Báo Đà Nẵng Xuân 2015

Tiếng mùa xuân

06:37, 19/02/2015 (GMT+7)

Tôi sinh ra và lớn lên ở một cái làng nhỏ nằm chơ vơ giữa bốn bề đồng nước. Làng Trại của tôi, cho đến khi tôi biết, vẫn nghèo lắm.

Có những người gần như cả đời cứ lầm lụi bằng cách vắt kiệt sức mình. Quá nửa thời gian họ cặm cụi đào bới ngoài đồng, chẳng mấy khi được thanh thản nhìn lên trời để suy ngẫm về những điều huyền bí của vũ trụ.

Giang sơn của tôi khép lại sau những lũy tre làng quanh năm xác xơ vì gió. Hằng ngày, như những đứa trẻ khác trong làng, tôi cũng thường xuyên có mặt bên gốc cây bàng già. Mỗi mùa một trò. Chúng tôi leo trèo bắt cồ cộ, chơi trận giả, hái những quả bàng chín gặm cùi, đập hạt khều lấy nhân trắng như sữa nhấm nháp một cách ngon lành. Chẳng có thứ cao lương mỹ vị gì sánh được với vị bùi béo chết người của nhân hạt bàng già.

Cây bàng là bạn thuở thiếu thời của bầy trẻ chúng tôi, hết lứa này sang lứa khác. Người lớn kể rằng dưới gốc cây bàng là ngôi mộ chung của mấy chục người chết đói năm Ất Dậu (1945). Những linh hồn đói khát chưa được siêu độ không chịu tan đi, cứ tụ thành từng đám chướng khí vơ vẩn bay khắp làng. Nghe nói đêm đêm lũ hồn ma ấy bám lúc lỉu trên cành bàng, nhe nanh hù dọa người đi đường. Để giải sầu, chúng thường ném cát hoặc thè lưỡi đỏ lòm trêu ai đó yếu bóng vía mỗi khi họ qua đó một mình vào ban đêm. Chúng tôi nghe mà xanh mắt mèo.

Nhưng những chuyện rợn người như vậy bỗng chẳng có gì đáng sợ khi tiếng mùa xuân dậy lên làm sáng bừng cả trời đất. Như có phép lạ, chỉ sau một đêm, cây bàng đang ủ rũ suốt mùa đông bỗng râm ran cựa mình. Cái vỏ sù sì trở nên chật chội, đáng ghét, không thể chịu được. Hàng vạn chiếc búp xinh xinh đồng loạt nhú ra từ khắp các cành bàng khẳng khiu tưởng không còn sức sống. Cũng là lúc từng đàn chim ở đâu tìm về như có cuộc hẹn hò từ kiếp trước. Chúng tha rác sửa sang lại tổ, ríu rít trò chuyện.

 Độ hơn một tháng như thế, kịp cho tán bàng xòe ra như chiếc ô, bầy chim non vỡ bọng cứt bắt đầu tập bay, chấp chới chuyền cành trong nỗi lo thảng thốt của bố mẹ chúng.

Đám trẻ chúng tôi-dù tiếc đứt ruột-cũng phải bỏ cây bàng lại để theo bố mẹ xuống đồng trong tiếng giục giã của trống hội. Ngoài giờ đến lớp, đứa nào trong chúng tôi cũng có việc. Sau một ngày thường là mệt lử, tôi lùa đàn ngỗng sư tử vào chuồng rồi đứng tựa cửa xem cây ngủ. Bạn có tin hay không thì tùy nhưng tôi có cảm giác nghe được lời hoan hỉ của cây cối mỗi khi những hạt mưa xuân, chỉ đủ làm buồn buồn nơi cổ, rơi như rắc bột. Ngoài rặng cúc tần bầy đom đóm lập lòe như hoa cải.

Tiếng người giục trâu bò, tiếng gà vịt lên chuồng, tiếng băm chặt và họa lắm mới có tiếng mỡ nóng nổ xèo xèo... làm ấm cả người. Tất cả những âm thanh ấy, vào mùa xuân cứ có cái gì đó thật đặc biệt. Nó không chỉ êm đềm và da diết mà còn gợi sự nuối tiếc nữa. Nuối tiếc sao chẳng thể kéo dài mãi khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Nuối tiếc sẽ đến ngày tuổi thơ bỏ ta ra đi, không còn nghe được lời mùa xuân thầm thì nơi liếp cửa mỗi khi đêm về đem theo cả hương thơm. Và cho dù đã lớn, đã có thể đến những miền đất xa xôi, ký ức tôi vẫn luôn quay về với cái làng nhỏ của mình.

Dường như chỉ ở đấy tôi mới nghe được tiếng mùa xuân ngay từ khi trời đất cựa mình thức dậy sau một mùa đông dài lạnh lẽo u buồn.

TẠ DUY ANH

.