.

Xông đất mang an lành

.

Tục xông đất là nét văn hóa có từ lâu đời của người Việt. Với quan niệm ngày mồng một bắt đầu cho một năm mới, nên nhiều người cho rằng nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì cả năm sẽ thuận lợi, tốt lành… Chính vì lẽ đó, lễ đón những vị khách quốc tế xông đất đầu năm đến thành phố càng có ý nghĩa.

Đón chào những du khách đầu tiên đến Đà Nẵng bằng đường hàng không trong dịp năm mới. Ảnh: Đ.L
Đón chào những du khách đầu tiên đến Đà Nẵng bằng đường hàng không trong dịp năm mới. Ảnh: Đ.L

Thể hiện điểm đến thân thiện

Lễ đón khách quốc tế xông đất thành phố Đà Nẵng bắt đầu được tổ chức vào khoảng năm 1997. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, cho biết đến nay nghi thức đón khách xông đất đã trở thành lễ truyền thống của ngành diễn ra vào mồng một hoặc mồng hai Tết Nguyên đán. Tùy thuộc vào lịch trình của tàu, máy bay đến Đà Nẵng mà chọn ngày tổ chức cho phù hợp.

Đối với khách tàu biển thì có đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đội Biên phòng, cảng Tiên Sa, công ty lữ hành ra đón tận cảng. Đối với khách hàng không, ngoài đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn có nhân viên cảng hàng không, hãng hàng không và Công an cửa khẩu đón khách tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Để thêm phần long trọng và chu đáo, Ban tổ chức còn mời đội múa lân của các công ty tổ chức sự kiện về biểu diễn và đoàn Tuồng thành phố về múa hát sắc bùa. Đây là hình thức biểu diễn nghệ thuật dân tộc chúc mừng năm mới, thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm tân niên.

Đội múa hát sắc bùa thường có 5 đến 7 người, gọi là “phường bùa” hoặc “nậu”. Dưới sự chỉ huy của ông trùm phường, phường sắc bùa sẽ nổi nhạc, vỗ trống cơm, gõ sênh tiền và hát các bài hát sắc bùa với nội dung chúc tụng đầu xuân.

Khách tàu biển chủ yếu đến từ các nước châu Âu như Anh, Bỉ, Pháp, Đức... nên họ nồng nhiệt đáp lại sự chào đón của chủ nhà với những bó hoa tươi và nón lá. Đa số du khách đều cảm thấy ấm áp và hoan hỉ khi được trải nghiệm những khác biệt về văn hóa, nhất là trong một dịp rất đặc biệt mà không phải lúc nào họ cũng may mắn tham dự.

Ngay sau lễ xông đất, du khách tham quan những địa danh nổi tiếng trong thành phố như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, chùa Linh Ứng, Danh thắng Ngũ Hành Sơn... “Lễ xông đất thể hiện điểm đến thân thiện với khách, đồng thời còn phô diễn vẻ đẹp truyền thống để du khách thưởng thức ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, tạo cho họ cảm giác được tiếp đón chu đáo, niềm nở.

Những du khách xông đất đầu năm không chỉ mang đến cho thành phố một không khí đón Tết vui tươi mà còn hứa hẹn một mùa du lịch tàu biển đông khách. Nhiều du khách đã tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi chúng tôi giải thích về ý nghĩa này”, ông Trần Chí Cường chia sẻ.

Sẵn sàng trong tâm thế “nhà có khách”

Nói về tục xông đất đầu năm, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố cho biết, tục này có từ lâu trong truyền thống ngày Tết cổ truyền của người Việt. Ngày xưa, vào giờ giao thừa, ai vào nhà trước là coi như người đó xông đất. Người xông đất cũng được xem tuổi sao cho hợp với chủ nhà vào năm đó.

Trong thời cận hiện đại, vì sợ người xông đất không hợp với mình nên chủ nhà thường nhờ một em bé hạp tuổi với gia đình để xông đất và lì xì mừng tuổi. Người xông đất phải là người vô tư, học hành hanh thông, có sự hoàn hảo thì sẽ mang điềm lành đến cho gia đình. Ngược lại, nếu không hạp với chủ nhà thì năm đó không được may mắn như ý muốn.

Với ý nghĩa đó, việc đón khách quốc tế xông đất đầu năm đến Đà Nẵng thể hiện thành phố là vùng đất hiền lành, là một thành phố an bình với những người dân hòa nhã, thân thiện, vui vẻ và luôn sẵn sàng đón tiếp khách thập phương.

Gần 15 năm gắn bó với ngành du lịch (từ năm 1994 - 2008) và cũng ngần ấy năm đón khách quốc tế xông đất đầu năm, ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng lễ đón khách xông đất đầu năm cũng là một yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch.

Trước đây, cũng có ý kiến đề nghị, muốn cho một vùng đất trở thành điểm đến hấp dẫn thì từ người dân cho đến chính quyền thành phố phải thống nhất một ý chí, phải ứng xử với du khách trong tâm thế như “nhà có khách” để khách cảm nhận được cả thành phố đang chào đón mình. Khách càng quý thì càng phải tiếp đón niềm nở và chu đáo.

Theo ông Trường, đòn bẩy sức hút du lịch của một địa phương là sản phẩm du lịch. Mà sản phẩm du lịch của một vùng đất là thái độ ứng xử của con người ở vùng đất đó và được đo bằng hành vi cụ thể. Chẳng hạn, đối với khách tâm linh thì phải có chùa chiền, khách mua sắm thì phải có trung tâm thương mại và đặc sản, khách hội nghị thì phải có hội trường tươm tất… “Suy ngẫm từ chuyện xông đất để trả lời cho câu hỏi làm thế nào thu hút khách du lịch.

Yếu tố quyết định đầu tiên là chúng ta phải làm sao tạo cho khách cảm giác được “welcome” ngay khi đặt chân đến Đà Nẵng bằng thái độ ứng xử cởi mở, thân thiện và chu đáo như “nhà có khách” để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, ông Trường nhấn mạnh.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.