.

Hương Tết khó phai

.

Không biết từ bao giờ, cứ mỗi khi Tết đến xuân về, tôi lúc nào cũng háo hức thưởng thức món bánh chưng chân chất mà đậm đà hương vị truyền thống. Những chiếc bánh chưng xanh quyện hương nếp với mùi lá dong thơm nức mũi khiến cho tôi có lúc tự đùa rằng “phi bánh chưng, bất thành Tết”.

Ảnh: H.A
Ảnh: H.A

Tết trong ký ức của tôi là những ngày trời xanh nắng đẹp, lăng xăng theo chân cha mẹ tất bật chuẩn bị nếp, lá dong, đậu xanh, thịt lợn… để gói bánh chưng. Cái thời trẻ con “ăn chưa no, lo chưa tới” có biết gì đến chuyện chọn nếp sao cho đều nhau, hạt bóng mẩy, hay lá dong phải đừng non hay già quá mà phải xanh mướt với những cuốn nhỏ cốt cho dễ gói.

Đứa con nít như tôi lúc ấy chỉ cảm nhận mọi người trong gia đình, kể cả các cô, các bác trong khu tập thể, ai nấy đều đang chộn rộn lo cho một cái Tết đủ đầy. Mẹ tôi khi đó đảm nhiệm việc chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng.

Nếp được mẹ nhờ mua ở quê với những hạt trắng bóng, căng tròn, thoảng mùi “hương đồng gió nội” và rồi đem ngâm, đãi nhiều lần cho đến khi nước trong thì vớt ra để ráo. Lá dong cũng được chọn kỹ lưỡng và phân loại lá to, lá nhỏ; lá nào xanh và lành lặn được ưu tiên chọn trước, rửa sạch, lau khô để gói bánh; lá nào chỉ hơi rách một chút thì mẹ dặn để lót nồi bánh khi nấu chứ đừng vứt đi. Với đậu xanh nguyên hạt, cầm chiếc lọ thủy tinh trong tay, mẹ chà xát lên những hạt đậu no tròn để chúng vỡ đôi, rồi lại đem ngâm, đãi vỏ nhiều lần cho đến khi không còn hạt nào sót vỏ.

Ngay từ sáng sớm, mẹ đã tất tả ra chợ, chọn mua cho được mấy ký thịt ba chỉ rồi về thái thành từng miếng to đều, tẩm ướp gia vị để tạo hương vị béo ngậy cho bánh. Khoảnh khắc mồ hôi mẹ lăn tăn rơi trên trán cùng dáng vẻ tất tả, bận rộn luôn tay luôn chân cứ khắc sâu trong tiềm thức của đứa trẻ mới lớn như tôi, để rồi mỗi lần nhớ lại, tình yêu của tôi với mẹ càng dạt dào, sâu nặng.

Ba tôi khi ấy cũng bận rộn không kém bởi với sức vóc của nam giới, ba đảm nhiệm những phần việc nặng nhọc hơn nhiều. Củi để nấu bánh đã được ba chuẩn bị từ nhiều ngày trước, cây nào cũng lớn để giữ nhiệt được lâu trong suốt quá trình nấu bánh.

Liền sau đó là công đoạn chẻ ống giang thành từng miếng đều nhau, rồi tước lạt giang khéo léo sao cho thật mỏng, mềm, đều để khi buộc bánh được chắc chắn và đẹp mắt. Thường thì khi bánh được gói xong, ba sẽ là người buộc lạt cốt để bánh đủ độ chặt, nếu không khi nấu, nước thấm vào bánh sẽ nhanh hỏng. Quan trọng không kém là công đoạn nấu, bởi phải canh lửa lớn đều, châm nước liên tục.

Nếu nước không sấp mặt bánh và lửa không cháy đều thì bánh sẽ dễ bị “lại gạo”, bị sượng và không để được lâu. Tầm chiều tối, khi phố lên đèn cũng là lúc ba thổi lửa nấu bánh chưng, tôi lăng xăng xung quanh bếp lửa hít hà mùi bánh cứ theo thời gian mà tỏa hương thơm ngào ngạt.

Suốt cả đêm ba canh lửa, châm nước, thức trắng bên bếp lửa hồng trong khi mẹ con tôi tất bật cả một ngày trời, đến nửa đêm cũng không cưỡng được cơn say ngủ, vùi mình trong chăn ấm, để một mình ba cặm cụi chăm chút cho nồi bánh.

Đến bây giờ, tôi vẫn không quên hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những chiếc bánh chưng được ba vớt cẩn thận ra khỏi nồi sau một đêm vất vả. Những chiếc bánh âm ấm căng tràn nhựa sống, phủ một màu xanh lá dong quyến rũ hòa quyện với mùi dẻo thơm của nếp, mùi béo ngậy của thịt lợn, đậu xanh khiến tôi cứ mãi líu ríu bên cạnh ba, hít hà cho thỏa nỗi thèm thuồng.

Tôi mê từng chiếc bánh chưng xanh, tôi quyến luyến với hương vị độc đáo của chiếc bánh truyền thống này đến nỗi từng khoảnh khắc về những ngày xưa lăng xăng cạnh cha mẹ xem mọi người gói bánh, rồi lúc cả gia đình quây quần bên ánh lửa hồng, nhìn khói bếp phủ trắng một khoảng trời đêm nho nhỏ… chẳng phai nhạt chút nào trong miền ký ức của tôi.

Và rồi mấy năm nay, mỗi độ xuân về, tôi đều tự tay gói bánh chưng, làm tất cả mọi công đoạn để tìm lại hương vị đậm đà khó phai của chiếc bánh Tết cổ truyền. Dù có thể với nhiều người, chọn mua bánh chưng bán sẵn sẽ đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn; kể cả nếu thích, không chỉ là ngày Tết, quanh năm suốt tháng vẫn tìm mua được loại bánh này ở bất kỳ đâu.

Thế nhưng, với tôi, Tết chỉ thực sự mang đầy đủ ý nghĩa đặc sắc khi tự mình chen chân ra chợ chọn mua những bó lá dong xanh mướt về gói bánh chưng, hay tỉ mẩn vuốt nếp, hít hà hương thơm của đậu xanh vàng óng. Có năm, vì bộn bề với công việc, tôi mua bánh chưng bán sẵn nhưng thất vọng tràn trề bởi không thể nào tận hưởng được mùi thơm ngầy ngậy, quyến rũ như những chiếc bánh do chính mình tự làm.

Và trên hết, còn gì hạnh phúc hơn khi cùng người yêu thương chăm chút cho bếp lửa hồng, lọ mọ quanh nồi bánh chưng trắng đêm cho đến sáng, cùng tựa vai nhau thầm thì những câu chuyện đời, chuyện người, chuyện lan man không “đến đầu đến đũa” trong tiết trời se se lạnh. Nhìn những cặp bánh chưng xanh thơm ngào ngạt, tôi mãn nguyện với thành quả do chính tay mình làm để mang đến một không khí Tết thực sự ý nghĩa cho gia đình.

Những chiếc bánh gói tình yêu thương ấy sẽ đến tay cha mẹ, họ hàng, là vật phẩm biểu trưng cho lòng thành kính của con cháu dâng cúng ông bà, tổ tiên, hay món ăn truyền thống đặc sắc đãi khách khi lỡ bữa cơm chiều. Hơn thế nữa, không mấy ai hiểu được, những chiếc bánh chưng ấy gói cả một miền ký ức yêu thương của tôi về một thời thơ ấu đầm ấm, yên vui, hạnh phúc cùng cha mẹ và những người thân thuộc mỗi độ Tết đến xuân về.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.