Báo Đà Nẵng xuân 2016
Một cái Tết nhiều kỷ niệm
...Hai mươi sáu tháng Chạp, anh Nghinh trao đổi với tôi: Chắc ông Tư sẽ tăng cường anh vào quận Ba với anh Thông. Anh đi trước. Tôi sẽ vào sau. Tôi nói: Có anh Thận, anh Ngộ, anh Hưng và cán bộ tỉnh, quận, trong Thành. Anh nên ở ngoài với anh Tư cho có tập thể.
Anh Nghinh bảo: Lý là vậy. Tôi đâu yên tâm, có 1 tiểu đoàn con cưng, nay anh em đi. Mình lãnh đạo, ngồi ngoài này không yên. Chia tay anh lòng tôi có cái gì khác, khó tả nên lời. Có thư anh Tư, tôi đến nhà chị Tính tại Hạ Nông, thì thấy có anh Đức (Đinh Châu). Anh Tư nói: Mọi việc bàn kỹ và bàn nhiều rồi. Thấy nhân dân hưởng ứng chủ trương mà tự hào về Đảng bộ ta.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Anh Tư trao 4 củ sâm cho hai anh em tôi, bắt tay từng người. Chúng tôi ra về. Pháo bắn rát quá, chúng tôi xuống giao thông hào đi. Địch cứ bắn. Anh Đức bảo tôi nghỉ tý đã. Vốn thân lâu, anh Đức tâm tình: Mình đánh giặc nhiều, nhưng chưa vào Thành. Đây là lần đầu. Tôi cười: Có lần đầu mới có lần khác. Tôi năm 49 vào Thành, cũng mới toanh, sau quen.
Anh Đức bảo: Đó là đi làm chính trị, còn nay đánh giặc. Mình có cái lo cho địa hình. Và thực ra chiến thuật phải mũi nhọn, đuôi dài. Yếu tố sau chưa bảo đảm. Đến chỗ rẽ về đơn vị, anh Đức bảo tôi: Ông đi đi, ra trước ghé Hòa Xuân, gặp cậu Khanh, Huyện đội bảo chậm nhất tôi cũng ra đúng kế hoạch thời gian. Cố gắng dàn xếp chu đáo. Từ đó, tôi không bao giờ gặp lại người bạn vừa giỏi về quân sự, vừa có khiếu văn nghệ.
Các anh quận Ba biết nhược điểm tôi không lội bơi giỏi, nên anh Bảy Minh đến bến đò Phong Hồ chờ tôi trước 1 giờ sáng. Ghé Hòa Xuân một tí gặp Hoàng Khanh là qua sông đi một mạch về Nước Mặn. Đến nơi, đã có mặt đơn vị Đặc công nước. Nhiều cơ sở ở K20 phấn chấn ra mặt. Anh Năm Thông được bà con xem như trong nhà.
Anh Năm Thông cho phép tôi xem mấy hầm bí mật. Trưa 30 Tết, số hợp pháp, công khai ra K20. Chiều 30 Tết, cán bộ Quận ủy đi, chỉ còn tôi, chị Ba Thi và chị Sáu Đừng. Đúng 10 giờ khuya 30 Tết, tôi ra tiễn Tổ đặc công nước lên đường đi đánh cầu Trịnh Minh Thế.
Các đồng chí bắt tay tôi và chỉ khối thuốc trôi lờ đờ cửa sông Hàn. Bắt tay nhau lòng đầy lưu luyến, có chút hồi hộp, lo lắng. Tôi đi chưa vào xóm thì chiếc xuồng nhỏ đưa anh Hai Chơn đến. Tôi phản ảnh tình hình Quận ủy. Anh Hai Chơn cười: Sẽ gặp nhau ở nội Thành.
Từ đêm đó, tôi không còn gặp lại anh Hai Chơn! Hồi hộp chuẩn bị vào giờ G, mà điện đài rò rè mãi, không nhận được nên việc hoãn hay không chỗ tôi không rõ. Vả lại, theo kế hoạch, chỗ tôi là hưởng ứng chứ không phải nổ ra trước.
Chờ cả đêm không nghe gì lớn. Độ 2 giờ sáng nghe các loại súng ở hướng Quân đoàn 1 nổ. Không phân biệt được súng đó của ta hay của địch, hay là pháo đón giao thừa. Đúng 5 giờ sáng, máy bay HU1A oanh tạc phía Hòa Đa ngày càng nhiều. Cầu Trịnh Minh Thế không phá được. Bản tin sáng của Đài Giải phóng lại nghe phá cầu Trịnh Minh Thế.
Lòng tôi như lửa đốt. Cơ sở báo quân Nùng kéo ra hướng Nước Mặn - Đa Phúc khoảng 1 tiểu đoàn. Chi bộ không cho tôi rúc hầm, vì sợ chúng khui hầm. Bố trí tôi rúc trong đống củi. Tôi cũng ưng. Tôi thủ lựu đạn M26 và súng ngắn K.54, cần thì nổ, hy sinh.
Tin qua cơ sở cho biết, Tổ đặc công đánh cầu hy sinh. Chỗ Tỉnh hội Phật giáo có mít-tinh, một số cán bộ bị bắt. Quân ta đánh chung quanh Quân đoàn 1, có nhiều thương vong. Cánh du kích Hòa Hải hy sinh nhiều. Lực lượng còn ở Trung Lương bị bom, nhiều người hy sinh. Chiều địch đi xăm một số hầm không có gì, chúng rút hết.
Ba giờ chiều mồng Một Tết, anh Năm Thông thư tôi và các đồng chí 2 chi bộ Nước Mặn và Đa Phúc, chuyển chỗ ở cho tôi, từ Nước Mặn sang Đa Phúc. Anh dặn phải hợp pháp khi trời chưa tối. Tuyệt đối không được đi ban đêm.
Khoảng 5 giờ chiều, tôi mặc áo lương đội khăn đóng, xách làn mây, có đủ quà Tết như các cụ ở hai vùng qua lại thăm sui gia. Đi cùng tôi là chị Ba Thi dắt con trâu, một người trung niên vác cái bừa. Năm đó, dân chọn ngày mồng Một Tết xuất hành, khá đông người đi làm mở hàng ở cánh đồng ven sông Nước Mặn. Phải đi qua chiếc cầu bắc ngang giữa 2 thôn.
Có đồn gác giữa hai thôn, lính Mỹ và dân vệ gồm 12 tên. Tôi đi ung dung như các cụ khác. Chỉ lo đám dân vệ địa phương. Sang Đa Phúc phải vào hầm bí mật ngay theo mệnh lệnh tối cao của chi bộ Đa Phúc. Người đậy hầm, vừa là cơ sở, vừa có chân trong Trung đội Nghĩa quân, nên mấy ngày nằm dí trong hầm, được ăn bánh, thịt, tôi vẫn biết được tình hình diễn biến ở thành phố, biết tin địch phản kích phía Hòa Đa bằng phi pháo, các anh chỉ huy hy sinh như anh Hai Chơn, anh Đức, anh Huy và anh Liễn.
Không thể nằm chờ lệnh mới, anh Năm Thông bàn rồi quyết định tôi ra gặp anh Tư, phản ảnh cho hết tình hình... Chị Ba Thi nhét trong gùi tôi gói xôi cúng, gói bánh in. Đi đêm đầu, chờ đến sáng, không qua được đường một, cả ngày nằm hầm bí mật, đêm sau mới lên được vùng B. Sau 2 ngày, 2 đêm, anh Tư lệnh cho Sư đoàn 2 rút, chờ lệnh mới. Anh bảo tôi suy nghĩ kỹ chờ các anh đến đủ, Hội nghị sẽ tính.
Đến ngày thứ hai mươi, anh Nghinh được cơ sở, chở lượn lách đoàn xe Mỹ đưa ra. Anh Nghinh bắt tay tôi: Chưa bao giờ mình đi oai vệ như lúc này. Trước Mỹ, sau Mỹ, ở giữa Bí thư ngồi Vespa. Anh nói đùa như vậy, nhưng anh không cười, nét mặt nghiêm nghị, tư lự.
Trên đường đi từ vùng B Điện Bàn về Gò Nổi, toàn là đồng bào rất cách mạng, ấm ức vì không “cướp được chính quyền về tay nhân dân”. Biết anh em mình là cán bộ, họ nói xóc hông: Nước mình có nhiều mỏ vàng, mỏ bạc. Riêng Quảng Nam có thêm mỏ nói láo. Ba lần tôi quay lại toan giải thích cho bà con hiểu, nhưng anh Nghinh nắm tay tôi kéo đi, bảo: Thôi, thôi ông ơi!…
Anh kể chuyện mắc kẹt trong Thành, chờ đợi chủ trương. Anh kể hết chuyện nọ sang chuyện kia, tới chuyện anh ngồi đánh bài với mấy sĩ quan ở Sài Gòn về ăn Tết. Anh nói: Tôi định đánh thua để nó khỏi chú ý đến mình, mà bốc cứ trúng xì lát hoài. Tôi hiểu tánh anh Nghinh, lúc nào đang bí cái chi đó, nghĩ chưa ra anh hay nói chuyện tếu như vậy. Tự nhiên, anh cắt ngang câu chuyện lại.
Anh nói với tôi: Thuở xưa, Ngũ Tử Tư lo việc nước một đêm bạc hết tóc. Tôi thấy tóc tôi và tóc ông còn xanh quá, ông Tân ạ (lúc đó tôi tên Tân). “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch. Kỷ độ Long tuyền đới nguyệt ma”(*). Giọng anh nghe cảm khái như giọng người đời xưa, cặp mắt đăm chiêu, buồn. Một lát, anh nói: Thế nào Trung ương cũng bắt mình làm tiếp. Không làm không được. Bây giờ ông nghĩ làm sao tình thế như ri.
Tôi nói: Tình thế ni, nhiều anh em cũng như tôi đều suy nghĩ nát óc, mà chưa ra cái gì cả. Đà Nẵng bây giờ đang khó khăn. Dứt khoát là xây dựng lại được thôi. Tình thế đảo ngược, muốn quay phong trào lên nhanh nhất cũng phải bỏ ra hai ba năm, nhiệm vụ Hè - Thu đến nơi... Làm sao đưa súng đạn, lực lượng vào, chỗ nào rấm quân, chỗ nào giấu vũ khí. Lại còn đấu tranh chính trị hỗ trợ. Cả trăm thứ yêu cầu thực lực lấy đâu ra, nếu không có mặt người đảng viên vững vàng ở cơ sở?
Tôi nghĩ ngợi lung tung, đầu óc không thấy ló ra một chút khôn ngoan nào cả. Tôi vẫn cắm cúi đi. Tới bến đò Kỳ Lam, tự nhiên một ý nghĩ lóe sáng lên như cái bật lửa. Tôi nói liền với anh Nghinh: Ở Điện Bàn, Hòa Vang, ta sẵn có loại đảng viên hợp pháp khá đông. Bây giờ mình tung số đó vào Thành để tạo ra lực lượng mới. Anh Nghinh nhìn tôi làm thinh.
Đi một đoạn, anh dừng lại giữa đám dâu bên sông Thu Bồn: Ông nói tôi nghe có sáng ra. Anh hỏi tiếp: Lãnh đạo làm sao? Tôi nói: Người xã nào thì xã đó lãnh đạo. Đi đến Bảo An Tây, anh Nghinh bảo tôi: Rồi đây, nó không để ta yên đâu. Thế nào rồi nó sẽ xúc dân các vùng giải phóng... Tôi nói: Nó xúc, thì mình mất dân ở vùng ta.
Nhưng, nó lại đẩy dân cách mạng vào thành phố. Anh Nghinh nhìn tôi: Ông nói thêm về chuyện lãnh đạo làm sao? Tôi nói: Không làm theo địa bàn dân cư, mà theo dây, theo chuỗi của xã. Các chi bộ xã sẽ yêu cầu đảng viên đi theo để nắm dân của mình... Đến đây, quyết tâm của anh Nghinh mạnh mẽ đến mức, nét phấn khởi sáng lên trên gương mặt anh. Anh bảo: Chiều ni ông không họp Đặc khu ủy. Ông xuống gặp Tổ chức Đặc khu, hình như ở Bến Đền. Ông đến bàn công việc này cho thật sáng.
Tết Mậu Thân, bà con làm nhiều bánh hơn mọi năm để... khao quân. Ghé nhà nào cũng mời ăn Tết, miệng mình thì đắng ngét!
Hồ Duy Lệ
(Ghi theo lời kể của ông Phạm Hồng Quang)
(*) Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm, Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng (Cảm hoài của Đặng Dung - 1414).
Ghi chú: Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân – 1968: Ông Trương Công Thuận (Tư Thuận, Tư Cương), Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà. Ông Hồ Nghinh và Trần Thận là Phó Bí thư. Các Ủy viên Ban Thường vụ: Mai Đăng Chơn (Hai Chơn), Phạm Hồng Quang (Tân), Nguyễn Hữu Đức (Đinh Châu), Hà Kỳ Ngộ (Thành), Nguyễn Duy Hưng (Sáu Hưng). Chị Lê Thị Tính là Tỉnh ủy viên, Nguyễn Thông (Năm Thông, Hai Nỳ) Tỉnh ủy viên, Bí thư quận Ba.