Báo Đà Nẵng Xuân 2015

Đà Nẵng và tôi

17:57, 18/02/2015 (GMT+7)

Mối “lương duyên” giữa tôi và Đà Nẵng có lẽ là một trong những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời. Nó cứ tới tự nhiên, mặn đằm dần theo ngày tháng, cho đến khi nó tựa như một phần máu thịt trong tôi từ khi nào…

Yên bình trong sớm mai. Ảnh: N.HỢI
Yên bình trong sớm mai. Ảnh: N.HỢI

Lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng là lần hướng dẫn sinh viên đi thực tập vào năm 1980. Thầy trò chúng tôi được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đón tiếp chu đáo. Tôi còn nhớ như in, bà Nguyễn Thị Lãnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đã ân cần lo nơi ăn, chốn ở cho chúng tôi. Sinh viên được bố trí tạm trú suốt cả tháng tại khu nhà hình như trước đây dành cho phi công Mỹ; còn thầy thì được ăn, ở miễn phí tại khách sạn Đà Nẵng và đến cơ quan nào cũng được đón tiếp niềm nở. Đó là cảm giác khó quên. Cái ấn tượng ban đầu đó đậm sâu một cách lạ kỳ, chẳng thể nào không mến, không yêu những con người của vùng đất này.

Đà Nẵng thuở đó còn “hoang dại” lắm. Từ chân đèo Hải Vân, xe chạy suốt cả chục cây số mà chỉ có bãi tha ma và mồ mả…

Rồi kỷ niệm với Đà Nẵng trong tôi cứ nhiều lên cùng với sự nặng sâu của vô vàn lần gặp gỡ khó quên. Hai năm sau đó, tôi đến Đà Nẵng nhiều hơn để viết cuốn Lịch sử xã Điện Thắng (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), quê hương của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Sau này đi nhiều nơi nhưng tôi có cảm giác chẳng nơi đâu gạo ngon như Điện Thắng mặc dù bữa ăn thường chỉ có rau, cá mụn, muối mè, còn thịt thì năm thì mười họa mới có vài miếng.

Khi đưa sinh viên thực tập ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, tôi có dịp đọc vô số hồ sơ cũ. Trong hàng trăm chồng tài liệu đó, có một dòng tin từ Ban 2 (mật thám, an ninh quân đội) thuộc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, Vùng 1 chiến thuật: “Con gái của Đại tá - Thị trưởng Đà Nẵng có quan hệ với một sĩ quan đang bị tình nghi là Việt Cộng nằm vùng”. Chỉ có bấy nhiêu chữ thôi như đủ để tôi viết hai cuốn tiểu thuyết khá “nặng tay” về Đà Nẵng. Đó là cuốn Em biết anh là ai (300 trang, in năm 1990, NXB Đà Nẵng), cuốn Tro và lửa lạnh (370 trang, NXB Khánh Hòa, 1991). Nội dung xoay quanh câu chuyện tình giữa con gái của Đại tá - Thị trưởng Lê Trí Tín (tên thật của viên đại tá đó, thời điểm đó) là Lê Thị Cẩm Chi và sĩ quan tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam Vũ Khuê.

Ảnh: HOÀN VŨ
Ảnh: HOÀN VŨ

Về sau, khi không còn cảm hứng để viết sách dày, tôi chuyển sang viết truyện ngắn. Hoàng hôn biển là truyện ngắn đầu tay kể về “mối tình” của một thầy giáo trẻ với một cô sinh viên người Đà Nẵng. Mối tình đó từ khi chớm nở đến khi kết thúc chỉ trong một thoáng nhập nhoạng buổi… hoàng hôn. Truyện ngắn thứ hai tên là Con cánh cam, được viết trong khung cảnh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phân viện Đà Nẵng, khi tôi đến để dạy môn Lịch sử thế giới cổ trung đại

Dông dài như thế nhân dịp đầu Xuân để nói rằng, Đà Nẵng và tôi nhiều ân tình lắm. Trong suốt nhiều năm, có lẽ có đến 1/5 số bài báo mà tôi đã viết (khoảng 2.000 bài) được đăng trên Báo Đà Nẵng và Báo Công an Đà Nẵng.

Cách đây hơn 10 năm, tôi viết hai bài mà tôi tâm đắc nhất nhân dịp con đường Nguyễn Tất Thành - đường phố dài nhất Việt Nam - mới mở và nhân dịp cầu Sông Hàn khánh thành. Đó là bài Đà Nẵng, hôm qua, hôm nay và ngày mai; bài Đà Nẵng và những cây cầu. Ngày đó, tôi dự cảm gần như chắc chắn rằng sẽ đến một ngày Đà Nẵng là một thành phố đẹp, đáng yêu, đáng sống…

Những tin vui cứ lần lượt đến. Tốc độ phát triển nhanh, chỉ số minh bạch nhiều năm nhất nhì cả nước, những cây cầu mới ngày càng đẹp hơn… Trước thềm Ất Mùi 2015 là những tin vui khác như hình thành những tuyến phố chuyên doanh: phố thời trang Lê Duẩn, phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng. Đặc biệt, Đà Nẵng được tạp chí uy tín về du lịch TripAdvisor của Mỹ xếp hạng thứ nhất trong 10 thành phố mới nổi tốt nhất hành tinh. Đánh giá khách quan từ một nơi rất xa cho thấy sự thành công của một thành phố năng động. Thành công này minh chứng nhiều điều và điều quan trọng nhất có lẽ là chúng có thể xây dựng được một thành phố mẫu mực theo chuẩn mực quốc tế!

Ngày cuối năm, đọc báo, biết ý tưởng của bà Lê Thị Nam Phương, đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng, về việc nên có một cây cầu tình yêu cho Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung, với tôi, đó thật sự là một niềm vui lớn. Chuyện cụ thể về cây cầu thì lãnh đạo thành phố và các nhà chuyên môn sẽ bàn, sẽ tính nhưng tôi đoan chắc rằng, không riêng gì tôi mà Đà Nẵng từ lâu rồi đã là cây cầu, nhịp cầu tình yêu của hàng triệu trái tim.

HÀ VĂN THỊNH

.