.

Đung đưa ngó Tết

.

Ở cái xứ này đàn bà rảnh nhất chỉ vài ba ngày Tết. Quanh năm làm lụng đầu tắt mặt tối, lúc ngồi vào mâm cơm còn chân quần thấp chân quần cao. Ấy thế nhưng cứ đến Tết là mọi thứ phải đâu vào đấy, kể cả chưa xong xuôi cũng dẹp bỏ một bên.

Để phụ nữ trong nhà rủ nhau ra hiên ngồi đung đưa chải tóc, hong vai. Tiện thể ngó ông chồng nhậu say về tựa cột nhà ngủ ngáy. Quần áo thì không mới nhưng được cái thơm tho. Vẫn là bàn chân lội bùn đấy thôi nhưng đã thơm hương chanh kỳ cọ nhức xót từng kẽ nẻ. Móng tay cũng sạch màu váng sắt, thiếu nữ thì quệt thêm lớp nhũ bóng ghé môi thổi cho khô.

Đàn bà nghĩ vẩn vơ trách chồng cả năm chê mình lôi thôi mà có lúc tinh tươm lại chẳng thèm ngó nghê gì tới. Chỉn chu vậy cũng chỉ để phụ nữ trong nhà ngắm nhau chơi, tự an ủi nhau rằng hóa ra đời chúng mình cũng đâu có cực.

Vỏ hạt dưa nhấm vứt vương vãi dưới sân, thêm chút mứt gừng ngậm cho ấm cổ. Họ ngồi cho đến khi thấy mùi rượu của ông chồng phả át cả mùi hương tóc thì mới dáo dác nhìn nhau thương lắm phận mình…

Đàn ông mấy ngày Tết không có việc gì ngoài rủ nhau nhậu nhẹt. Nhậu từ hôm 23 tháng chạp cho đến mồng sáu tháng giêng. Nhậu từ năm cũ say ngất ngư vắt qua năm mới. Tiện đâu nhậu đấy, tối đàn bà không thấy chồng về thì thôi đung đưa chân trước thềm nhà để đi từ đầu làng đến cuối xóm tìm chồng. Dìu được ông chồng về nhà thì mau đi pha nước cam, trải lại đệm chăn, buông màn cho chồng ngủ.

Còn mình thì đi lau lại nhà, bưng đổ thau nôn, đốt thêm chút bồ kết vừa chống cảm cúm vừa át cái mùi men rượu. Đi ra cài cổng nhà mình thấy đàn bà nhà khác cũng đang chênh chao một bóng. Người vắt áo phơi đêm, người thu chăn thu chiếu, người lụi cụi hè bếp cho mấy con chó nhỏ ăn thêm. Tóc ai cũng đã búi gọn, tay áo xắn cao cho đỡ vướng.

Gót chân chắc đã hết mùi hương chanh, móng tay mới sơn có khi đã xước. Mà thôi kệ, họ tắt điện quay vào nằm bên cạnh ông chồng đang ngủ mơ nói nhảm: “tôi chấp ông cả chục chén này, xem ai gục trước ai”. Đàn bà thở dài mà còn không biết là mình vừa thở dài nữa đấy.

Trẻ con thì vui rồi, chúng túm năm tụm ba chìa cho nhau xem xấp lì xì màu đỏ. Miệng ngậm đầy kẹo, quần áo rực rỡ, chúng thoăn thoắt chạy nhảy luồn lách khắp nơi. Làng có đền, trong đền người ta bày bán vô số đồ chơi dụ tiền con nít.

Mấy ông thanh niên ở tận đẩu đâu cũng tìm đến, dựng tạm bợ cái lều, bày các trò ăn may có thưởng. Bọn trẻ ban đầu còn ngấp nghé đứng vòng ngoài xem, tay giữ khư khư nắm tiền phát vốn. Sau thì mê quá, vỏ lì xì xé vứt đầy cổng đền, có bao nhiêu tiền chúng chơi bằng hết. Đôi khi chỉ mang về được khẩu súng nước, con rô bốt xanh lè hay quả bóng nhựa vài nghìn bạc.

Vậy mà khoái chí, khoe nhau suốt cả đoạn đường về. Chơi chán chúng về nhà gọi “mẹ ơi con đói”. Đàn bà đứng dậy, vào bếp nấu nướng cho con. Chưa kịp ngồi xuống mâm thì thấy chồng dẫn thêm về vài vị khách. Ai chồng cũng bảo khách quý, thôi thì nhà có gì cứ bày biện hết ra. Đàn bà nấu nướng đầu bù tóc rối, rồi lại ra hiên ngồi đung đưa chờ cho khách giải tán thì vào dọn dẹp.

Nhưng phải chờ đến lúc rượu vào lời ra, hát hò ngâm thơ đủ kiểu họ mới dặt dẹo dắt nhau đi. Thế rồi cũng hết vài ngày Tết. Đàn ông tỉnh rượu như tỉnh cơn mơ hỏi cửa nhà sao vắng hoe vắng hoắt. Thì trẻ con đi học, đàn bà ra đồng từ mờ sớm nên cả căn nhà chỉ còn thoáng chút hương nhang đốt cho ấm lòng tổ tiên. Đàn ông ngồi trên giường bo trán nghĩ lại xem không biết mình làm được những việc gì mà Tết đã vội hết nhanh đến thế…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.
.
.
.
.