Dịp năm mới 2016, hàng chục ngàn du khách đổ về cố đô Ayuthaya. Người Thái và cả người nước ngoài đều hướng về cố đô, bởi sự “linh thiêng báu vật” các đời vua – một thời phát triển rực rỡ; bởi nơi đây là sự hội tụ, hợp lưu của 3 dòng sông lớn; là sự “trị vì” của hàng chục ngôi chùa cổ kính mà linh nghiệm. Tết cổ truyền Việt Nam Bính Thân 2016 đã có hàng ngàn du khách Việt, du khách Huế - Đà Nẵng – Hội An đặt tour đến các điểm du lịch nổi tiếng ở Bangkok và cố đô Ayuthaya …
Tết Loy Krathong của người Thái, mọi người tưới nước vào nhau để gột rửa hết buồn phiền. Ảnh: Q.TOÀN |
Ngày 1-12-2015, tôi cùng nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Hữu Minh, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Bangkok tạm biệt các đồng nghiệp Thái 2 tỉnh Phetchabun và Phichit ở phía bắc, đến thẳng Ayuthaya để kịp tận hưởng không khí lễ hội Tết “thả đèn hoa”- Loy Krathong ở một cố đô phát triển rực rỡ hàng đầu Thái Lan. Ayuthaya cách thủ đô Bangkok 76km về phía bắc, trải dài trên diện tích hơn 289ha, một trong những di tích lịch sử, di sản văn hóa thế giới có sức hấp dẫn đặc biệt.
Tượng Phật nằm ở cố đô Ayuthaya, có từ thời đại vương triều Ayuthaya. Ảnh: Q.TOÀN |
Đón chúng tôi từ cửa ngõ thành phố cổ Ayuthaya, 3 đồng nghiệp báo chí địa phương Thái Lan là ông Sorn Khongsaipakin, đại diện Nhật báo Thairat, Phó Chủ tịch Hội báo chí địa phương; ông bà Jarungpan Koakiattrakul, Chanakul Sukhontavatana.
Phó chủ tịch Hội Sor Khongsaipakin tranh thủ thời gian, giới thiệu với các nhà báo Việt Nam trên đoạn đường đến khu công viên lịch sử cố đô: Với cố đô Ayutthaya, 4 thế kỷ lịch sử huy hoàng còn lưu lại qua hàng trăm công trình kiến trúc, chủ yếu được xây bằng gạch nung đỏ au.
Thành cổ được xây dựng từ năm 1350 bởi vua U-thong, bị quân Burma chiếm đóng và tàn phá năm 1767, kết thúc thời đại Ayutthaya. Có 33 đời vua thay nhau trị vì vương triều và xây dựng Ayutthaya thành thủ đô rực rỡ trong quá khứ.
Ở Ayutthaya đã từng có một nền nông nghiệp phát triển và những mối quan hệ giao thương thịnh vượng với các quốc gia châu Á, châu Âu. Năm 1758, đất nước Ayuttaya bị xáo trộn bởi một cuộc ganh đua tranh giành ngai vàng trong hoàng gia, dẫn đến kết quả thất bại thảm hại trong cuộc chiến với người Burma năm 1767.
Quân đội Burma khi xâm lược thủ đô đã ra lệnh đốt cháy và phá hủy nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, lộng lẫy của vương triều Ayutthaya. Những gì còn sót lại ở khu thành cổ chính là những chứng nhân lịch sử, tạo nên một cố đô hùng vĩ Ayutthaya ngày nay.
Nữ đồng nghiệp Chanakul Sukhontavatana xinh đẹp, vốn là phát thanh viên truyền hình Bangkok, tiếp lời: Khác với sự hoành tráng như sử sách ghi lại từ những năm 1350, Ayutthaya giờ đây là một phế tích với rất nhiều đền chùa cổ kính.
Công viên nằm bên bờ sông được hợp lưu bởi ba dòng sông là Chao Phraya, Mae Nam Lop Buri và Pa Sak; bao gồm nhiều quần thể: Wat Choeng Thar, Wat Suwandararam, Wat Phra Ram, Wat Mahathat, Wat Phra Mongkhon Bophit, Wat Phutthaisawan, Wat Pra Sri Sanphet, Wat Worachettharam, Wat Lokaya Suttha, Wat Yai Chaimongkhon, Wat Chaiwatthanaram…
Đồng nghiệp Thái Lan nhiệt thành hướng dẫn chúng tôi đi thăm nhiều tầng, lớp thành phố “phế tích” - cố đô Ayutthaya, bởi hàng trăm bức tường, ngọn tháp, ngôi đền sụp đổ chỉ còn một phần hay bị phá hủy hết chỉ còn nền móng… tất cả đều được bảo tồn cẩn trọng.
Một số kiến trúc trùng tu bằng vật liệu mới nhưng không hề gây sự phản cảm. Một số đền tháp khác được phục dựng gần như toàn bộ, kể cả những bức tượng Phật khổng lồ. Nhưng tất cả hài hòa một cách kỳ lạ với cảnh quan thiên nhiên chung quanh.
Ngày nay, thành phố cố đô Ayutthaya là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch vào bậc nhất ở Thái Lan. Người ta đến đây không chỉ là đến thăm quan một di sản văn hóa mà còn để tìm đến với Phật giáo, sợi dây kết nối hiện tại và quá khứ, và để tìm lại những bình yên, tĩnh lặng trong tâm hồn thời hội nhập hiện đại, cuộc sống luôn hối hả từng phút, từng giây.
Chúng tôi hỏi bạn về đêm “Rằm” Tết Loy Krathong tại cố đô Ayutthaya, nữ đồng nghiệp Chanakul Sukhonvatana sinh động hẳn lên: Như các bạn đã thấy, mới đêm hôm qua, hôm kia, nơi này có hàng vạn người đến dự hội té nước và thả đèn hoa.
Tại công viên cổ Ayutthaya, nơi hợp lưu của 3 dòng sông nổi tiếng Chao Phraya, Mae Nam Lop Buri, Pa Sak. Không ngẫu nhiên khi đế chế Ayutthaya chọn nơi đây làm thủ đô, hợp tụ 3 dòng nước lớn đổ về. Hội Loy Krathong có nơi nào đẹp và tuyệt vời bằng cố đô Ayutthaya: Nữ thần Nước - quá khứ - hiện tại - tương lai…
***
Một góc thành phố “phế tích”- cố đô Ayuthaya. |
Kỷ niệm sâu sắc trong mỗi chúng tôi thật sâu đậm về cố đô Ayuthaya, cách làm du lịch của người Thái ở các cố đô. Họ rất chuyên nghiệp trong khai thác vốn cổ; trùng tu tôn tạo di tích và cách giáo dục truyền thống – du lịch về cội nguồn. Sau ngày 1-1-2016, do công việc chúng tôi có dịp quay lại cố dô Ayuthaya.
Không khí lễ hội mừng năm mới vẫn ngập tràn, tươi mới, từng đoàn du khách châu Âu, châu Á, khách Thái đến Ayuthaya như trẩy hội. Quốc kỳ 10 quốc gia trong Cộng đồng ASAEN – hình thành từ 31-12-2015 tung bay trước gió. Những thảm hoa lan, hoa hướng dương, hoa cúc vàng, hoa hồng, hoa thược dược, hoa vạn thọ được trưng bày đẹp như những bức tranh khổng lồ bên các dòng sông hợp lưu, những hồ nước lớn có cầu bắc qua đi vào cung điện cổ.
Một đồng nghiệp Thái, Phó Chủ tịch Hội báo chí địa phương Ayuthaya kể lại, trong tuần lễ chào mừng năm mới 2016, không dưới 1 triệu lượt du khách đã đến cố đô Ayuthaya thưởng lãm, chiêm ngưỡng cố đô xưa, mặc dù Ayuthaya ngày nay chỉ còn là những phê tích. Riêng khu du lịch cưỡi voi ở cô đô, với nhiều màn voi trình diễn độc đáo, 5 ngày đã thu hút gần 500 ngàn lượt du khách.
Cố đô nước Thái Ayuthaya đón chào năm mới 2016 trong bầu không khí lễ hội thanh bình là vậy.
PHẠM QUỐC TOÀN