Kể từ SEA Games 26 (2011), Đi bộ Việt Nam gần như thống trị tuyệt đối trên đường đua 20km với sự tỏa sáng của Nguyễn Thị Thanh Phúc. Thế nhưng, không mấy người biết đến “kiến trúc sư” của những thành công vang dội ấy, bởi Trần Anh Hiệp - người kiến tạo những chiếc HCV cho học trò - khá lặng lẽ cả trên sân tập lẫn giữa đời thường…
Trần Anh Hiệp (thứ hai, phải sang) trong niềm vui sau thành công tại SEA Games 2011 với chiếc HCV của Thanh Phúc (thứ tư, phải sang). |
Từng là vận động viên (VĐV) xuất sắc trên đường chạy 800 mét và 1.500 mét nhưng con đường đến với Đi bộ của Trần Anh Hiệp như một cơ duyên, chứ không phải là đam mê sẵn có.
“Điếc không sợ súng”
Chỉ 5 năm sau khi “nhập môn” đường chạy cự ly trung bình, năm 1996, chàng trai 21 tuổi Trần Anh Hiệp được tập trung đội tuyển quốc gia. Hấp lực của đường chạy cuốn hút khiến Hiệp lao vào tập luyện như… điên! Hậu quả, năm 1999, anh phải chia tay sự nghiệp thi đấu bởi chấn thương rất nặng. Đã vậy, khi trở về đơn vị chủ quản là Sở Thể dục-Thể thao (TDTT) thành phố Đà Nẵng, anh bị buộc phải nghỉ việc chỉ bởi ước muốn… học đại học (!). May mắn khi vào thời điểm ấy, HLV Chu Văn Sửa gợi ý Hiệp quay lại quản lý lực lượng VĐV bán chuyên nghiệp chỉ với mức lương 150.000 đồng/tháng.
Được phân công trợ lý cho chuyên gia Trung Quốc Trương Tông Cầu nhưng những bất đồng trong công tác quản lý VĐV khiến mối quan hệ này sớm đổ vỡ. May mắn một lần nữa Hiệp có được “lối thoát” khi Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Nguyễn Văn Tâm đề nghị anh chuyển sang huấn luyện Đi bộ. Không kiến thức, chẳng kinh nghiệm và chỉ dựa vào một số giáo án do HLV kỳ cựu Vũ Thị Ngọc để lại, cùng rất ít kiến thức tiếp nhận từ cựu HLV Nguyễn Văn Tâm, Trần Anh Hiệp “khởi nghiệp” theo kiểu “điếc không sợ súng”, như anh thừa nhận!
Vạn sự khởi đầu nan
Sau thành công ban đầu trong vai trò huấn luyện khi đưa Nguyễn Thị Thanh Thảo giành HCĐ tại giải Năng khiếu mục tiêu 2001, lúc bấy giờ, Trần Anh Hiệp mới thực sự hưng phấn với đi bộ.
Năm 2004, như cơ duyên bởi sau khi VĐV Nguyễn Thị Thanh Diễm xin nghỉ vì hoàn cảnh gia đình, Hiệp lại tiếp nhận cô em là Nguyễn Thị Thanh Phúc rồi cậu em Nguyễn Thành Ngưng. Chỉ sau 1 năm đào tạo, Thanh Phúc giành HCV nội dung chạy 3.000 mét lẫn HCV Đi bộ tại giải Năng khiếu mục tiêu toàn quốc 2005. Sau đó là những thành công liên tiếp trên bình diện quốc gia khi bộ đôi Thanh Phúc và Thành Ngưng gần như không có đối thủ trên đường đua.
Sau chuyến làm nhiệm vụ quốc tế tại SEA Games lần thứ 25 (2009) tại Lào, Hiệp nhận thấy cơ hội giành HCV SEA Games của Đi bộ Việt Nam rất “sáng nước” và liên tục đề xuất để Đi bộ “xuất ngoại”. Đến SEA Games 26 (2011) tại Indonesia, lần đầu tiên Đi bộ Việt Nam với Trần Anh Hiệp cùng Thanh Phúc, Thành Ngưng và Võ Xuân Vĩnh có dịp “trình làng” tại đấu trường khu vực. Bấy giờ, Vũ Thị Hương trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý nên chẳng mấy ai lưu tâm đến đội tuyển Đi bộ.
Đã vậy, mãi đến tối trước ngày thi đấu mới biết địa điểm nên suốt đêm Hiệp chẳng dám chợp mắt và tờ mờ sáng, thầy trò phải lục tục kéo nhau đến địa điểm thi đấu để xem thực địa. Khó khăn là vậy nhưng với chiếc HCV của Thanh Phúc và chiếc HCB của Võ Xuân Vĩnh, Hiệp cùng các học trò đã khẳng định được vị thế của mình ngay trong lần đầu xuất hiện trên đấu trường khu vực.
Không dừng lại, Hiệp cùng “cô học trò ruột” Thanh Phúc hoàn thành mục tiêu hat-trick Vàng SEA Games với 3 danh hiệu vô địch liên tục ở các năm 2011, 2013 và 2015. Ở đấu trường châu lục, Thanh Phúc cũng có được chiếc HCĐ tại giải Vô địch đi bộ 20km châu Á ở Nomi (Nhật Bản) trước khi được góp mặt tại Olympic London 2012 bằng chiếc vé chính thức.
Nỗ lực của Trần Anh Hiệp (trái) và các học trò đã mang lại cho Thanh Phúc (giữa) chiếc Huy chương bạc tại giải Vô địch đi bộ 20km châu Á 2013 và hạng 5 cho Nguyễn Thành Ngưng (phải). |
Vẫn vì nghiệp dĩ
Đi bộ như một hấp lực quá lớn khiến Trần Anh Hiệp quên bẵng chuyện… yêu đương, Có những “bóng hồng” ngang qua nhưng tình yêu của anh hầu như dành trọn cho đường đua và các học trò. Cũng chẳng trách anh bởi công tác huấn luyện, đặc biệt với VĐV nữ, đòi hỏi HLV phải chăm chút cho học trò hết mực, nhất là khi VĐV bước vào giai đoạn chuẩn bị hoặc thi đấu.
Song, duyên số cũng đến khi năm 2009, Hiệp gặp chị Nguyễn Thị Hồng và rồi cả hai nên duyên vợ chồng. Nhưng niềm đam mê công việc vẫn át hẳn mọi thứ. Lắm khi, nhớ lại những chuyến tập huấn kéo dài 8-9 tháng mỗi năm, anh thấu hiểu được nỗi buồn của vợ sau những tháng ngày vò võ một mình. Hiểu được ước muốn làm mẹ của vợ mình, Hiệp cũng mong có con để sợi dây tình cảm bền chặt hơn nữa.
Thế nhưng, chẳng phải muốn là được. Vợ chồng anh những tưởng phải tiến hành thụ tinh nhân tạo thì bất ngờ nhận được tin chị Hồng có thai. “Thực sự, lúc đó, tôi không thể tả được cảm giác của mình khi niềm vui quá lớn. Bởi tôi hiểu, cuộc sống vợ chồng sẽ không thể trọn vẹn nếu chúng tôi không có được hạnh phúc làm cha, làm mẹ”, Hiệp tâm sự.
Bây giờ, Trần Anh Hiệp đã có được hạnh phúc trọn vẹn, dẫu vẫn có lúc anh cảm thấy có lỗi với gia đình. Bởi lẽ, trong những thời khắc quan trọng nhất của gia đình nhỏ khi vợ sinh, rồi lúc đầy tháng hay lần thôi nôi con, anh đều vắng mặt. Tết năm nay cũng vậy. Anh và các học trò đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn Olympic cho Thanh Phúc sau khi giải Vô địch Đi bộ châu Á 2016 kết thúc vào tháng 3-2016. Niềm tin hoàn toàn có cơ sở khi Thanh Phúc từng giành HCĐ rồi HCB ở hai lần tham gia trước đó (2012 và 2013). Mong sao một lần nữa Trần Anh Hiệp cùng Thanh Phúc sẽ tiếp tục thỏa ước nguyện Đi bộ từ Đà Nẵng ra thế giới như từng làm được tại Olympic London 2012…
BẢO AN