Báo Đà Nẵng Xuân 2015
Tản mạn Đà Nẵng Tết Ất Mùi 2015
Hồi anh Nguyễn Bá Thanh còn làm Bí thư Thành ủy, thỉnh thoảng cao hứng anh thường hay kể câu chuyện ba người họa sĩ được triệu vào cung để vẽ chân dung một ông vua vừa thọt chân vừa chột mắt.
Bảo tồn văn hóa dân tộc - tiền đề của sự phát triển bền vững. Trong ảnh: Rước sắc tại Lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: HUY ĐẰNG |
Người họa sĩ đầu tiên đã không thoát khỏi án chém nghiệt ngã khi vẽ chân dung nhà vua vừa thọt vừa chột. Người họa sĩ thứ hai thấy vậy liền vẽ chân dung nhà vua không chột cũng không thọt, nhưng vẫn chẳng thể giữ được mạng sống vốn đang mong manh giữa đường ranh sinh-tử. Số phận người họa sĩ thứ ba sẽ ra sao khi mà đồng nghiệp của anh ta vẽ đúng những gì chứng kiến cũng chết mà vẽ không đúng những gì tận mục sở thị cũng mất đầu?
Kết cục người họa sĩ thứ ba được nhà vua trọng thưởng, bởi anh này biết phát huy lợi thế đi sau khi chọn cách ứng xử nghệ thuật cho bức tranh của mình: anh ta vẽ chân dung nhà vua đang cưỡi ngựa với một chân thúc vào hông ngựa - đương nhiên chỉ có cái chân không bị thọt là hiện lên trên cận cảnh - và đang nheo mắt bắn cung - đương nhiên con mắt nheo nheo đó chính là con mắt chột.
Xem bức tranh của người họa sĩ thứ ba, hẳn nhà vua nhận thấy người họa sĩ này đã quan sát thấu đáo khuyết tật của ông, đồng thời cũng nhận ra anh ta biết khéo che giấu những khuyết tật ấy trong thế giới nghệ thuật tạo hình.
Và người từng đứng đầu Đảng bộ thành phố sôi nổi bình luận: Muốn Đà Nẵng thực sự phát triển như mong đợi, người Đà Nẵng cần phải dũng cảm chấp nhận sự thật - một sự thật bao gồm cả những khuyết tật trong quá trình phát triển - thể hiện qua bức tranh của người họa sĩ thứ nhất; mặt khác cần cảnh giác không chỉ với bức tranh không đúng sự thật của người họa sĩ thứ nhì - điều đó đã đành - mà cả với bức tranh mới đúng một nửa sự thật của người họa sĩ thứ ba.
Ảnh: Huỳnh Nam Đông |
Chính nhờ dám dũng cảm chấp nhận sự thật - một sự thật bao gồm cả những khuyết tật trong quá trình phát triển - nên ngay sau khi tỏ rõ quan điểm không đồng tình với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế về vụ Công ty CP Thế Diệu triển khai dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế tại mũi Cửa Khẻm trên Hải Vân, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chủ động rà soát các dự án thuộc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Silver Shores và đã cho dừng dự án chuyên canh trồng rau sạch cung cấp cho khu du lịch Silver Shores ở một khu vực thuộc xã Hòa Phong được cho là nằm trong vùng nhạy cảm về quốc phòng; đã quyết định không cấp giấy phép cho dự án tàu lặn đáy kính ngắm san hô tại khu bán đảo Sơn Trà và mở rộng phạm vi du thuyền 20 hải lý - cũng do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Silver Shores đề xuất; đã yêu cầu chủ đầu tư hạ độ cao gần hai chục mét đối với dự án xây dựng ký túc xá cho nhân viên Silver Shores tại phường Hòa Hải, do vị trí công trình nằm giữa hai trận địa pháo phòng không.
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng quyết định không cấp giấy phép tổ chức các hoạt động trên không như bay mô hình, bay tàu lượn, ca-nô kéo dù bay, thả khinh khí cầu... đối với dự án khu phức hợp bến cảng du thuyền sông Hàn thuộc khu vực cảng cá Thuận Phước trước đây…
Đó là chưa kể trước khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, Đà Nẵng đã mạnh tay rà soát và cho tháo gỡ các bảng hiệu quảng cáo bằng tiếng Hoa dày đặc trên một số tuyến đường trong thành phố. Điều này cho thấy Đà Nẵng ngày càng nhận thức và hành động vì sự phát triển bền vững và vì lợi ích tối thượng của quốc gia.
Có hai loại quảng cáo: quảng cáo có ý thức và quảng cáo không có ý thức. Sóng truyền hình chiếu toàn phim Hàn, phim Tàu… suốt ngày đêm, nhà sách bán đầy tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc… chính là quảng cáo không có ý thức cho những ý đồ xâm lăng bằng văn hóa, làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững và lợi ích tối thượng của đất nước.
Thời đại toàn cầu hóa/thế giới phẳng hiện nay đòi hỏi người Việt nói chung, người Đà Nẵng nói riêng phải mở rộng giao lưu văn hóa, phải xem nhiều phim nhiều sách nước ngoài hơn nữa. Thế nhưng vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý văn hóa là phải biết gạn đục khơi trong, phải góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ/thị hiếu nghệ thuật của người xem/người đọc.
Đèo Hải Vân. Ảnh: Huỳnh Hà |
Chính vì thế mà trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, người Đà Nẵng vừa đầu tư để hoàn thành một thư viện hoành tráng bên bờ sông Hàn, vừa gầy dựng - từ nhen nhóm đến làm bùng cháy - niềm đam mê đọc sách, lại vừa nâng cao thị hiếu thẩm mỹ/thị hiếu nghệ thuật trong việc chọn sách/chọn phim…
Có thế mới hình thành được cái mà chúng ta hay gọi là văn hóa đọc. Hoàn thành một thư viện hoành tráng là việc cũng không dễ, không chỉ có tiền mà được, nhưng dẫu sao cũng không khó bằng gầy dựng niềm đam mê đọc sách và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ/thị hiếu nghệ thuật, bởi một bên là tính từng năm còn một bên là tính từng thế hệ.
Đây thực chất là một cuộc thi chạy tiếp sức của các thế hệ trên đường đua lịch sử, nếu không muốn đùn đẩy gánh nặng cho con cháu trong mai hậu, các thế hệ đi trước phải nỗ lực làm hết sức mình vì tương lai của các thế hệ đi sau, không nên cho rằng đã là việc lâu dài thì đời mình không làm, đời sau sẽ làm. Trong các thứ thua chị kém em, thua kém về văn hóa là thứ thua kém nặng nề nhất, dai dẳng nhất và đáng xấu hổ nhất.
BÙI VĂN TIẾNG