Báo Đà Nẵng Xuân 2015

Tàu ngầm Đà Nẵng

14:19, 09/02/2015 (GMT+7)

Chiếc tàu thứ 5 mang tên Đà Nẵng trong loạt 6 tàu ngầm lớp Kilo do Nga đóng cho Hải quân Việt Nam theo một hợp đồng được ký năm 2009 trong chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được làm lễ hạ thủy vào ngày 28-12-2014. Tôi may mắn được tháp tùng cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đến tận nhà máy để dự buổi lễ trọng thể này.

Tàu HQ 186-Đà Nẵng tại nhà máy Admiralteiskiye Verfi trong ngày hạ thủy 28-12-2014. Ảnh: V.C.T
Tàu HQ 186-Đà Nẵng tại nhà máy Admiralteiskiye Verfi trong ngày hạ thủy 28-12-2014. Ảnh: V.C.T

Nhà máy đóng tàu

Nhà máy đóng tàu ngầm cho Việt Nam có lịch sử hình thành hơn 310 năm. Chính xác nhà máy này ra đời vào năm 1704 do đích thân Sa hoàng Peter Đại đế thành lập. Tuổi của nhà máy chỉ thua tuổi của thành phố Saint Petersburg cổ kính một năm. Nhà máy này đã đóng chiến hạm Rạng Đông, trọng tải 6.731 tấn, hạ thủy năm 1903, đến nay chiến hạm này đã 112 năm tuổi. Cũng chính nhà máy này đã đóng chiếc tàu phá băng mang tên V.I. Lenin chạy bằng năng lượng nguyên tử đầu tiên trên thế giới.

“Nhà máy của chúng tôi là nhà máy đầu tiên trên thế giới đóng tàu ngầm. Hiện nay, nhà máy đóng được tất cả các loại tàu, trừ tàu sân bay chưa đóng và đã đóng hơn 1/3 các loại tàu chiến lược của Hải quân Nga”, Lutmila, cô thuyết minh viên xinh xắn của Bảo tàng nhà máy, tự hào nói với chúng tôi như vậy.

Ngày nay, nhà máy mang tên Admiralteiskiye Verfi, nằm trong tổ hợp sản xuất vũ khí xuất khẩu của Nga. Từ sau khi sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, nhà máy đã đóng và xuất xưởng hơn 2.500 tàu chiến, tàu ngầm, tàu buôn và tàu nghiên cứu các loại. Riêng năm 2014, cùng hạ thủy với tàu ngầm Đà Nẵng, Admiralteiskiye Verfi đã lập kỷ lục đóng, hạ thủy và bàn giao 12 tàu ngầm Kilo khác cho Hải quân Nga và Việt Nam.  

Giám đốc nhà máy phát biểu tại Lễ hạ thủy  tàu HQ 186 - Đà Nẵng. Ảnh: V.C.T
Giám đốc nhà máy phát biểu tại Lễ hạ thủy tàu HQ 186 - Đà Nẵng. Ảnh: V.C.T

Tàu ngầm Đà Nẵng

Tàu ngầm Đà Nẵng được khởi đóng ngày 1-7-2013, dự kiến hoàn thiện, đưa về nước và chính thức hoạt động trong đội hình Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam vào đầu năm 2016. Đây là loại tàu ngầm điện – diesel cỡ lớn do Cục Thiết kế hàng hải Trung ương Rubin (Nga) nghiên cứu chế tạo. Tên gọi chính thức của Nga đặt cho lớp tàu ngầm này là Project 636 (Đề án 636); có một phiên bản tối tân hơn, được gọi ở phương Tây là Kilo cải tiến và ở Nga là Project 636 Varshavyanka.

Tàu ngầm lớp Kilo cải tiến được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, có nhiều cải tiến về kính tiềm vọng, ắc-quy, các trang bị điện tử, ngói khử âm, hệ thống duy trì sự sống cho thủy thủ trên tàu, đồng thời có hỏa lực mạnh hơn so với các tàu ngầm cùng lớp sản xuất trong các dự án trước đó. Các tàu ngầm loại này được trang bị rất hiện đại, cho phép tích hợp những vũ khí mới, tối tân nhất, có thể mở rộng rõ rệt quy mô và khả năng tiêu diệt mục tiêu.

Tàu ngầm này được trang bị tên lửa hành trình đối đất loại mới nhất, có tầm bắn 290km cực kỳ lợi hại, một đòn tiến công tàng hình từ dưới mặt nước, rất khó bị phát hiện và đánh chặn; được trang bị radar dẫn đường phức hợp đa tác dụng, có ưu điểm lớn nhất là giảm tối đa tạp âm trong môi trường nước và giúp đa dạng hóa biện pháp dẫn đường.

Một trong những “mắt thần” của lớp tàu ngầm này là kính tiềm vọng - được trang bị hệ thống thám trắc quang học và các thiết bị đo cự ly bằng tia laser và hệ thống quan trắc TV, IR. Điều đó có nghĩa năng lực tác chiến ban đêm và độ chính xác từ đòn đánh của tàu ngầm Kilo cải tiến là rất cao.

Tàu ngầm lớp Kilo cải tiến có khả năng vận hành rất êm, rất khó phát hiện, phương Tây gọi là “lỗ đen đại dương” bởi khả năng “biến mất” rất nhanh của nó. Tàu ngầm loại này rất thích hợp trong nhiệm vụ tuần tra và trinh sát, tác chiến chống ngầm và chống hạm, bảo vệ các căn cứ hải quân, khu vực duyên hải và các tuyến đường trên biển.

Có thể khẳng định, với loạt tàu này, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có một loại vũ khí “tàng hình” có khả năng tấn công toàn diện đối không, đối hải, đối đất rất mạnh, một lợi khí trong tác chiến biển, một trang bị phòng thủ từ xa rất hữu hiệu để bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích hải dương của Việt Nam.

Theo thông lệ bất thành văn của các nước, tàu ngầm được mang tên các thành phố lớn hoặc các danh nhân. Loạt tàu này của Hải quân được mang tên các tỉnh, thành phố lớn ven biển Việt Nam. Lần lượt là HQ 182 mang tên Hà Nội, sau đó là HQ 183 – thành phố Hồ Chí Minh, HQ 184 – Hải Phòng, HQ 185 – Khánh Hòa, HQ 186 – Đà Nẵng và HQ 187 – Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong lễ hạ thủy HQ 186, người ta dựng một tấm bảng thật to có kẻ trang trọng dòng chữ “ĐÀ NẴNG” bên cạnh con tàu, cả kíp tàu gồm 52 cán bộ, chiến sĩ trong quân phục Hải quân đứng dọc theo thân tàu. Đó là giây phút lịch sử định danh cho con tàu – tàu Đà Nẵng.

Thăm nơi ở của kíp tàu Đà Nẵng.
Thăm nơi ở của kíp tàu Đà Nẵng.

Kíp tàu

Tàu ngầm là loại tàu chiến đặc biệt tinh nhuệ lần đầu tiên quân đội ta được sở hữu. Vì vậy, ngoài việc phải xây dựng từ đầu các cơ sở hạ tầng hậu cần, kỹ thuật, huấn luyện cho riêng nó và phục vụ công tác hiệp đồng tác chiến với các quân binh chủng khác, việc đào tạo đội ngũ thuyền viên trên tàu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Quân đội đã đầu tư đào tạo những kíp thủy thủ đặc biệt tinh nhuệ cho lữ đoàn tàu ngầm, đồng thời dành nhiều sự quan tâm tới chế độ đãi ngộ cho lực lượng này.

Sau một khóa huấn luyện chung, các sĩ quan, thủy thủ kíp tàu được trực tiếp thao tác, thực hành ngay trên con tàu mà mình làm chủ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sau đó độc lập khai thác, vận hành, làm chủ tàu dưới sự giám sát chặt chẽ của các giáo viên nước ngoài. Tính kỷ luật được đặt ra rất cao đối với các thủy thủ trong quá trình khai thác, sử dụng. Sau khi làm chủ, vận hành được tàu ngầm, các thủy thủ phải tiếp tục được huấn luyện nâng cao về kỹ, chiến thuật khi tác chiến trên biển. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao ý thức học tập cũng như khả năng tiếp thu nhanh của các học viên Hải quân Việt Nam.

Kíp tàu Đà Nẵng đang huấn luyện tại Nga có 62 người. Tất thảy các anh đều rất trẻ và đã sang đây huấn luyện từ hơn một năm nay. “Vượt qua quá trình tuyển chọn để trở thành lính trên tàu ngầm là một thử thách rất nặng nề, nhưng được tuyển rồi, mỗi thủy thủ còn phải có quá trình khổ luyện hết sức gian nan, không ngừng trau dồi thể lực, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tâm lý cũng như bản lĩnh thật vững vàng để có thể vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Đại úy Nguyễn Thành Vinh, Thuyền trưởng tàu Đà Nẵng, quê ở Hải Phòng nói với tôi như vậy.

Thủy thủ trẻ nhất trong kíp tàu sinh năm 1991 không giấu vẻ tự hào, nói: “Tuy gian khổ như vậy, nhưng được đứng trong hàng ngũ lính tàu ngầm là một vinh dự ít người có được, nên chúng em phải rất cố gắng, năm 2014 đơn vị chúng em được công nhận là “Đơn vị Quyết thắng”.

Có thể nói, sở hữu tàu ngầm Kilo thế hệ mới đối với Hải quân Việt Nam là một bước ngoặt thực sự, nó đã mở rộng phạm vi hoạt động của Hải quân Việt Nam từ gần bờ ra xa bờ, từ trên mặt nước xuống tận đáy biển. Với 6 tàu ngầm Kilo làm nòng cốt, có thể làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng tàu mặt nước và các lực lượng khác trong thế trận Hải quân Nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích trên biển của Việt Nam.

Một tàu ngầm mang tên Đà Nẵng là niềm tự hào, trân trọng của Đảng bộ và nhân dân thành phố và cũng là niềm tự hào của thủy thủ trên tàu. Tuy không phải lúc nào cũng được ở gần, không phải lúc nào cũng có thông tin đầy đủ về con tàu, nhưng trong tâm trí, suy nghĩ, Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng luôn hướng về con tàu của mình với tình cảm rất trân trọng, rất đặc biệt.

Riêng tôi vẫn thầm mong  một ngày không xa, Hải quân Việt Nam sẽ có thêm những con tàu hiện đại hơn và sẽ có tàu mang tên Hoàng Sa – huyện đảo thân yêu của thành phố Đà Nẵng.

VÕ CÔNG TRÍ

.