Như vậy, kênh truyền hình quốc gia VTV8 (khu vực miền Trung-Tây Nguyên) đã chính thức phát sóng tại “thủ phủ” Đà Nẵng từ ngày 1-1-2016. Đó là cuộc “hợp hôn” giữa 3 trung tâm truyền hình Huế, Đà Nẵng và Phú Yên theo sự sắp xếp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Ảnh: MINH TRÍ |
Những ai làm công tác truyền hình từ buổi sơ khai cũng như người xem truyền hình tại Quảng Nam-Đà Nẵng đều không thể không nhớ đến cái tên Truyền hình Đà Nẵng (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng - VTV Đà Nẵng).
Cả thời gian dài (gần 39 năm), đài đã gắn liền với mảnh đất, con người miền Trung-Tây Nguyên, đặc biệt là Quảng Nam-Đà Nẵng. Với tôi, nơi từng gắn bó hơn 36 năm thì không thể không có những kỷ niệm sâu sắc.
Ở đó, một lợi thế là nằm ở trung độ cả nước, đặc biệt là địa bàn chiến lược miền Trung-Tây Nguyên, TP. Đà Nẵng là cửa ngõ của sự giao thương trong nước và thế giới, có đầy đủ đường bộ, đường không, đường thủy.
Truyền hình Đà Nẵng không chỉ phản ánh tin tức ở khu vực mà còn trên sóng quốc gia. Ở đó, có đội ngũ khá chuyên nghiệp, tay nghề vững. Ngoài thời sự, VTV Đà Nẵng còn có thế mạnh về phim tài liệu… là các cuộc truyền hình trực tiếp. Ở đây, tôi muốn nói đến lĩnh vực truyền hình trực tiếp, một thế mạnh của Truyền hình Đà Nẵng.
Từ thời truyền hình còn đen trắng, cuộc tường thuật đầu tiên của Truyền hình Đà Nẵng là những trận bóng đá trên sân vận động Chi Lăng - khởi đầu cho việc thực hiện các cuộc tường thuật - phát chậm rồi trực tiếp.
Khi phát chậm một số trận đấu, là khi ghi được trận đấu khoảng 30 phút, buộc dây vào băng thả từ trần khán đài A xuống rồi cho người mang về đài phát. Ở người xem truyền hình cứ nghĩ là xem trực tiếp, nhưng so với khán giả trên sân thì trận đấu đã đi qua hơn 30 phút.
Nhưng, không sao! Thời ấy, mọi thứ còn khó khăn cho nên vượt qua được khó khăn là được rồi, quý lắm rồi! Khởi đầu như vậy đó! Là những buổi gọi là “trực tiếp”. Rồi, những tường thuật mà đội Quảng Nam-Đà Nẵng thi đấu ở các địa phương, chúng tôi đều có mặt.
Lúc bấy giờ, với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, anh Nhẫn (lái xe) đã đưa chúng tôi đến mọi miền đất nước để ghi lại những trận đấu mang về phục vụ cho bạn xem truyền hình.
Trên nền tảng những khó khăn ban đầu đó, đội ngũ kỹ thuật, phóng viên, biên tập, quay phim từng bước trưởng thành và đã khẳng định sự trưởng thành ấy được thể hiện trong các cuộc “đánh lớn” như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Festival Huế, Sao Mai điểm hẹn, Robocon, các kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng (đã chuyển giao cho Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng - DRT), các giải bóng đá trong nước và quốc tế,…
Đặc biệt là thời khắc giao thừa - thời điểm thiêng liêng của người dân Việt - thì đội ngũ này lại xông pha hết nơi này đến nơi khác mà trong ấy đỉnh điểm là Chào thiên niên kỷ ở thị xã Hội An (nay là TP. Hội An) với những hình ảnh đầy sinh động. Nơi đó có đến 12 điểm sinh hoạt, trong khi chỉ có 3 cameraman hoạt động. Khi phản ảnh điểm này thì 1 camera khác đón đầu điểm tiếp theo rồi 2 cameras khác di chuyển đến hỗ trợ theo hình thức cuốn chiếu.
Cứ thế, hết điểm này đến điểm khác. Có những anh phụ quay, ban đầu còn có thể mang dép di chuyển, sau thì bỏ dép chạy bộ cho đến toét hết cả chân. Những ai đã tham gia thực hiện buổi truyền hình trực tiếp này thì không thể nào quên.
Cũng vào giao thừa, Truyền hình Đà Nẵng tường thuật trực tiếp đầu tiên trên sóng quốc gia về sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc tại tỉnh Gia Lai. Một nhà rông được xây dựng ngay tại thị xã Pleiku (nay là TP. Pleiku), những đường dây điện chung quanh đều tháo dỡ… đã mang lại hiệu quả rõ rệt là người xem truyền hình cứ tưởng là trong rừng nào đó ở Tây Nguyên.
Một ấn tượng không kém! Sau khi hoàn thành cuộc tường thuật lịch sử này, sáng sớm mồng 1, đoàn kéo về Đà Nẵng. Đường sá vắng tanh (sáng mồng 1 Tết mà), may sao ở thị trấn An Khê (nay là thị xã An Khê) có 1 quán ăn, cả đoàn vào điểm tâm và tiếp tục cuộc hành trình.
Đến trưa, khi dừng chân ven đường ở Sa Huỳnh, các thứ như bánh chưng, dưa hấu… của mạnh thường quân là doanh nghiệp cà-phê Thu Hà được bày ra lót dạ. Khi ai ngang qua đây cũng khá ngạc nhiên với “lũ đàn ông” đi đâu mà sớm thế?
Một cuộc tường thuật trực tiếp cũng không thể nào quên là cuộc “chia tay lịch sử giữa người anh em” Quảng Nam và Đà Nẵng. Sáng hôm đó, một buổi chia tay đầy xúc động tại tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương khi kết thúc cuộc tường thuật là thu dọn nhanh chóng để “khăn gói” vào Quảng Nam tiếp tục cuộc tường thuật.
Phải nói rằng, trong điều kiện phương tiện kỹ thuật lúc bấy giờ, trực tiếp 2 nơi, đặc biệt là điểm tại Quảng trường 24-3 Tam Kỳ truyền về Đà Nẵng, là điều đặt ra hết sức nan giải. Chính vì vậy, mấy ngày trước đó, anh em kỹ thuật phải lên phương án về đường truyền, thiết bị và phải tính đến những tình huống có thể xảy ra. Đến khi cuộc tường thuật thành công thì tất cả mọi người thở ra nhẹ nhõm.
Cũng có cuộc tường thuật trực tiếp ở trường quay. Chương trình kéo dài hơn 10 năm, có thể xem là 1 chương trình kỷ lục về sự sống của nó. Đó là “Cùng chúng tôi đối thoại”. Ngoài việc phục vụ các sự kiện lớn, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… chương trình còn là cầu nối giữa chính quyền và người dân.
Những bức xúc của nhân dân đã được phản ánh trực tiếp đến lãnh đạo cao nhất của địa phương và được giải đáp thỏa đáng, đặc biệt có buổi kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, trong khi chương trình chỉ cho phép được 1 giờ.
Một sự hy hữu cũng đã xảy ra. Số là tại TP. Đà Nẵng có diễn ra buổi tuyên dương những gia đình cách mạng, những người lao động xuất sắc toàn quốc có Chủ tịch nước đến dự và phát biểu. Một sơ sót đáng tiếc là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi không làm việc cụ thể với Đài Truyền hình Việt Nam nên buổi lễ tường thuật trực tiếp quan trọng này không được đưa vào kế hoạch.
Hôm ấy lại là ngày thứ 7 (ngày nghỉ cuối tuần), nếu không có kế hoạch gì anh em được nghỉ. Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức thực hiện ngay chương trình. Và, chưa đầy 30 phút sau khi huy động, xe ghi hình lưu động, xe truyền vệ tinh cũng như đội ngũ đạo diễn, quay phim, kỹ thuật… có mặt tại Nhà hát Trưng Vương và nối sóng nhanh với đài quốc gia, tường thuật kịp thời sự kiện quan trọng này.
Trên đây cũng chỉ là những nét chấm phá của các cuộc truyền hình trực tiếp - một thế mạnh của truyền hình - mà trong suốt chừng ấy thời gian (gần 39 năm) không biết số lượng chương trình bao nhiêu mà kể. Giờ đây, với sự trưởng thành vốn có của đội ngũ những người làm truyền hình ở Đà Nẵng, nay có thêm Huế và Phú Yên với thế mạnh của từng trung tâm, sự phối hợp chặt chẽ cùng nhau cũng như phương tiện kỹ thuật hiện đại, hy vọng sẽ mang lại những “món ăn tinh thần đầy thịnh soạn” không chỉ cho người xem trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà còn đến với người xem cả nước và thế giới.
NGUYỄN ĐÌNH SANG