Emagazine

'Bộ não số' cho đô thị thông minh

18:15, 30/11/2023 (GMT+7)
 
 

 

Vào một ngày giữa tháng 8-2023, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm IOC. Đây là điểm nhấn quan trọng và là bước tiến lớn trong quá trình triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh của thành phố Đà Nẵng.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, xác định xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (hay còn gọi là Trung tâm IOC) là một trong những nhiệm vụ chính hàng đầu.

Thực hiện mục tiêu này, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết số 05-NQ/TU về triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định xây dựng Trung tâm IOC là một nhiệm vụ trọng tâm.

Công việc mỗi ngày của nhân viên trung tâm là giám sát, đôn đốc, điều phối việc triển khai, cung cấp các dịch vụ thành phố thông minh trên địa bàn thành phố. Đồng thời tiếp nhận, điều phối xử lý các tình huống, sự kiện phát sinh theo quy trình quản lý cảnh báo của IOC; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc xử lý các tình huống, sự kiện theo phân quyền và luồng quy trình.

Trung tâm phối hợp với các ngành, địa phương thu thập dữ liệu trên từng ngành, lĩnh vực và thực hiện phân tính, xử lý Trung tâm thống kê số liệu theo từng lĩnh vực, từng ngành: lập, khai báo số liệu thống kê; xây dựng biểu mẫu; trích xuất số liệu và lập báo cáo thống kê, báo cáo tổng hợp. Thực hiện các báo cáo phân tích trên cơ sở kết quả thống kê, phân tích, xử lý dữ liệu; đưa ra các cảnh báo; tổng hợp, dự báo, đề xuất… để báo cáo, chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định của lãnh đạo. Tổng hợp, biên tập, xuất bản và công khai cho người dân, doanh nghiệp trên các kênh thông tin như app DaNang Smart City, Zalo Tổng đài 1022 và các kênh chính thống khác...

Chị Lê Thị Ngọc Diệp, nhân viên Phòng Giám sát dịch vụ đô thị thông minh thuộc Trung tâm IOC cho biết: “Công việc có những áp lực riêng. 1 nhân viên vận hành phải giám sát cả 15 dịch vụ (15 mảng). Phải đảm bảo bao quát hết việc giám sát các dịch vụ. Để giám sát 1 dịch vụ phải tìm hiểu và nắm được kiến thức chuyên môn, bản chất của dịch vụ đó, bởi vậy đòi hỏi người giám sát phải tập trung, luôn trao dồi, cập nhật kiến thức của các dịch vụ”.

Trung tâm IOC là một hợp phần quan trọng được xác định trong Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh của Đà Nẵng và Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trung tâm có chức năng là nơi thu thập, tổng hợp tất các các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực để phân tích, hiển thị, từ đó giúp lãnh đạo các cấp có khả năng giám sát, điều hành, ra quyết định và quản lý chất lượng dịch vụ do thành phố cung cấp một cách tổng thể, mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội cho thành phố, việc hình thành Trung tâm IOC sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, từ năm 2020, thành phố Đà Nẵng đã hình thành thí điểm Trung tâm Giám sát dịch vụ đô thị thông minh – hay còn gọi là MiniIOC với các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, và xem đây là tiền đề cho việc triển khai xây dựng Trung tâm IOC trên địa bàn thành phố.

Khác với nhiều địa phương trên cả nước, thành phố Đà Nẵng xây dựng Trung tâm IOC theo mô hình toàn diện, bao gồm IOC cấp thành phố, các trung tâm điều hành (OC) quận, huyện và OC chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu phân cấp, ủy quyền trong bối cảnh xây dựng chính quyền đô thị.

OC quận huyện, OC chuyên ngành là các trung tâm giám sát, điều hành theo địa bàn địa lý của quận, huyện hoặc theo lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành. Tuỳ vào chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước, các OC được phân cấp tiếp nhận các thông tin, dữ liệu do IOC thành phố phân tích và chia sẻ để phục vụ công tác giám sát, điều hành.

 

Dữ liệu số từ các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng sẽ được Trung tâm IOC thu thập, sử dụng lại, kết nối tập trung và thực hiện giám sát trên hệ thống, tạo ra các nhóm dịch vụ đô thị thông minh. Việc giám sát, cảnh báo vừa theo hình thức biểu diễn trực quan trên biểu đồ (dashboard) vừa trên bản đồ số với thông tin hiện trường từ các thiết bị IoT.

Thông qua các dữ liệu được gửi về để sử dụng phân tích, IOC thành phố sẽ phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý; hỗ trợ làm Trung tâm chỉ huy tập trung của thành phố trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh,…

Đối với người dân, ngoài thụ hưởng gián tiếp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh do thành phố cung cấp; còn được trực tiếp sử dụng các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh trên ứng dụng Danang Smart City, kịp thời nhận được các thông báo khi có các tình huống xấu, khẩn cấp xảy ra trên địa bàn…góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân và cộng đồng. 

Việc đưa Trung tâm IOC vào hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một đô thị Đà Nẵng thân thiện và thông minh hơn; phục vụ mục tiêu triển khai chính quyền đô thị, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số tại Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng xác định xây dựng thành phố thông minh là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển; cùng chiến lược tiếp cận theo 3 trục “Hạ tầng - Dữ liệu và Thông minh”.

Với phương châm “Chính sách, Khung kiến trúc để định hướng; Hạ tầng, Dữ liệu làm nền tảng; Ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả”, Đà Nẵng phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN như Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã đề ra.Thông qua nguồn dữ liệu từ các hệ thống quản lý đô thị thông minh sẵn có được kết nối về Trung tâm IOC như Hệ thống đo ngập tự động, giám sát tàu cá, trạm cảm biến đo mưa, camera giao thông, camera từ nhóm phát triển cộng đồng...

Trung tâm IOC triển khai theo dõi, giám sát 24/7 đối với tình hình diễn biến mưa, bão và các ảnh hưởng bởi mưa, bão. Thực hiện ghi nhận thông tin lượng mưa tại các trạm đo, thu thập các điểm ngập trên địa bàn thành phố, thông tin mực nước tại các sông, tình hình tàu cá trên biển… nhằm sẵn sàng đầy đủ thông tin, kịp thời báo cáo lãnh đạo thành phố có hướng chỉ đạo, điều hành trong trường hợp xảy ra sự cố khẩn cấp.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh Đà Nẵng cho biết, đặc biệt trong 2 đợt mưa lớn ngày 25-9 và 13 đến 15-10, Trung tâm đã kịp thời theo dõi, thu thập và báo cáo cho Lãnh đạo thành phố tình hình mưa, ngập trên địa bàn thành phố (báo cáo nhanh 2 giờ/lần để lãnh đạo thành phố nắm thông tin như tình hình lượng mưa, diễn biến mưa (31 trạm đo mưa qua IoT), các khu vực, tuyến đường ngập (thông qua các hệ thống đo ngập tự động, giám sát qua camera…), tình hình giám sát tàu cá…); đồng thời đăng tải rộng rãi thông tin điểm ngập trên các kênh như zalo OA Tổng đài 1022, Ứng dụng Danang Smartcity, Facebook Tổng đài 1022… để người dân, cộng đồng biết, chủ động phòng, tránh…

Vừa qua, Trung tâm IOC cũng đưa vào sử dụng hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập (gồm phân hệ trên app smart city cho người dân (xem được các trạm đo mưa, điểm ngập lịch sử 14-10, các điểm ngập hiện tại cho người dùng gửi lên, các điểm thường xuyên sạt lở, các nhà sơ tán…). 

Đợt ngập từ ngày 13 đến 15-10, hệ thống bản đồ mưa, ngập ghi nhận 113 lượt thông tin ngập do người dùng gởi lên thông qua ứng dụng Danang Smart City.

Bên cạnh đó, Trung tâm IOC cũng ghi nhận thêm các ý kiến phản ánh – góp ý thông qua Tổng đài 1022, Cổng góp ý thành phố về mưa, ngập, cây xanh ngã đổ… Trên cơ sở đó chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý một cách kịp thời, mang lại sự hài lòng cho người dân trên địa bàn thành phố.

Thông qua nguồn dữ liệu từ các ứng dụng chính quyền điện tử như Dịch vụ công, Phản ánh – góp ý, số hóa kết quả thủ tục hành chính, một cửa điện tử,..được kết nối về Hệ thống IOC, Trung tâm thực hiện theo dõi, đánh giá tình hình xử lý hồ sơ của các cơ quan, đơn vị; đồng thời thông tin, phối hợp các đơn vị để giảm số hồ sơ quá hạn dịch vụ hành chính công.

Sau thời gian đưa vào sử dụng, Hệ thống IOC đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của thành phố và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố.

Thông qua việc giám sát số hóa kết quả thủ tục hành chính trên hệ thống IOC hằng ngày, cho thấy được tình hình số hóa thủ tục hành chính của thành phố đang có xu hướng tăng dần qua các tháng. Từ đó, đưa ra đánh giá về công tác chuyển đổi số ngày càng được nâng cao tại các cơ quan/đơn vị tiếp nhận hồ sơ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nộp thủ tục hành chính thông qua sử dụng lại kết quả số hóa trước đó, hạn chế nộp hồ sơ giấy.

Bản đồ điều hành trực quan của Trung tâm thể hiện được trực quan, toàn diện các sự việc diễn ra trên toàn thành phố, là nơi tập hợp tất cả các tài nguyên, trạm cảm biến Iot,..sẵn có của thành phố. Được hiển thị một cách trực quan, dễ theo dõi, giám sát.

Qua đó có thể thấy được sự nỗ lực của Trung tâm IOC trong việc kết nối các dữ liệu chuyên ngành rời rạc về cùng một hệ thống giám sát.

Thông qua các tài nguyên được kết nối về, sẽ làm nền tảng, cơ sở để thực hiện phân tích, báo cáo và đưa ra các phương án đề xuất kịp thời, nhanh chóng và chính xác.

Trung tâm IOC ra đời là dấu mốc và bước thay đổi lớn của thành phố, chuyển đổi cách thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành của thành phố từ môi trường truyền thống sang môi trường số, thúc đẩy phát triển các trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, xã hội số.

 

 

 
 
.