.

Đón đoàn nhà văn từ miền Bắc vào Khu V

.

Vào mùa hè năm 1971, số anh chị em viết văn ở Khu V đã ít ỏi lại càng thêm ít ỏi vì nhà văn Chu Cẩm Phong và nhà thơ Nguyễn Mỹ vừa hy sinh. Trong mấy năm từ khi thành lập Hội Văn nghệ giải phóng Khu V (tháng 10-1967) đến lúc đó đã có mấy nhà văn lần lượt hy sinh: Nhà thơ Phan Đình Côn (1968), nhà văn Dương Thị Xuân Quý (1969), nhà văn, nhà báo Đinh Thành Lê (1970). Chúng tôi rất lo vì lực lượng quá ít, không đủ phục vụ các chiến dịch cũng như đi đến các tỉnh xa của khu như Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên. Vừa lúc ấy, nhà thơ Vương Linh (Hải Lê), Bí thư Đảng Đoàn đi họp ở Ban Tuyên huấn Khu về báo tin:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Chúng ta sắp đón một đoàn nhà văn trẻ ở lớp bồi dưỡng viết văn khóa 4, Hội Nhà văn Việt Nam vào bổ sung cho Khu V.

Chúng tôi mừng lắm, vội bàn kế hoạch tiếp đón. Đó là làm sao có một bữa ăn tươi cho anh chị em mới vào bởi mọi người đã trải qua khổ cực, bệnh tật suốt 3 tháng ròng vượt Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Tuy vậy, cơ quan chẳng có tiền bạc, vật chất gì. Anh Vương Linh nói:

- Trước khi đi công tác Quảng Đà, Tiến (Chu Cẩm Phong) có để lại một chỉ vàng mẹ cho năm 1968 để ta đổi heo ăn Tết tới, bây giờ ta chuyển vào cuộc này. Còn thì anh em, ai dành dụm được đồng nào bà con cho khi đi công tác thì góp vào đây để cử người xuống vùng ranh mua muối, mì chính, vải về, vô nóc đồng bào dân tộc đổi heo.

Mười ngày sau, tôi và họa sĩ Hà Xuân Phong được cử đi ngược lên huyện H, Kon Tum để đổi heo cho rẻ vì quanh Trà My, Quảng Nam (nơi Khu đóng) có nhiều cơ quan nên đổi heo sẽ đắt. Tôi mang một gùi vải còn Hà Xuân Phong khỏe hơn nên mang muối và mì chính. Sau 3 ngày đi đường, mất thêm 2 ngày ở huyện H (Kon Tum) chúng tôi đổi được một con heo to khoảng 3 nắm rưỡi (cỡ 30, 40kg) và 10kg gạo. Lúc này, ở cơ quan không còn hột gạo nào. Hà Xuân Phong hí hửng:

- Có ít gạo cho chúng nó có bữa cơm no no chớ đi đường mệt nhọc, vào đây lại ăn dớn (một loại cây dương xỉ, ta vạt vỏ bên ngoài, dùng thân bên trong thay lương thực) thì tội lắm.

Hai đứa tôi lùa heo, cõng gạo về cơ quan. Trên đường về, chúng tôi nghe tin địch càn vào căn cứ, đóng quân ở chỗ này, chỗ nọ. Đoạn đường thường ngày chỉ đi 3, 4 hôm là về tới cơ quan, giờ phải vừa đi vừa lánh giặc nên mất đến gần nửa tháng. Số gạo định “đãi” cho đoàn nhà văn vào Khu V hết vèo. Hà Xuân Phong buồn rầu nói:

- Chán thực, thế này thì lúc chúng nó vào đâu có gạo mà đãi.

Khi heo về đến nhà, mọi người mừng lắm. Nhưng lúc này cơ quan cũng không có gì cho heo ăn, nên chúng tôi quyết định thả rông để heo tự quanh quẩn kiếm ăn.

Vào cuối tháng 9-1971, có tin đoàn nhà văn đã tới Ban Tuyên huấn Khu. Lúc này địch cũng vừa rút. Cơ quan cử nhà thơ Dương Hương Ly lên Ban Tuyên huấn (cách Hội Văn nghệ giải phóng khoảng 2, 3 ngày đi bộ) để đón đoàn về. Nhưng chính lúc này lại một chuyện rủi xảy ra: Sáng đó, em Tam cấp dưỡng chạy đến mếu máo nói với anh Vương Linh:

- Chú ơi, con heo nhà mình đâu mất tiêu rồi, tìm mãi không thấy.

Mọi người bàng hoàng. Anh chị em chia nhau để đi tìm nhưng không thấy: có kẻ đã bắt trộm rồi.

Chúng tôi vừa bực vừa lo vì anh em đoàn nhà văn sắp về rồi. Anh Vương Linh lại nói:

- Thôi, chuyện rủi rủi rồi. Bây giờ anh em mình có gì góp nấy để kiếm một con heo nho nhỏ.

Thế là, người góp quần dài (chỉ còn quần đùi), người góp khăn quàng cổ, người góp thuốc bổ dành dụm lâu nay… Tôi cùng Hà Xuân Phong lại cấp tốc lên Kon Tum đổi heo. Lần này vì hàng đổi có ít nên chỉ được một con heo khoảng chục, mười lăm ký. Vậy mà có còn hơn không.

Tôi không thể kể hết nỗi vui mừng khi chúng tôi và anh chị em nhà văn mới vô gặp nhau thế nào. Tưởng ai xa lạ, nào ngờ toàn các bạn cùng học ở Văn, Sử, Đại học Tổng hợp cả. Chỉ có vài bạn mới: Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Đức Hạt (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Thành ủy Đà Nẵng) là ở trường khác nhưng mọi người cùng hòa vào cuộc vui tay bắt mặt mừng ngay…

Tối hôm ấy, dưới những tấm tăng ni-lông làm nhà nghỉ, chúng tôi râm ran bàn chuyện ngày mai sẽ làm những món gì cho cuộc liên hoan:

- Thịt luộc đi.

- Thịt nướng khoái hơn.

- Làm món giả cầy đi, cho ớt tỏi nhiều vào.

Nhiều phương án được đề ra, nhưng cuối cùng chúng tôi thống nhất là chỉ có thịt luộc và thịt nướng là phù hợp với số gia vị (muối, mì chính) mà cơ quan hiện có mà thôi.

Bữa liên hoan rộn ràng được dọn ra trên những chiếc bàn ăn được bện bằng thân cây. Anh Vương Linh nói:

- Hôm nay cơ quan liên hoan mừng anh chị em nhà văn từ miền Bắc vào tiếp viện cho Khu V. Mong tất cả chúng ta khỏe mạnh, đi thực tế tốt, viết tốt. Bữa nay coi như chúng ta ăn Tết trước vì sắp tới, chúng ta chia nhau đi các chiến dịch và các tỉnh rồi…

Chúng tôi lại vui vẻ mời nhau “ăn cho ấm chân răng”. Trên gương mặt gầy xanh nhăn nhúm vì đói và sốt rét của đồng đội, tôi ngỡ như thấy nét hồng hào, trẻ trung vừa xuất hiện…

THANH QUẾ

;
.
.
.
.
.