.

Tạo bứt phá mới để phát triển bền vững

.

Cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 154/2003/QĐ-TTg công nhận thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1. Đây được xem như một cột mốc quan trọng, đánh dấu và mở ra thời cơ, vận hội mới, tiếp thêm sức mạnh để Đà Nẵng vững bước tiến vào thời kỳ xây dựng và phát triển mới. Chặng đường 10 năm chưa phải là dài nhưng Đà Nẵng đã có những bước tiến mạnh mẽ và vững chắc để hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế là đô thị loại 1 cấp quốc gia.

Ảnh: NHÂN MÙI
Ảnh: NHÂN MÙI

Thành công lớn nhất của thành phố đã đạt được trong thời gian qua là chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư, phát triển du lịch dịch vụ. Đây là những minh chứng sinh động cho sự phát triển vượt bậc và đúng hướng của thành phố. Người Đà Nẵng tự hào với những công trình mới, hiện đại, ấn tượng như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, Bệnh viện Ung thư, cáp treo Bà Nà… và những sự kiện như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế; các chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”..., là những chủ trương đầy sáng tạo, được chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết tâm phấn đấu thực hiện, tất cả vì một mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thực sự trở thành “Thành phố môi trường”, “Thành phố đáng sống” trong tương lai không xa.

Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến Ảnh: LÊ VĂN HOA
Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến Ảnh: LÊ VĂN HOA

Với vai trò là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, là thành phố hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là cửa ngõ ra biển của các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, Đà Nẵng đã chủ động tranh thủ các nguồn lực, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ, xem đây là nhân tố tiên quyết thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố. Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng được nâng cấp và hiện đại hóa, hệ thống đường bộ trong và ngoài thành phố không ngừng được mở rộng và xây mới. Nhiều dự án quy hoạch đô thị lớn đã và đang được thực hiện, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch dịch vụ và thương mại.

Để tăng cường thu hút vốn đầu tư vào Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã và đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Một trong những biện pháp đó là tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, chính quyền thành phố luôn thường xuyên rà soát, hoàn thiện các chính sách, cơ sở thiết chế pháp lý địa phương và điều kiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, hỗ trợ công tác đền bù, giải tỏa để giao mặt bằng sạch cho các dự án triển khai đúng tiến độ.

Năm 2013

- Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GDP) tăng 8,1%;

- Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 11.217,3 tỷ đồng. Tổng thu nội địa 8.543 tỷ đồng, đạt 104,57% dự toán giao, vượt 373 tỷ đồng so với dự toán được giao.

- Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 10%;

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước tăng 13,1%;

- Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng năm 2013 đạt 3,1 triệu lượt người, tăng 17,2% so với năm 2012;

- Tổng nguồn vốn huy động năm 2013 đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2012;

- Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 38.384 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2012; giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm  ước đạt 2.125 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Công tác xúc tiến, vận động đầu tư được thành phố thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau ở trong và ngoài nước như: Mở Văn phòng đại diện tại Tokyo (Nhật Bản), tổ chức nhiều diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng, tổ chức các đoàn tham quan xúc tiến đầu tư ở các thị trường trọng điểm trên thế giới, tập trung vận động các nhà đầu tư lớn và có tiềm lực thực sự để tạo động lực, lôi cuốn các nhà đầu tư khác đến với thành phố, thiết lập quan hệ với các tổ chức quốc tế, các tham tán thương mại của Việt Nam và nước ngoài để quảng bá các cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng, đồng thời luôn có thái độ dứt khoát đối với các dự án sử dụng đất không hiệu quả hoặc gây ô nhiễm môi trường để tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới có cơ hội khai thác dự án. Với chính sách thông thoáng, rộng mở, trong những năm qua, Đà Nẵng đã không ngừng thu hút các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục vụ đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Thành phố đã xác định, sẽ xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, có cơ cấu kinh tế hiện đại, thân thiện với môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, đồng thời, là hạt nhân gắn kết các địa phương trong khu vực để cùng phát triển. Để đạt mục tiêu đó, hiện nay Đà Nẵng đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ chất lượng cao như du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, logistics... Với chính sách phát triển như hiện nay, hy vọng rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng đều sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp, góp phần xây dựng và làm giàu hơn cho thành phố động lực của miền Trung này.

Ký túc xá sinh viên phía đông, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, công trình trọng điểm năm 2013 được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Triệu Tùng
Ký túc xá sinh viên phía đông, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, công trình trọng điểm năm 2013 được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Triệu Tùng

Năm 2013, Đà Nẵng lại có thêm niềm vui mới, đó là ngày 17-10, Bộ Chính trị (BCT) đã làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của BCT (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tại buổi làm việc này, BCT đánh giá cao về những nỗ lực của chính quyền, quân và dân thành phố về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Thực tế cho thấy, 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong vùng nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW một cách nghiêm túc, khẩn trương, sáng tạo và đã đạt được những thành tựu trên nhiều mặt. Nhìn lại 10 năm thực hiện nghị quyết, kinh tế của thành phố phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng; thu ngân sách từ năm 2012-2013 của Đà Nẵng đã có những kết quả đáng khích lệ và đang có xu hướng bền vững.

Nếu những năm trước đây, cơ cấu thu ngân sách từ đất có thời điểm chiếm tới 50% thì năm 2013 chỉ chiếm 25% và trong năm 2014, dự kiến sẽ chiếm 20%, cho thấy nguồn thu của Đà Nẵng đối với sản xuất kinh doanh và dịch vụ đã có những đóng góp đáng kể cho ngân sách thành phố; quy mô đô thị được mở rộng, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và bộ mặt thành phố thay đổi rõ nét, công tác quy hoạch, quản lý đô thị tạo được nhiều ấn tượng tốt. Đà Nẵng liên tiếp được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá là thành phố có những ấn tượng tốt về môi trường như: “Một trong 20 thành phố có hàm lượng carbon thấp” do APEC công nhận tháng 11-2012; là một trong 33 thành phố đầu tiên của thế giới được tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller lựa chọn; đoạt giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” năm 2011 do các nước thành viên ASEAN bầu chọn và năm 2013 được Tổ chức Định cư con người Liên Hợp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) lựa chọn trao giải thưởng “Thành phố phong cảnh châu Á năm 2013”. 

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, nhất là lĩnh vực xã hội, chính sách an sinh xã hội, chương trình thành phố “5 không”, “3 có” đạt được những kết quả tích cực. Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Song song với phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố có nhiều cố gắng, nhất là đã xây dựng, củng cố được đoàn kết nội bộ, đồng thuận xã hội, phát huy được vai trò người đứng đầu… Một thực tế để người dân thành phố tự hào trên chặng đường đã qua là, trong điều kiện nguồn lực của Trung ương và địa phương đều có hạn, Đà Nẵng đã có cách làm riêng, đầy sáng tạo, đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực đất đai. Có thể nói, Đà Nẵng đã biết chớp thời cơ biến nguồn lực đất đai từ tiềm năng thành hiện thực trong xây dựng và phát triển thành phố; đó là đã chủ động chọn việc xây dựng hạ tầng, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông đi trước một bước, chấp nhận mất cân đối trước mắt để phát triển lâu dài, bền vững trong tương lai.

Chỉ tiêu chủ yếu năm 2014

- Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GDP, giá so sánh năm 2010) ước tăng 9-9,5% so với năm 2013;

- Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 12-13%;

- Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng từ 7-8%, trong đó công nghiệp tăng 9-10%;

- Giá trị sản xuất thủy sản-nông-lâm tăng 3-4%;

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn 11.678 tỷ đồng; tổng thu ngân sách địa phương 12.151,5 tỷ đồng;

- Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 27.300 tỷ đồng, tăng 3-4%;

- Giải quyết việc làm cho 31.000 lao động, tăng 3-4%;

- Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm theo chuẩn mới thành phố còn 3.81%.

Thực tế đã khẳng định, những thành tựu mà Đà Nẵng đạt được trong 10 năm qua về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW không chỉ đã tự khẳng định mình, không chỉ để phát triển thành phố mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng mà còn vì sự phát triển của cả nước nói chung, là hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Lắp ráp ô-tô ở Nhà máy TCIE Việt Nam tại Đà Nẵng. Ảnh: T.LÂN
Lắp ráp ô-tô ở Nhà máy TCIE Việt Nam tại Đà Nẵng. Ảnh: T.LÂN

Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế về yếu kém, yêu cầu cấp bách cả trước mắt và lâu dài là Đà Nẵng phải tranh thủ nội lực và ngoại lực, phải tự bứt phá đi lên, mạnh dạn đổi mới cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, phát triển mạnh hơn nữa. Cùng với định hướng tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, năm 2014 thành phố đã quyết định chọn chủ đề năm là “Năm doanh nghiệp”, thể hiện sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố trong việc đồng tâm hiệp lực để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến lĩnh vực sản xuất thực chất, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị mới cho xã hội nhằm thực hiện thành công thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để đạt được những mục tiêu mà Đại hội XI của Đảng và Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ thành phố đã đề ra; phấn đấu xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn, là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ 2014, thay mặt lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, tôi xin cảm ơn tinh thần đồng thuận, những đóng góp tích cực của quân và dân thành phố trong những năm qua, đã tạo nên thành quả to lớn và đáng tự hào như ngày hôm nay và mong muốn bước vào mùa Xuân mới, Đà Nẵng có những bứt phá mới, góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh và hiện đại, là thành phố đáng sống như ước vọng của chính quyền và nhân dân thành phố…

VĂN HỮU CHIẾN

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.