Báo Đà Nẵng Xuân 2015
Mùa xuân trên những mái đình
Sau khi lãnh đạo thành phố đặc biệt chú trọng đầu tư văn hóa, việc trùng tu, tôn tạo những đình làng xuống cấp đã được “tăng tốc”.
Đình Đa Phước và 25 bậc cấp mở xuống đường số 1 KCN Hòa Khánh. Ảnh: T.L |
Tết này, dưới những mái đình, dù rêu phong hay còn thơm nồng mùi vôi vữa, sẽ chan hòa một tự tình dân tộc qua những lễ lạt đậm nét văn hóa cổ truyền.
10 năm nay, từ khi được đại diện 22 họ tộc - trong đó có “tứ đại tộc” là Đinh, Lê, Phùng, Phạm - bầu vào chức Chánh bái, cụ Đinh Kiên mỗi khi Tết đến lại bận rộn nhiều hơn với việc làng ở đình Đa Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Mấy năm trước còn đình tạm, việc cúng tế đơn giản hơn nhiều. Giờ, ngôi đình mới vừa được xây dựng với kinh phí gần 2 tỷ đồng (từ quỹ làng, nguồn vận động các họ tộc, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn), việc cúng tất niên, đón giao thừa đối với ông lão đã bước qua tuổi bát tuần này càng thêm phần tất bật.
Áp phù điêu bên mái hiên đình Đại La. Ảnh: T.L |
Ngày trước, làng Đa Phước được trí hơn tám mẫu ruộng nhất đẳng điền, hoa lợi thu được bao nhiêu đều dành hết cho cúng tế xuân thu nhị kỳ ở đình. Thời thơ trẻ, cụ Kiên đã từng theo chân cha mình mang lễ vật đến cúng đình ngày Tết cùng với các họ tộc khác. Đình bị Pháp, rồi Mỹ đánh phá, bẵng đi một thời gian dài lễ Tết hằng năm chỉ vài nén hương với mấy lễ phẩm bông hoa, trà, quả.
Giờ thì ngôi đình mới tính theo kích thước giọt nước rơi rộng đến 300m2 này đã đặt con dân mọi họ tộc vào một tâm thế mới. Ông Nguyễn Đức Toàn, trưởng ban xây dựng đình Đa Phước, cho biết đình đã làm lễ An vị hôm tháng 9 âm lịch vừa rồi, Tết này làng sẽ làm lễ đón giao thừa đầu tiên trong ngôi đình mới để chuẩn bị ngày 14-3 Ất Mùi sẽ làm lễ khánh thành vào đúng dịp tế Xuân của làng.
Cũng là việc làng, nhưng cụ Chánh bái Nguyễn Văn Hoanh ở đình Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, lại có mối lo khác. Cụ chỉ vừa nhậm chức được hơn năm, thay vị Chánh bái cũ có chuyện nhà không được tinh nghiêm, nên mọi việc đối với cụ quá mới. Mới nhất là việc đình Đại La đang được xây dựng gấp rút cho kịp đón Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Dựng hình tượng rồng trên nóc đình Đại La. Ảnh: T.L |
Đình Đại La ra đời khoảng 150 năm nay, qua hai lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét xưa như rồng có dáng mềm mại, tư thế đẹp. Khi Dự án đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà (30km) được triển khai, chư phái tộc có nguyện vọng dời lui đình khoảng 20m để có sân dành cho các hoạt động lễ hội và hoàn thành đình mới để năm nay đón Tết sum vầy, ấm cúng.
Nguyện vọng của dân làng và nhà đầu tư đã gặp nhau. Ông Phạm Quốc Quân, Trưởng ban quản lý Dự án cho hay nếu không sớm di dời đình thì khó có thể hoàn thành tuyến đường để kịp khánh thành vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-2015. Để tháo gỡ khó khăn trong việc bàn giao mặt bằng, theo ông Quân, lãnh đạo thành phố đã đồng ý cho đơn vị được trực tiếp tổ chức hạ giải, di dời và xây mới đình có sự tư vấn của ngành văn hóa với tổng mức kinh phí dự toán khoảng 1 tỷ đồng.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhựt (Mười Nhựt) cùng các cộng sự gấp rút xây dựng đình với sự giám sát của đại diện chư phái tộc trong làng. Sau khi đình được xếp hạng di tích cấp thành phố (năm 2007), dân làng đã tổ chức hai kỳ lễ hội. Nhìn ngôi đình mới gần đến bước hoàn thiện, cụ Hoanh Chánh bái rất vui: Cuối tháng Chạp này sẽ làm lễ An vị rồi đón giao thừa trong đình mới, qua Tết sẽ khánh thành vào lễ Cầu an 12-3 âm lịch. Cái đình cũ già sụm, chừ có cái mới trẻ măng, năm nay làng Đại La ăn Tết lớn...
Năm 2015: Gần 9 tỷ đồng trùng tu đình Theo lãnh đạo Phòng Kế hoạch Đầu tư – Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, năm 2015 thành phố sẽ dành 8,7 tỷ đồng trùng tu 5 đình làng đang xuống cấp trầm trọng: Đình Khuê Bắc (Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn), đình Hưởng Phước (Hòa Liên, Hòa Vang), đình An Ngãi Đông (Hòa Sơn, Hòa Vang), đình Phong Lệ Bắc (Hòa Thọ Tây, Cẩm Lệ) và đình Trước Bàu (Hòa Nhơn, Hòa Vang). |
VĂN THÀNH LÊ