Tự nguyện đăng ký hiến mô tạng

.

ĐNO - Vào một trong những dịp đặc biệt của cuộc đời, họ đã có chung một hành động, đó là đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết, chết não. Hành động đó không mang lại điều gì cho họ ngoại trừ niềm hạnh phúc chảy tràn trong cơ thể mỗi ngày.

Ấp ủ dự định hiến mô tạng khi còn là học sinh

Nguyễn Ngọc Hương
Từ khi còn là học sinh, Nguyễn Ngọc Hương đã quyết tâm sẽ đăng ký hiến tặng mô tạng khi đủ 18 tuổi.

Ở những năm tháng của tuổi 17, bên cạnh quyết tâm đỗ đại học với kết quả cao, Nguyễn Ngọc Hương (Sinh viên năm 2 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) khi đó đã ấp ủ một dự định: đăng ký hiến mô tạng khi đủ 18 tuổi.

Dự định đó được Hương thực hiện sau 7 tháng kể từ khi em chính thức bước sang tuổi 18. Hương đã đăng ký hiến tặng toàn bộ các mô, các bộ phận cơ thể người (tạng) nếu không may gặp rủi ro bị chết, chết não (do bệnh lý, do tai nạn,…).

Hương cho biết, chính chị gái là người đã truyền cảm hứng để em thực hiện việc làm ý nghĩa này. Theo chân chị trong những chuyến tình nguyện từ khi còn nhỏ, hơn ai hết, Hương thấu hiểu ý nghĩa của việc cho đi.

Ngày biết tin chị gái đăng ký hiến mô tạng, câu hỏi đầu tiên bật lên trong suy nghĩ của Hương là: “Sao chị mình dám làm như thế?”. Ban đầu, Hương cảm thấy lo sợ. Nhưng sau một thời gian được chị động viên, nỗi sợ đã biến mất nhường chỗ cho niềm khao khát được cho đi. Đó cũng là lúc, cô nữ sinh 17 tuổi thầm ước tuổi 18 của mình hãy đến thật nhanh.

Đơn tự nguyện đăng ký hiến mô tạng của Hương. Ảnh: NVCC
Đơn tự nguyện hiến mô tạng của Hương. Ảnh: NVCC

Dù đã trôi qua một năm nhưng khi kể lại giây phút đặt bút ký quyết định đăng ký hiến mô tạng, từ sự e thẹn khi bắt đầu câu chuyện, đôi mắt Hương dần trở nên lấp lánh, nụ cười thêm phần rạng rỡ, khuôn mặt như bừng sáng hiện lên niềm hạnh phúc khó tả. “Giây phút đó em thấy rất kỳ diệu bởi em nghĩ đến một sự sống khác sẽ được tiếp nối nếu có chuyện không may xảy ra với em”, Hương thổ lộ.

Niềm hạnh phúc của cô gái trẻ không chỉ dừng lại ở việc bản thân được cho đi mà còn nhân lên khi hành động của em được bạn bè biết đến, ủng hộ và làm theo khi hiểu về mục đích nhân đạo của nó.

“Em không thấy điều mình làm là đặc biệt. Em làm vì việc đó mang lại niềm vui cho bản thân em, không đòi hỏi bất cứ điều gì. Em nghĩ, nếu chúng ta không thể làm những điều lớn lao thì hãy bắt đầu từ những việc nhỏ trong khả năng của mình”, Hương bày tỏ.

Hương chia sẻ, từ ngày đăng ký hiến tạng, em có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cá nhân. Trước đây, Hương có thói quen thức khuya, có hôm đến 2 giờ sáng mới ngủ nhưng bây giờ em đi ngủ sớm, dậy sớm tập thể dục và ăn uống lành mạnh hơn.

“Thân thể này không còn của riêng em nữa, sẽ có nhiều sự sống được tiếp nối nếu em giữ các bộ phận của mình thật khỏe mạnh”, Hương vui vẻ chia sẻ.

Món quà đặc biệt dịp sinh nhật

Vợ chồng anh Hà Phước Cảnh điền đơn đăng ký hiến mô tạng tại Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng ngay trong dịp sinh nhật của anh Cảnh.
Vợ chồng anh Hà Phước Cảnh điền đơn đăng ký hiến mô tạng tại văn phòng Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng ngay trong dịp sinh nhật của anh Cảnh.

Khác với mọi năm, sinh nhật năm nay không quà, không tiệc nhưng đối với anh Hà Phước Cảnh (SN 1988, Phòng An ninh Nội địa, Công an thành phố Đà Nẵng), đây là sinh nhật khiến anh cảm thấy vui sướng nhất.

Ấp ủ dự định đăng ký hiến mô tạng trong một thời gian dài nhưng vì bận rộn với công việc, anh Cảnh vẫn chưa có dịp thực hiện. Một tháng trước ngày sinh nhật, sau khi xem bản tin về tình hình thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân, ý nghĩ này bỗng dưng lóe lên trong đầu anh một lần nữa. Không chần chừ, anh Cảnh mở lời với vợ và ngay lập tức cả hai nhất trí sẽ cùng đăng ký hiến tặng mô tạng vào ngày sinh nhật của anh.

“Nhận được sự ủng hộ từ vợ, tôi rất hạnh phúc. Bất ngờ hơn nữa là cô ấy cũng có dự định giống như tôi, thế là niềm vui lại tăng gấp đôi”, anh Cảnh bộc bạch.

Giống như Hương, anh Cảnh cũng quyết định đăng ký hiến tặng toàn bộ các mô tạng nếu bản thân không may gặp rủi ro.

Nở nụ cười tít mắt, anh Cảnh hào hứng kể: “Không biết dùng từ ngữ gì để diễn tả niềm vui của tôi lúc đặt bút ký quyết định hiến mô tạng. Những món quà vật chất trước đó mà tôi được nhận chỉ mang lại niềm vui trong thời gian ngắn, còn món quà đặc biệt này lại kéo dài dai dẳng. Đến bây giờ, dù đã trôi qua một khoảng thời gian nhưng trong lòng tôi cứ lâng lâng một cảm xúc khó tả”.

Để kỷ niệm ngày đặc biệt của hai vợ chồng, chị Tú Anh (vợ anh Cảnh) đã chia sẻ thông tin lên trang cá nhân của mình. Từ bài viết đó, đã có thêm nhiều người biết đến và mong muốn được ký tên vào tờ đơn tự nguyện hiến tặng mô tạng.

“Tôi không nghĩ việc làm của cả hai lại có sức lan tỏa đến thế. Sau bài viết của vợ, có khoảng 10 người là bạn bè đã nói với tôi rằng họ cũng sẽ đăng ký hiến mô tạng, điều đó càng làm tôi thêm phần hạnh phúc”, anh Cảnh bày tỏ.

Chia sẻ về việc làm của mình, anh Cảnh trầm ngâm trong giây lát rồi nói: “Tôi nghĩ sống là phải cho đi, không bằng cách này thì bằng cách khác. Khi rời khỏi thế giới này, tôi không thể đem theo bất cứ điều gì và thứ tôi có thể để lại cho đời, cho người thân xung quanh là những đóng góp của mình cho xã hội. Tôi muốn họ nhớ về mình với những ký ức đẹp nhất”.

Nhiều người trẻ dần quan tâm hơn đến việc hiến tặng mô tạng sau khi chết, chết não.
Nhiều người trẻ dần quan tâm hơn đến việc hiến tặng mô tạng sau khi chết, chết não.

Theo bà Thái Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, từ năm 2019 đến khoảng cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố có gần 600 người tham gia đăng ký hiến mô tạng, con số này vẫn còn khá khiêm tốn.

Để vận động người dân đăng ký, Hội thường xuyên tuyên truyền cho người dân một cách đầy đủ, chặt chẽ về mục đích, ý nghĩa, quy định của pháp luật trong việc hiến tặng mô tạng. Cùng với đó, hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức của Hội ở các cấp cũng đã tự nguyện thực hiện việc làm ý nghĩa này. Trong đó, có một trường hợp là thân nhân (bố của một thành viên làm việc tại Hội Chữ thập đỏ thành phố, từng là cựu chiến binh) đã hiến tặng giác mạc thành công cho hai bệnh nhân (cũng từng là cựu chiến binh), giúp họ tiếp tục nhìn thấy ánh sáng sau một thời gian dài bị mù.

“Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, hiến tặng mô tạng là cách để nối dài sự sống cho bệnh nhân. Khi một người không may mất đi, mô tạng của họ có thể giúp cho 10 người được cứu sống. Điều đó thật sự là một phép màu. Không chỉ thế, việc đăng ký hiến tạng còn thể hiện suy nghĩ tích cực, tiến bộ trong cuộc sống, để thấy rằng, cuộc đời này vẫn còn nhiều người mong muốn được cho đi khi họ không còn nữa, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội”, bà Hà chia sẻ.

THU DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
.