Một đội quân vi sinh vật đang gặm nhấm phần xác còn sót lại của tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương. Các chuyên gia cảnh báo con tàu huyền thoại sẽ sớm hóa thành cát bụi hoàn toàn.
Xác tàu Titanic bị vi sinh vật ăn mòn dưới đáy biển. Ảnh cắt từ video |
Theo hãng tin RT, các nhà nghiên cứu mới đây tiến hành chuyến thám hiểm đại dương để xác định thực trạng của con tàu Titanic bị đắm cách đây 107 năm.
Nhóm thợ lặn đã cực kỳ sốc khi chứng kiến mức độ hư hại trên tàu Titanic khi xác con tàu bị vi sinh vật ăn kim loại xâm chiếm cũng như bị ảnh hưởng từ dòng chảy mạnh.
“Có vi sinh vật trên xác tàu ăn vào các bộ phận sắt của xác tàu, tạo ra cấu trúc nhũ xốp Rusticles yếu hơn nhiều so với kim loai”, nhà khoa học thám hiểm Clare Fitzsimmons trả lời phỏng vấn hãng tin BBC. Phần cấu trúc nhũ xốp này tiếp tục bị phân hủy, và có thể hóa thành dạng bột dễ dàng bị nước biển cuốn đi.
Tàu chở khách huyền thoại Titanic gặp nạn chìm xuống dưới đáy Đại Tây Dương sau khi đâm phải băng vào năm 1912. Con tàu bị gãy đôi, chìm xuống dưới đáy ở độ sâu 3.810 m ở vùng biển ngoài khơi Newfoundland, Canada.
Nhà sử học chuyên nghiên cứu Titanic Park Stephenson cho biết bộ phận bị xói mòn nặng nhất là phía mạn phải tàu. Trên boong có lỗ hổng lớn. Bồn tắm của vị thuyền trưởng hiện hoàn toàn biến mất.
Đây là lần đầu tiên đội thám hiểm Triton Submarines đưa thiết bị quay chất lượng cao 4K xuống dưới đáy biển ghi lại hình ảnh tàu Titanic. Đội thám hiểm phải mất 5 lần lặn mới hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó, các nhà khoa học ước tính đến năm 2030, tàu Titanic hoàn toàn biến mất.
Video xác tàu Titanic dưới độ sâu 3.810 m so với mặt nước biển (nguồn: RT):