Báo xuân Đà Nẵng 2014

Tây đón Tết Việt

08:07, 27/01/2014 (GMT+7)

Họ đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, làm những công việc khác nhau nhưng cùng chung sở thích là đam mê làm từ thiện. Họ đã chọn Đà Nẵng để thực hiện những dự định nhưng rồi ngẫu nhiên gắn bó với thành phố biển xinh đẹp này như một cơ duyên. Ở nơi này họ được chào đón nhiệt tình và có những cái Tết không thể nào quên.

Tết này, ông William dự định sẽ chuẩn bị nhiều phong bao lì xì cho trẻ em nghèo.
Tết này, ông William dự định sẽ chuẩn bị nhiều phong bao lì xì cho trẻ em nghèo.

Tôi hẹn gặp bà Mollie White (tình nguyện viên người Úc) vào một buổi sáng ngày đông se lạnh. Bà đang có buổi dạy tiếng Anh cho các em học viên tại Trung tâm REACH, một tổ chức từ thiện dạy nghề miễn phí cho thanh niên nghèo tại Đà Nẵng. Gắn bó với REACH gần 2 năm nay, tuy khoảng thời gian không dài nhưng lại đem đến cho bà nhiều kỷ niệm không thể nào quên, nhất là những cảm tình đặc biệt đối với các em học viên nơi đây. “Học viên của REACH thật đặc biệt, nhiều em có hoàn cảnh thật đáng thương nhưng vẫn ao ước đến trường, ao ước có một cái nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Các em như những người thân trong gia đình tôi và việc giảng dạy cho các em khiến tôi cảm thấy yêu quý và gắn bó với mảnh đất này hơn”, bà Mollie chia sẻ.

Sống và làm việc tại Đà Nẵng gần 2 năm, bà Mollie may mắn đón cái Tết cổ truyền của người Việt đầu tiên tại thành phố biển xinh đẹp này. Những ngày đầu năm mới, bà háo hức ra đường để xem không khí đón Tết, để hòa lòng mình vào những cảm xúc chung của người dân thành phố. Và rồi cảm nhận khác biệt đầu tiên với bà là không khí ngày Tết tại thành phố thật yên tĩnh khác với cái náo nhiệt, ồn ào của ngày thường. Nhiều quán ăn, nhà hàng ở trung tâm thành phố đóng cửa khiến bà và những người bạn nước ngoài gặp chút rắc rối trong vấn đề ăn uống.

“Khi hỏi một người bạn Đà Nẵng, tôi mới biết Tết ở Việt Nam được nghỉ rất dài ngày và người dân thành phố đều đi đón Tết ở mọi gia đình. Điều này rất khác với nước Úc của chúng tôi, Tết Dương lịch đơn giản chỉ là ngày nghỉ bình thường”, bà Mollie nói. Khi cùng những người bạn Đà Nẵng đến chúc Tết tại các gia đình, bà Mollie rất bất ngờ và hạnh phúc vì ở đâu bà cũng được chào đón nồng hậu. Được quây quần bên gia đình người Việt, rồi những thứ như bánh chưng, bánh tét, phong bao lì xì… đối với bà vô cùng ấn tượng.

Khi nói về cái Tết đầu tiên này, bà Mollie cười: “Tôi đã được đón một cái Tết thật ấm cúng khiến tôi vơi đi nỗi nhớ gia đình trong khoảnh khắc đón chào năm mới. Ở đây tôi có những người bạn Việt Nam vô cùng tuyệt vời”. Bà Mollie cho biết, sau cái Tết này, có thể bà sẽ rời Đà Nẵng để làm tình nguyện viên cho nước khác, nhưng những gì bà có ở Đà Nẵng, được giảng dạy cho các em học viên nghèo, được đón Tết cùng với gia đình Việt Nam chắc chắn sẽ là những kỷ niệm đặc biệt mà nếu một ngày rời xa nơi đây, bà cảm thấy rất quyến luyến và nhớ nhung.

Bà Mollie hy vọng ngày tết sẽ cùng các em ở Trung tâm REACH lên kế hoạch cho chuyến đạp xe du lịch quanh thành phố.
Bà Mollie hy vọng ngày tết sẽ cùng các em ở Trung tâm REACH lên kế hoạch cho chuyến đạp xe du lịch quanh thành phố.

Cũng giống như bà Mollie, William Reginald Coward (người Mỹ) đến Việt Nam trong vai trò tình nguyện viên của một tổ chức từ thiện. Ý định ban đầu của ông William là sẽ hỗ trợ công việc từ thiện trong một thời gian ngắn, thế nhưng vừa đặt chân đến dải đất hình chữ S xinh đẹp này, ông đã phải lòng và nên duyên vợ chồng cùng với một cô gái Việt Nam. Đầu năm 2001, William đến Đà Nẵng và sáng lập nên tổ chức từ thiện mang tên “LOVE” (Thể hiện tình yêu Việt Nam) giúp đỡ cho các em nghèo trên địa bàn thành phố có cơ hội được cắp sách đến trường. Nhiều trường hợp được LOVE hỗ trợ thường xuyên không chỉ giúp các em sắm được quyển vở, cây bút, có tiền đóng học phí mà còn tạo động lực về tinh thần để các em cố gắng vươn lên trong học tập.

Đã 13 năm trôi qua, 13 năm đồng hành với LOVE, William xem Đà Nẵng là quê hương thứ 2 của ông, vì ở đây ông có cả một gia đình. Ông không còn thấy mình xa lạ giữa mảnh đất này như những ngày đầu tiên nữa mà nhận mình là một người dân Đà Nẵng thực thụ. Khi nói về cái Tết cổ truyền của người Việt, William chia sẻ nhiều cảm nhận thú vị. Năm nào ông cũng muốn chuẩn bị cho gia đình một cái Tết thật tươm tất và theo đúng truyền thống của người Việt Nam. “Ngày thường, chúng tôi phải bận rộn làm việc nên không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng trong những ngày Tết, tất cả công việc đều được gác lại để chúng tôi có thời gian dành cho gia đình và bạn bè hơn. Chúng tôi cùng trò chuyện, chia sẻ những chuyện đã xảy ra trong một năm và nhất là được thoải mái chuẩn bị đón Tết theo phong tục Việt Nam”, William chia sẻ.

Điều thú vị nhất mà người nước ngoài cảm nhận ở Việt Nam chính là một cái Tết sum họp với gia đình, mọi người đi thăm hỏi, chúc Tết và cùng nấu cho nhau những món ăn ngon. John Lidbetter (người Anh) sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng gần 5 năm nay, anh cũng có vợ là người Việt và đang giảng dạy tại Viện Anh ngữ Đà Nẵng ELI. Tết Việt đối với John mang nhiều màu sắc huyền bí vì với anh cái gì cũng lạ mắt, vui tai. Từ những đứa trẻ mặc áo mới được nhận lì xì, đến việc cùng bạn bè đi chúc Tết ở các gia đình đã khiến John cảm nhận về một cái Tết Việt thật khác lạ so với đất nước của anh. John háo hức: “Mỗi cái Tết, tôi khám phá thêm một điều mới lạ và mọi thứ trong mắt tôi đều rất tuyệt vời. Đặc biệt là tôi rất thích thưởng thức những món ăn truyền thống nơi đây”. Anh John cho biết, mỗi dịp Tết đến, anh cùng gia đình sắm sửa và trang hoàng nhà cửa như chào đón một cuộc sống mới vì mọi thứ đều được dọn dẹp sạch sẽ.

Trong không khí đoàn tụ của năm mới, cộng đồng người nước ngoài ở Đà Nẵng được đón một cái Tết theo đúng kiểu Việt Nam. Dù chỉ gắn bó thời gian ngắn như bà Mollie hay quyết định sinh sống tại Đà Nẵng như ông William và anh John, nhưng ai cũng háo hức được gặp gỡ một nét đẹp truyền thống của người dân Việt.

HOÀNG HÂN

.