Người Đà Nẵng từng làm quen với hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) khi Hà Nội trở thành nơi đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2006. Hồi đó cùng với Hội An, Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ ba (SOM III) - một SOM quan trọng vì những thảo luận hợp tác của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Thương mại… và cả Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 đều do SOM này quyết định.
Nhận trọng trách ấy, Đà Nẵng đã tích cực chuẩn bị chu đáo trên nhiều mặt. Chẳng hạn, Furama Resort đầu tư 3 triệu USD xây dựng Cung hội nghị quốc tế - là địa điểm chính diễn ra các cuộc họp, trong đó có phiên họp toàn thể SOM III.
Tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng và Hội An cũng được gấp rút hoàn thành trước ngày khai mạc. Đặc biệt Đà Nẵng điều phối rất hiệu quả lực lượng “sĩ quan liên lạc” và tình nguyện viên phục vụ hội nghị… Đây cũng là tiền đề để một lần nữa Đà Nẵng được chọn và lần này được giao giữ vị trí trung tâm.
Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Từ SOM III đến nay, Đà Nẵng đã đi thêm mười năm trên hành trình phát triển của một thành phố trực thuộc Trung ương. Năm APEC 2017 cũng là năm Đà Nẵng kỷ niệm hai mươi năm thoát khỏi “chiếc áo chật” của một đơn vị hành chính cấp huyện.
So với mười năm trước, diện mạo đô thị của Đà Nẵng thay đổi trông thấy theo hướng văn minh hiện đại, với nhiều con đường mới mở hoặc mới mở rộng, nhiều khu dân cư mới được hình thành hay được chỉnh trang và Đà Nẵng đang được mệnh danh là Thành phố của những cây cầu...
Và chắc hẳn điều này sẽ tạo ấn tượng với các quan chức tham gia APEC 2017 từng đến Đà Nẵng dự SOM III 2006. Và ấn tượng trong họ không chỉ ở những thay đổi về cảnh quan đô thị mà còn và quan trọng hơn là ở những điều không thay đổi nơi thành phố bên sông Hàn, như lòng hiếu khách và nụ cười thân thiện của người Đà Nẵng, như ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên/bảo tồn động vật hoang dã mà biểu tượng nhận diện Đà Nẵng tại APEC 2017 - voọc chà vá chân nâu - là bằng chứng hùng hồn…
Tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An hình thành nhằm phục vụ APEC 2017. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Để chào đón các vị khách quý của 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Đà Nẵng còn phải làm nhiều việc nhằm tạo thêm ấn tượng về những thay đổi, chẳng hạn phải đẩy nhanh tiến độ xây mới Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hay tiến độ cải tạo Cung Thể thao Tiên Sơn để dự phòng địa điểm tổ chức Gala Dinner, hay tiến độ cải tạo Trung tâm Hội chợ triển lãm thành Trung tâm báo chí, hoặc tiến độ xây dựng mới một số khách sạn năm sao và một số cung hội nghị đầy tiện ích, kể cả tiến độ xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa…
Đương nhiên, nguồn tài lực của Đà Nẵng có hạn, khó có thể đáp ứng mọi yêu cầu, nhưng dẫu sao còn có thể trông chờ vào nguồn tài lực của Trung ương chi viện. Riêng đòi hỏi phải tạo thêm ấn tượng về những điều không thay đổi thì Đà Nẵng chỉ có thể dựa vào chính mình, bởi không ai có thể thay người Đà Nẵng bày tỏ lòng hiếu khách, không ai có thể thay người Đà Nẵng nở nụ cười thân thiện khẳng định “thương hiệu nụ cười”.
Cũng không ai có thể thay người Đà Nẵng gửi đến các thượng khách APEC 2017 bức thông điệp để đời của một thành phố môi trường: Quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt, quyết không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư!
SOM III 2006 hay Tuần lễ cấp cao APEC 2017… đều là hoạt động đối ngoại của đất nước, của quốc gia, nhưng hoàn toàn có thể trở thành trường học trực quan sinh động đối với Đà Nẵng về lễ tân ngoại giao, về năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế tầm cỡ.
Điều đó có nghĩa Đà Nẵng có cơ hội cùng lúc được “xuất ngoại tại chỗ” không chỉ một vài đoàn và không chỉ một vài nước. Đà Nẵng có thể không cần đi “ngày đàng” nào mà vẫn có thể học được cả “sàng khôn” về cách đón thượng khách quốc tế theo đúng nghi thức, chẳng hạn như cách đón ở sân bay - xe thang, trải thảm..., cách bố trí chỗ ngồi trên xe hay trong phòng họp, cách tặng hoa và nhất là tặng quà sao cho có thông điệp...
Thủy thủ trong Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2016 chụp ảnh lưu niệm trước lúc chia tay thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.V.ÁNH |
Nói chuyện tặng quà cho khách quốc tế, không nên quên bài học mà nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan-một nhà ngoại giao kỳ cựu - từng nhắc nhở:
“Quà tặng trong ngoại giao cũng phải mang sắc thái dân tộc, đồng thời phải bảo đảm chất lượng cao. Mặt khác khi tặng quà cần nắm được truyền thống và luật lệ của mỗi nước. Một thời ta hay tặng đồ sơn mài, nhiều khi là hàng chợ; chất lượng nghệ thuật rất thấp đã đành, chất lượng về mặt kỹ thuật cũng vô cùng tồi. Một lần tôi gặp Thượng nghị sỹ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa M’Caine (từng bị ta bắn rơi ở hồ Trúc Bạch, sau được bầu làm Thượng nghị sĩ, có lúc đã ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ); khi chia tay, ông đề nghị tôi nán lại một chút rồi đi vào phòng bên lấy ra một bức tranh sơn mài Việt Nam đã cong vênh rồi nói: Các bạn nên chú ý chất lượng quà tặng, tôi hiểu Việt Nam thì không sao, nếu là người khác thì không hay! Thật tình tôi ngượng chín cả mặt, chỉ còn biết hứa sẽ để ý việc này”.
Thật quá thấm thía và mong rằng những người phụ trách về quà tặng của nước chủ nhà và thành phố chủ nhà của APEC 2017 sẽ không để lãnh đạo Đảng và Chính phủ phải ngượng chín cả mặt thêm một lần nào nữa.
So với mười năm trước, diện mạo đô thị của Đà Nẵng thay đổi trông thấy theo hướng văn minh hiện đại, với nhiều con đường mới mở hoặc mới mở rộng, nhiều khu dân cư mới được hình thành hay được chỉnh trang và Đà Nẵng đang được mệnh danh là Thành phố của những cây cầu... |
Trong lễ tân ngoại giao, nhiều việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu thiếu chu đáo, thậm chí tắc trách dẫn đến sơ suất không đáng có, nhiều khi ảnh hưởng đến cả đại cục.
Ngoài việc tặng quà vừa nêu trên, còn có việc treo cờ/cắm cờ nước ta và các nước - cũng là điều cần chú ý và nhất là hết sức tránh việc treo/cắm nhầm cờ. Lịch sử lễ tân ngoại giao không phải không có những trường hợp chủ nhà treo/cắm nhầm quốc kỳ. Mùa hè năm 2000, Israel treo nhầm cờ Vương quốc Bỉ thay vì phải treo cờ Cộng hòa Pháp trong khi đón Tổng thống Pháp thăm Israel. Hoặc ngay trước khi nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Thủ tướng Anh Tony Blair xuất hiện trước báo giới vào một buổi tối tháng 11 năm 2006 ở London, một nhà ngoại giao Đức phát hiện rằng thay vì phải cắm lá cờ với 3 sọc ngang đen - đỏ - vàng của Đức thì người Anh lại cắm lá cờ 3 sọc dọc đen - vàng - đỏ của Bỉ.
Treo nhầm quốc kỳ còn có nghĩa là treo một lá cờ sai lệch so với quốc kỳ của nước nào đó, chẳng hạn như câu chuyện về quốc kỳ Trung Quốc sáu sao - đúng ra chỉ có năm sao - ở Hà Nội năm 2011. Treo cờ ngược cũng là một kiểu sai lệch.
Trước thềm cuộc họp quan trọng giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry về tình hình Syria, Trung Đông và khủng hoảng Ukraine hồi đầu năm 2016 ở Zurich, Thụy Sĩ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rất bối rối và ngượng ngùng khi một nhà quay phim phát hiện quốc kỳ Nga gồm có 3 dải màu ngang bằng nhau: màu trắng ở trên cùng, màu xanh dương ở giữa và xếp cuối cùng là màu đỏ, đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ treo ngược: màu đỏ xếp trên cùng còn màu trắng ở dưới cùng.
Ngay quốc kỳ Việt Nam cũng nhiều lần bị treo ngược - đầu ngôi sao vàng chúc xuống dưới. Dẫn ra nhiều chuyện như vậy không phải để tạo cớ cho người Việt và người Đà Nẵng biện minh rằng cả thiên hạ đều vậy huống chi ta, mà chủ yếu để nói rằng đây là việc hệ trọng và có nhiều khả năng nhầm lẫn, đòi hỏi rất cao không chỉ tính cẩn thận chu đáo mà còn là trách nhiệm đối với thể diện quốc gia.
Ngày 20-8-2016, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố đã quyết định chủ trương chọn voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà là hình ảnh nhận diện thành phố nhân sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Ảnh: Nguyễn Xuân Tư |
Tháng 11 vừa qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng được tháp tùng Đoàn Cấp cao Việt Nam sang thủ đô Lima - Cộng hòa Peru để học tập kinh nghiệm đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2016 của quốc gia Nam Mỹ này. Có lẽ kinh nghiệm lớn nhất là nước chủ nhà phải tìm cơ hội tối đa để quảng bá các mặt mạnh của mình.
Nguyên Đại sứ nước ta tại Brazil Nguyễn Thạc Dĩnh từng kể rằng, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Brazil Lula tới Việt Nam vào năm 2008, sau khi kết thúc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Lula nói với Chủ tịch nước: “Thưa Ngài Chủ tịch, tôi có một điều khiếu nại”, rồi nói tiếp: “Điều khiếu nại là tôi được biết Việt Nam là nước xuất khẩu cà-phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil, thế mà trong cuộc hội đàm này, các bạn chỉ mời tôi uống nước chè, không cho tôi được thưởng thức hương vị đậm đà của cà-phê Việt Nam”.
Đà Nẵng có thể học tập điều gì qua câu chuyện nước chè hay cà-phê này không? Đương nhiên mời khách uống nước chè hay uống cà-phê là một sự lựa chọn không quá khó so với việc sẽ lựa chọn tác phẩm điêu khắc nào để “sánh vai các cường quốc năm châu” trong Vườn tượng APEC tại khu vực vỉa hè phía đông đường Võ Nguyên Giáp phạm vi nút giao với đường Đỗ Bá - người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ Hoàng Sa.
Vườn tượng độc đáo này nằm trên địa phận Ngũ Hành Sơn nhưng chắc những sản phẩm thủ công của nghệ nhân Làng đá mỹ nghệ Non Nước dẫu tài hoa đến mấy cũng khó có chỗ trong một tập hợp đầy sáng tạo nghệ thuật và bản sắc văn hóa của các nghệ sĩ điêu khắc tài năng tiêu biểu cho 21 nước như là Vườn tượng APEC 2017.
Không ai có thể thay người Đà Nẵng bày tỏ lòng hiếu khách, không ai có thể thay người Đà Nẵng nở nụ cười thân thiện khẳng định “thương hiệu nụ cười”. Cũng không ai có thể thay người Đà Nẵng gửi đến các thượng khách APEC 2017 bức thông điệp để đời của một thành phố môi trường. |
TRẦN NGUYÊN HẬU