Dường như không ai nói “xuống chùa” mà quen nói “lên chùa”. Thực ra thì có nhiều cách nói: đến chùa, đi chùa, vô chùa, viếng chùa... nhưng nói “lên chùa” thì vẫn... hay hơn, “hợp lý” hơn. Vì sao? Bởi vì, ngày xưa chùa thường được xây dựng ở những khu vực có vị trí cao như đồi núi hoặc ở những nơi cách biệt với xóm thôn làng mạc. Bởi vì, “lên” là biểu thị cho khuynh hướng muốn tìm đến một cái gì “cao” hơn đời sống hằng ngày? Lên chùa, lại càng có ý nghĩa thấm đậm hơn, mỗi độ xuân về, Tết đến. Và bởi vì, xuân hoa sắc sắc đóa hồng tiêu (Sắc hoa xuân đóa đóa tươi hồng - Tuệ Trung thượng sĩ (1), nên đã từ lâu đời, trong những mỹ tục của dân tộc Việt đã hình thành tập quán lên chùa xin lộc đầu năm.
Ảnh: MINH TRÍ |
Thường thì sau khi cúng lễ Trừ tịch (lễ Giao thừa, có nghĩa: cũ giao lại, mới tiếp lấy), dịp này người ta thường đến chùa, đình, miếu, điện để cầu phúc, để xin Phật, Thần phù hộ cho bản thân và gia đình và cũng thường xin quẻ đầu năm.
Việc lên chùa xin lộc, thường kết hợp với việc chọn hướng và giờ xuất hành. (Hiện nay, do vị trí nhà ở chốn phố phường đã “cố định” rồi, nên không còn việc chọn hướng nữa). Trước cổng chùa, đình thường có những cây cổ thụ, người đi lễ bẻ một nhánh (cành lộc), đem về cắm ở bàn thờ với niềm tin cành lộc sẽ đem lại may mắn suốt năm.
Lộc xuân hái từ những cây thuộc bộ tứ linh thực vật (đa, sung, xanh, si) sẽ đem lại kết quả tốt đẹp nhất vì những cây này tương ứng với bộ tứ linh động vật (long, lân, quy, phụng). Người ta cũng có thể chọn tùng, cúc, trúc, mai (trong bộ tứ quý), ví như đối với Trúc thì nên chọn cành trúc tăm hay trúc Di lặc có dáng hiên ngang như người quân tử hoặc như đối với Cúc thì “ưng cái bụng” loại cúc Mốc, là loại “diệp bất ly thân, hoa bất lạc địa” tượng trưng cho sự vui vẻ, thân thiết trong gia đình...
Tiếc rằng, có nơi, cái mỹ tục ấy giờ đây đã phình to đến mức có nhiều người mang dao đi “chặt lộc” cho được lộc to, lộc nhiều! Không ít người đã hí hửng khoe những cành lộc to lộc đẹp mà mình đã “tóm” được. Ví như tại Hà Nội, đêm giao thừa những năm gần đây, cây xanh công cộng luôn là mục tiêu bị tấn công nặng nề, mặc dù vẫn có người trực bảo vệ...
Ngày nay để cây cối khỏi bị tổn thất, các chùa thường để sẵn bao lì xì và trái cây như cam, quít cho Phật tử đến thỉnh về.
Đêm ba mươi Tết là đêm quan trọng nên từ buổi chiều, người ta đã làm “cơm cúng” gia tiên. Với một năm sắp hết, cho dù phải gánh chịu rủi ro, người Việt vẫn tiễn đưa năm cũ với lòng biết ơn vì đã được Đất - Trời cho sống trọn vẹn.
Đối với những người nghèo khó nợ nần, ngày xưa, đêm ba mươi cũng là lúc trốn nợ. Chủ nợ thường cố đòi cho được nợ vào dịp đó. Bởi vậy người mắc nợ phải trốn cho tới khi gần giao thừa mới dám về nhà. Sau giao thừa, người viếng nhà đầu tiên là người “xông nhà”, đem lại sự may mắn hoặc rủi ro cho gia chủ, tùy theo cái “vía” của người ấy nặng hay nhẹ...
Ở chùa, khi gần đến giờ giao thừa, các Phật tử đã ngồi chỉnh tề ở chánh điện. Sau ba hồi chuông trống Bát Nhã, các tôn đức tăng ni an vị, và lễ Giao thừa được cử hành. Sau khi dâng hương cúng Phật, tụng kinh cầu an cho các Phật tử và cho thế giới hòa bình, an lạc, có thể có một thời thuyết pháp và chúc Tết của vị tu sĩ trụ trì. Sáng ngày mồng một, chùa cử hành lễ thù ân để tỏ lòng kính trọng và tri ân chư Phật, chư Bồ tát, cũng như các bậc tổ sư. Tập quán này cũng phổ biến ở những nước như Trung Hoa, Nhật Bản...
Lên chùa, là thả lỏng tâm-thân giữa tiếng chuông hiền. Tiếng chuông tạc vào không khí bao nỗi buồn-vui của cuộc phù thế, để có thể Văn chung thanh, phiền não khinh/ Trí huệ trưởng, bồ đề sinh (nghe tiếng chuông có thể tan phiền não, trí tuệ tăng và phát tâm Bồ-đề).
Bởi vì, tiếng chuông chùa có thể thấu đến cõi địa ngục u mờ cho bao nhiêu vong linh được giải thoát. Thiết vi u ám tất giai văn/ Văn trần thanh tịnh chứng viên thông. (Nơi tối tăm thảy đều nghe được, sẽ sạch trong căn cảnh mà thông).
Còn với Thi thánh Đỗ Phủ, thì thật sảng khoái mỗi Sớm muốn nghe chuông ngân, khiến tâm hồn thanh tỉnh (Dục giác văn thần chung, lệnh nhân phát thâm tỉnh). Lòng trong treo, là ánh sáng của sự sống. Ánh sáng là tiếng chuông. Có phải không, điều ấy? Như thế, tiếng chuông sẽ trở thành công án. Bởi vì, cuộc đời chính là công án. Nào phải tìm đâu trong sử lục xưa xa...?
Ngày mồng một Tết cũng có một ý nghĩa đặc biệt, vì đó là ngày lễ vía Ðức Phật Di Lặc, vị Phật tương lai sẽ thị hiện ở cõi Ta bà này vào thời mạt pháp. Thực ra thì nếu có sẵn tâm Phật thì Đức Di Lặc luôn hiện diện, như niềm tin của người Trung Hoa rằng Ngài đã hiện thân thành Bố Ðại hòa thượng vào thời Ngũ đại (khoảng thế kỷ thứ 10), có hình tướng mập mạp, nét vui cười, trên lưng đeo một bao bố và có sáu đứa trẻ đùa nghịch trên thân mình.
Sáu đứa trẻ tượng trưng cho sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) luôn lôi cuốn con người vào những trần cảnh trước mắt nhưng Ðức Phật Di Lặc vẫn vui cười, tự tại vì ngài đã điều phục được sáu căn, chuyển “lục tặc” chướng ngại thành “lục thông” thấu suốt. Di Lặc, tiếng Phạn gọi là Metteya, dịch ra tiếng Hán là Từ Thị, mang ý nghĩa “tâm từ”, là một trong “tứ vô lượng tâm”, tức TỪ BI HỶ XẢ.
Từ là tình thương bao la, Bi là chia sẻ cái khổ của người, Hỷ là vui với cái vui của tha nhân, Xả là không chấp trước không nắm giữ. Bốn tâm này sẽ xóa bỏ những sân hận, đau buồn, đem lại an vui cho mọi người.
Dịp đầu năm người ta thường tránh những lời nói, việc làm “nặng nề” với mong muốn đem lại sự tốt đẹp cho cả năm; nhưng nếu thường xuyên làm được như vậy thì dù không cầu Phật, phước cũng tự đến, chẳng phải sao?
“Ai cũng biết”, mọi việc đều đổi thay, vũ trụ và con người luôn vận hành trong từng giây phút. Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai (Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa cười)... Mùa xuân nào cũng là mùa đầu tiên-cuối cùng. Có nghĩa là trong quy luật sinh-diệt, vẫn có một cái gì thường hằng, một mầm sống vĩnh cửu.
Ấy là Chúa Xuân trong cái nhìn của Vương Hải Thiềm (2): Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận/ Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân. (Xuân qua xuân lại ngỡ xuân hết/ Hoa rụng hoa nở vẫn là xuân). Ấy là bông hoa trong lòng người, chỉ nở ra khi dòng tâm thức được tịnh hóa. Nhưng, ấy cũng... không phải là chuyện mà ai cũng có thể “lạm bàn”, bởi vì đó là chuyện vô cùng gian khó, chỉ dành cho những hành giả hiến trọn cuộc đời cho việc đi tìm chân lý tối hậu.
Lên chùa, rồi lại trở về với đời sống thường nhật, với chốn bụi bay. Nhưng để thêm một lần biết rằng, phía sau cái mịt mờ đang vây bọc quanh đời ta, vẫn hằng lung linh một đường sáng lặng hay là một tiếng ngân, dẫu mơ hồ nhưng không ngừng lời gọi kêu trở về...
Như mùi hương vô hình mà có thực đang lưu lại giữa trái tim người: Khách khứ tăng vô ngữ/ Tùng hoa mãn địa hương. (Khách về sư không nói/ Ðất ngát mùi hoa thông - Trần Quang Triều (3).
Để yêu mến hơn cuộc sống khổ đau mà tươi đẹp này...
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
(1): Tên thật là Trần Tung (hay Trần Quốc Tung, 1230-1291)), là một thành viên trong hoàng tộc nhà Trần với tước hiệu Hưng Ninh Vương và là một thiền sư Việt Nam).
(2): Chân Không thiền sư (1046-1100) tên thật là Vương Hải Thiềm, người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du. Năm 18 tuổi, đến nghe giảng kinh Pháp Hoa tại chùa Tịnh Lự, núi Đông Cứu, bắt đầu tỏ ngộ, đến tu ở núi Từ Sơn, nghiên cứu Thiền học. Được vua Lý Nhân Tông vời vào cung giảng kinh. Tuổi già, về quê dựng chùa Bảo Cảm.
(3): Còn có tên là Trần Nguyên Đào (1287-1325), biệt hiệu là Cúc Đường chủ nhân và Vô Sơn Ông).