tower, Azura, ACB, thì nay hàng loạt cao ốc, khách sạn hào nhoáng mọc lên.

 

Và ai cũng có thể thấy rằng, ngày xưa du lịch ở Sơn Trà chỉ đơn giản là những cuốc xe của lữ khách ghé thăm phút chốc. Giờ đây, cũng bãi biển ấy, bờ cát ấy, màu xanh ấy, nhưng được trang hoàng bằng “viên ngọc trắng” InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, với kỳ tích bốn năm liên tiếp là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”, nơi diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Mới đây nhất được xướng tên “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới” tại giải thưởng World Travel Awards 2018. Điều này không chỉ khẳng định đẳng cấp và sức hút của khu nghỉ dưỡng, mà còn là minh chứng về một Đà Nẵng thay da đổi thịt, hội nhập vào biển lớn.

Song song đó, Sun World Bà Nà Hills với những tòa lâu đài cao vút, những con đường lát đá mát lịm trong mây trắng, giữa rừng già, khu vui chơi giải trí trong nhà và các trò chơi ngoài, bảo tàng tượng sáp, Beer Plaza, hầm rượu cổ, nhà máy xúc xích… trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi tới Việt Nam. Và hẳn nhiều người không quên, tháng 6-2018, khi Cầu Vàng đi vào hoạt động tại khu du lịch này tạo nên một hiện tượng trên khắp toàn cầu.

Và từ một cửa ngõ duy nhất là ngã ba Huế, ga đường sắt, Đà Nẵng “mở cửa” bầu trời. Hiện nay có trên 30 hãng hàng không của hơn 20 nước có máy bay bay qua vùng trời Đà Nẵng, trong đó có nhiều hãng hàng không quốc tế có máy bay hạ, cất cánh từ Đà Nẵng. Từ sân bay quốc tế Đà Nẵng, có thể đáp máy bay đi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku... Cũng từ Đà Nẵng, hành khách có thể bay đi Bangkok (Thái Lan), Hongkong (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Narita (Nhật Bản) ... Tận dụng cơ hội vàng từ du lịch và bất động sản, sân bay quốc tế Đà Nẵng chỉ trong vòng 10 năm được nâng cấp, mở rộng hai lần, thành một trong 3 sân bay quốc tế lớn của cả nước.

Về mạng lưới giao thông, thành phố hiện đầu tư cảng biển Tiên Sa, cảng Liên Chiểu, phát triển giao thông đối ngoại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc La Sơn - Túy Loan, quốc lộ 14B mở rộng nối đường Hồ Chí Minh… Từ đó mở ra nhiều cơ hội giao lưu, thu hút đầu tư và nâng tầm Đà Nẵng trở thành thành phố hiện đại, giàu tiềm năng phát triển…

 
 

Nhắc tới Đà Nẵng, không thể không nhắc tới pháo hoa, vốn là “đặc sản” làm nên thương hiệu của thành phố. Cuộc thi trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng DIFC được tổ chức hai đêm mỗi kỳ, dẫu chưa đáp ứng hết mong mỏi của thành phố và du khách, nhưng cũng đặt nền móng để hy vọng và ước mơ về một “thành phố pháo hoa”, vươn tầm châu lục trong tương lai.

Và ước mơ đó được nâng tầm từ năm 2017, trở thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF kéo dài suốt 2 tháng, với hàng loạt các chương trình đồng hành và 5 đêm trình diễn nghệ thuật, trình diễn pháo hoa của các đội hàng đầu thế giới, thực sự làm nên diện mạo mới cho Đà Nẵng.

 

Trong công cuộc kiến thiết đô thị, Đà Nẵng nhận được sự đồng thuận lớn từ nhân dân để rồi chỉnh trang, giải tỏa vùng đất rộng lớn với gần phân nửa số hộ dân trên toàn thành phố. Nhờ đó Đà Nẵng thay da đổi thịt và mở ra hơn 2 thập kỷ phát triển thần kỳ đến hôm nay.

Đặc biệt, quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án trọng điểm, gồm: Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp; Công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía đông nam Đài tưởng niệm; Khu sân golf VinaCapital Đà Nẵng; Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Công viên chuyên đề phía nam bán đảo Sơn Trà; Quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, khu du lịch Bà Nà Hills; Khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp Làng Vân; Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula. Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; hình thành tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong khu phức hợp đô thị, thương mại, phi thuế quan.

 

Tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710 ha; chú trọng phát triển các trung tâm logistics và kho bãi với quy mô diện tích đất khoảng 229ha, bao gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics ga Kim Liên mới, Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và kho bãi khác.

Quy hoạch xác định tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710ha, gồm: Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng; Khu Công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2, Khu Công viên phần mềm số 1, số 2, số 3; ngoài ra, hình thành cụm đổi mới sáng tạo tại phía nam thành phố gắn liền với Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, Trung tâm đổi mới sáng tạo và Công viên phần mềm...

 
 

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng tại hội thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn 2045 diễn ra cuối năm 2021, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, 25 năm qua giúp Đà Nẵng đúc kết cho mình nhiều bài học quý báu. Đó là biết kết hợp lợi thế tự nhiên và xu thế thời đại; liên kết, tạo cộng hưởng phát triển; phát huy thế mạnh lịch sử, văn hóa và sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật “mượn sức” để phát triển. Cuối cùng là khát vọng vươn lên không ngừng, luôn đặt mình trong cuộc đua tranh phát triển quốc tế.

Còn theo Thạc sĩ Kinh tế Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quy hoạch phát triển, xu thế gần đây cho thấy rõ mô hình phát triển dựa trên tài nguyên (chủ yếu là nguồn lực đất đai) của Đà Nẵng đã tới hạn khi dư địa về đất đai không còn nhiều, cơ cấu kinh tế vẫn còn bất cập, trong khi nông nghiệp bị thu hẹp nhanh chóng, công nghiệp, dịch vụ chưa tạo được đột phá.

 

Vấn đề liên kết vùng Đà Nẵng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng do thiếu cơ chế phối hợp phát triển kinh tế hiệu quả trong liên kết giữa các địa phương, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, còn mang tính hình thức. Thực tế này đòi hỏi Đà Nẵng tìm giải pháp mới, động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội nếu không muốn bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.  

Bản quy hoạch phải được xây dựng dựa trên tầm nhìn, chiến lược, định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị đáng sống, có giá trị trường tồn, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 43/2019 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố Đà Nẵng may mắn cơ bản đáp ứng được 4 yếu tố đầu tiên của một thành phố đáng sống. Để đạt các yếu tố còn lại, quy hoạch cần định hướng xây dựng thành phố dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản. Đồng thời, quy hoạch cũng xác định những dự án động lực, trọng điểm để phát triển các trụ cột chính. Trong đó, du lịch - thương mại, phát triển hiệu quả tối đa từ lõi trung tâm thành phố. Ngoài ra, phát triển một đô thị sân bay là phù hợp với xu thế của thế kỷ 21 nhằm phát huy tối đa lợi thế sân bay quốc tế cửa ngõ miền Trung trở thành một động lực phát triển của thành phố...

 

Trong khi đó, theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), xu thế hội nhập và mở cửa thị trường dịch vụ logistics là tất yếu với quốc gia có bờ biển dài như Việt Nam nói chung, địa phương Đà Nẵng nói riêng.

Thời gian qua, nhờ đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông đường bộ, nâng công suất sân bay Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, trong giai đoạn 5 năm (2016-2021), khối lượng hàng hóa luân chuyển của Đà Nẵng tăng trung bình 7,5%/năm, khối lượng luân chuyển hành khách tăng 2,2%/năm và doanh thu vận tải tăng 6,8%/năm.

 

Đà Nẵng đang trên đường “trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…” theo tinh thần Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phát triển logistics gắn với cảng biển, sân bay quốc tế là yếu tố cốt lõi, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị năng động, hiện đại, đáng sống.  

 
 

 

.