.

 

 

Khởi nghiệp từ rác thải phải nhắc đến bà Trịnh Thị Hồng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), hiện là Giám đốc Công ty CP công nghệ sinh học Minh Hồng (nằm trên đường Phú Lộc 16, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Là phụ nữ hoạt động năng nổ trong công tác xã hội, nhất là trong hoạt động bảo vệ môi trường, bà Hồng tâm sự hơn 10 năm trước có thời điểm vì sự cố xe vận chuyển nên rác thải trong khu dân cư ùn ứ 3-4 ngày, khiến khu dân cư hôi hám, ô nhiễm. Vì vậy, bà ấp ủ, dự định làm sao để "biến rác" thành những sản phẩm có ích, vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế và hỗ trợ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. 

May mắn, cơ duyên đã đến khi năm 2012, bà có cơ hội sang Philippines tham gia một chương trình phát triển cộng đồng châu Á. Tại đây, bà được nghe đại diện Thái Lan chia sẻ về cách ủ rác thải thực vật thành chế phẩm sinh học với công nghệ hơn 30 năm. Trở về Đà Nẵng, với kiến thức đã được tiếp thu cùng với việc tìm tòi, học hỏi, bà Hồng bắt tay vào làm việc.

Những lần thực hiện đầu tiên chưa thực sự thành công nhưng rồi bà đã tìm ra công thức để ủ, tỷ lệ: 3kg rác, 3 lạng đường và 10 lít nước, ủ trong thùng nhựa kín 30 ngày. Chế phẩm này tiếp tục lọc qua hệ thống, thu được 2 lít dung dịch thô.

Theo bà Hồng, nguyên liệu ngâm ủ đơn giản là các loại rau, hoa quả bỏ đi nhưng phải là đồ còn tươi, chưa bị hôi thối và phải thực hiện nghiêm theo quy trình nếu không dung dịch sẽ thối hỏng, phải đổ bỏ. Bà cũng tự mày mò nghiên cứu kiến thức từ sách vở và internet để giúp sản phẩm hoàn thiện hơn, có bọt, có mùi thơm và độ đặc.

Sau khi nghiên cứu thành công dòng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, bà Hồng được Sở Khoa học Công nghệ, Sở Y tế thành phố hỗ trợ bảo hộ thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, công bố chất lượng sản phẩm. Năm 2016, bà Hồng thành lập công ty và bắt tay vào sản xuất chế phẩm sinh học từ rác. Hiện tại, mỗi tháng, xưởng sản xuất của bà tiêu thụ hơn 100 tấn rác hữu cơ, xuất bán 17.000 lít dung dịch sinh học các loại. Đến nay, bà đã đăng ký sản phẩm Ocop cho những dòng sản phẩm mới, được áp dụng công nghệ tiên tiến hơn.

Đặc biệt, để tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình, bà hướng dẫn, trao công thức tái chế rác cho phụ nữ địa phương. Theo đó, mỗi hộ sẽ ủ rác thải hữu cơ theo đúng quy trình. Mỗi lít dung dịch thô, bà Hồng sẽ thu mua với giá 3.500 đồng/lít. Dung dịch thô sau khi đưa về xưởng của công ty sẽ được nhân viên bơm vào các thùng nựa lớn, tiếp tục ngâm ủ 35-45 ngày và trải qua nhiều công đoạn khác nhau để biến thành những sản phẩm phục vụ trong đời sống hằng ngày.

Hiện tại, mỗi tháng, bà nhận thu mua dung dịch thô của 140 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, nhờ đó mỗi hộ có thu nhập khoảng 3,5-7 triệu đồng/tháng. Với việc làm đó, những người phụ nữ đã góp phần cùng xã hội trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời tự kiếm tiền nuôi bản thân, gia đình, giảm gánh nặng bảo trợ của xã hội.

Chị Lê Thị Trang (37 tuổi, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) trước đây là công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh. Do chồng bị liệt sau một vụ tai nạn giao thông nên Trang bỏ ngang công việc để chăm sóc chồng. Thương hoàn cảnh khó khăn của Trang, bà Minh Hồng tích cực hỗ trợ Trang công nghệ ủ rác và bao tiêu sản phẩm.

Trang cho biết, hằng ngày, tranh thủ đi nhặt những phế phẩm người ta bỏ lại như bông hoa, vỏ cam, quýt, chuối... nhưng còn tươi, sau đó làm sạch trước khi bỏ vào thùng nhựa để ủ theo công thức được chị Minh Hồng hướng dẫn. Khi làm thành thạo, đã cho thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng, cuộc sống ổn định hơn.

Nghe có vẻ lạ đời nhưng chị Đinh Thị Loan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu dân cư số 11, phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) đã biến nó thành hiện thực với mô hình “Hoa tái chế”, qua đó biến các loại rác thải thành những đóa hoa đẹp.

Căn nhà nhỏ nằm trong kiệt 264 đường Tôn Đản (phường Hòa An) chất đầy những giỏ hoa, bình hoa trông rất xinh xắn được chị tạo ra từ những rác thải như: túi nilon, bao đựng bột giặt Omo, nước rửa chén Sunlight, chai nhựa, xốp...

Dù không học qua trường lớp nào về mĩ thuật nhưng với bàn tay khéo léo, chị đã tạo ra những đóa hoa rực rỡ, tươi đẹp từ những thứ tưởng chỉ có thể bỏ đi. Những thứ này nếu thải ra môi trường sẽ mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn.

Đến với ý tưởng “Hoa tái chế”, chị Loan cho biết, chị học hỏi từ các clip làm hoa trên mạng, cộng với đôi tay khéo léo của mình đã tạo nên những đóa hoa đẹp từ những vật phẩm gần như bỏ đi.

Chị Loan cho biết, nguyên liệu để làm rất dễ kiếm, hình dáng phong phú, dễ cắt uốn theo ý tưởng của mình và quan trọng nhất là giải quyết phần nào vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa khó phân hủy. Chị càng làm càng thấy đam mê, thấy vui vì công việc ý nghĩa.

Đặc biệt, vào những dịp lễ như Quốc tế phụ nữ (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), chị làm hàng nghìn bông hoa theo đặt hàng của các chi hội khu dân cư để tặng cho hội viên. Từ nguồn tiền thu lại được, chị hỗ trợ những trường hợp khó khăn hơn mình cũng như trẻ em mồ côi trong và ngoài khu dân cư. Không chỉ làm hoa, chị còn sáng tạo ra những bình hoa đẹp để cho các hội viên trang trí ngày Tết.

Nhận bình hoa đẹp từ bạn tặng nhân dịp 20-10 và biết được đó là sản phẩm tái chế từ tay chị Loan, chị Phan Nhật Minh (phường Hòa An) khá bất ngờ. Chị Minh chia sẻ ngắm một bình hoa đẹp, tỉ mỉ, sắc nét sẽ mang lại nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần.

Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) Nguyễn Phúc Kim Phượng cho biết, nhiều sản phẩm từ mô hình “Hoa tái chế” của chị Loan đã có mặt tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn phường. Đặc biệt, vào các ngày lễ, những bó hoa do chị Loan sáng tạo nên đã hết sức có giá trị đối với mỗi hội viên. Không chỉ vậy, những sản phẩm tự tay chị làm được trưng bày hoặc đại diện cho các cấp hội của quận Cẩm Lệ tham gia dự thi các cấp đều đạt giải cao.

Nhìn căn nhà trưng bày nhiều bình hoa tái chế, chị Loan chia sẻ, ban đầu tôi không nghĩ từ các thứ bỏ đi sẽ tạo được những bông hoa đẹp. Nhưng phải bắt tay vào thực hiện thì mới biết là có làm được hay không. Tôi cũng hy vọng rằng, chị em phụ nữ muốn vượt khó, thì hãy mạnh dạn thực hiện các ý tưởng của mình, thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm.

Chị Loan ấp ủ dự định sẽ mở rộng quy mô cho mô hình để qua đó tạo công ăn, việc làm cho các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư. “Tôi mong muốn tất cả các trường học trên địa bàn sẽ sử dụng những sản phẩm tái chế từ mô hình này để hạn chế rác thải thải ra môi trường”, chị Loan chia sẻ.

Mô hình thu gom, tái chế rác thải đã lan tỏa đến các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tại những trường mầm non, tiểu học, từ bàn tay khéo léo của các nữ giáo viên đã “biến rác thải” thành những đồ dùng phục vụ các hoạt động trong dạy và học của giáo viên và học sinh.

Tại Trường mầm non Phương Lan (quận Thanh Khê), hoạt động tái chế rác thải được đẩy mạnh. Cô Trương Thị Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hằng năm, nhà trường phát động phong trào tái chế rác thải làm đồ dùng phục vụ hoạt động giáo dục và nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể giáo viên.

Bằng bàn tay khéo léo của mỗi cô giáo, những thứ thải ra từ hoạt động hằng ngày của con người như lon, hộp sữa các loại, bìa cat-ton, xốp, chai nhựa... được giáo viên “biến tấu” thành những sản phẩm bắt mắt phục vụ quá trình giảng dạy cũng như vui chơi, giải trí cho các học sinh trong nhà trường.

 

Theo cô Thảo, việc bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đối với nhà trường, môi trường xanh, sạch, đẹp sẽ góp phần quan trọng vào công tác dạy và học. Nhà trường luôn khuyến khích, tuyên dương các giáo viên có những đóng góp tích cực trong việc chống rác thải nhựa và tái chế rác thải nhựa.

Hằng năm, cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh, giáo viên lớp nhà trẻ Trường mầm non Phương Lan tích cực cùng vơi đồng nghiệp tận dụng các sản phẩm từ rác thải, qua đó sáng tạo ra các bình hoa, hộp đựng bút, bản đồ, cổng chào văn hóa. Cùng với đó, các giáo viên cũng tạo ra các mô hình gần gũi trong gia đình như máy giặt, bàn là, bếp điện, nồi cơm điện...

"Sử dụng đồ tái chế nhằm trang trí lớp học, tạo ra các sản phẩm trong hoạt động giáo dục giúp phát triển khả năng tư duy sáng tạo và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Học sinh sẽ cảm thấy thú vị hơn khi được tham gia vào quá trình trang trí lớp học và cảm nhận được sự tinh tế và sáng tạo của không gian học tập của mình. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh cũng như phụ huynh, góp phần vào quá trình xây dựng “Thanh Khê - Quận môi trường” và “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, cô Lan Anh chia sẻ.

Tại Trường mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu), hoạt động tái chế rác được giáo viên tích cực tham gia. Từ đầu năm học, nhà trường phát động đợt tái chế rác phục vụ hoạt động học tập.   

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Ngọc Lan cho biết, từ đầu năm tới nay, giáo viên nhà trường tái chế nhiều vật dụng hữu ích phục vụ sinh hoạt và giảng dạy, từ kệ sách đến các đồ dùng học tập như hộp đựng bút, giá treo đồ, vòng quay mặt trời, các tòa nhà cổ của Pháp, tàu lượn, xích đu. Những vật dụng này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn nâng cao ý thức của cả giáo viên và học sinh trong việc bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các nữ giáo viên tận dụng rác thải nhựa như lốp xe ô-tô cũ để trang trí khuôn viên trường, biến chai nhựa thành chậu trồng cây, hay sử dụng lốp xe hỏng để làm khu vui chơi cho trẻ em, chậu hoa.

“Những hành động thiết thực này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải mà còn tạo ra không gian xanh mát, thân thiện với môi trường. Sự đa dạng và sáng tạo trong các hoạt động bảo vệ môi trường của nhà trường góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, giáo dục học sinh tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường xanh - sạch – đẹp”, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm nói.

Có thể khẳng định, với những cách làm sáng tạo của các cấp hội phụ nữ cũng như các ngành, các cấp trong phân loại, xử lý rác thải thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo thói quen ứng xử thân thiện với môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

Các hoạt động không những góp phần giữ gìn môi trường sống, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng chống rác thải nhựa mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho phụ nữ khó khăn và tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng...

 

;
;
.