.

Lòng tin của nhân dân vào Đảng

.

Lòng tin là một phạm trù văn hóa chính trị. Được lòng tin của dân chúng là có tất cả. Mất lòng tin của dân chúng là mất hết. Xây dựng Đảng là xây dựng lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Trong sự phát triển của thành phố, có sự đồng thuận rất lớn của các tầng lớp nhân dân.  Trong ảnh: Quang cảnh cầu Rồng trong ngày khánh thành, 29-3-2013.  Ảnh: ĐẶNG NỞ
Trong sự phát triển của thành phố, có sự đồng thuận rất lớn của các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Quang cảnh cầu Rồng trong ngày khánh thành, 29-3-2013. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Công tác xây dựng Đảng qua 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, “làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ” như Đảng ta đã thẳng thắn kiểm điểm trong Đại hội XII; “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.

Nhận diện những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” là hết sức cần thiết, nhưng như Hội nghị Trung ương 6 lần 2 đã phân tích, “nếu chỉ liệt kê các biểu hiện suy thoái về mặt đạo đức, trong đó có tham nhũng thì chứng minh bao nhiêu cũng không đủ, càng nói càng thấy đau xót”; “nếu nói kỹ thì dài lắm, nhiều lắm”. Vấn đề là phải chỉ ra trúng nguyên nhân, chiều sâu bản chất của vấn đề để chữa tận gốc, chữa một cách cơ bản.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII phân tích nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm toàn diện và sâu sắc, trong đó có nguyên nhân sâu xa bản chất, đó là cán bộ, đảng viên “chưa theo đúng đường lối nhân dân”, tức là chưa đánh giá đúng, đánh giá hết vai trò to lớn của nhân dân; chưa thấy hết tài năng, trí tuệ sức mạnh vĩ đại của dân; chưa thấy của cải trong nhân dân; chưa thấy sức mạnh quyền hành, lòng tốt và sự hăng hái của dân như Bác Hồ đã dạy.

Việc xử lý nhiều cán bộ hư hỏng chưa nghiêm, kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Trong khi thiếu vắng những tấm gương, sự tự giác, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp thì lại xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức vụ trong bộ máy Nhà nước, những cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, không chịu trách nhiệm về sự hư hỏng của mình, đổ lỗi cho tập thể, dùng con bài “đúng quy trình” để che chắn.

“Tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” là mảnh đất màu mỡ, tiếp tay cho “diễn biến hòa bình”. Không một thế lực thù địch nào có thể bôi nhọ được ta, xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ ta, ngoại trừ chúng ta tự bôi nhọ, tự đánh đổ bằng chính sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Chúng ta không chủ quan nhưng không nhấn mạnh “diễn biến hòa bình”. Kẻ thù bên ngoài không đáng sợ. Kẻ thù bên trong đáng sợ hơn, vì nó không mang gươm mang súng nhưng lại phá ta từ trong phá ra, là bạn đồng minh của kẻ thù bên ngoài. Muốn diệt kẻ thù bên ngoài trước hết phải diệt thù trong để củng cố, giữ vững được lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Cần tiến hành đồng bộ hệ thống giải pháp để xây dựng Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu lên, trong đó đặc biệt phải dựa vào dân, phát huy dân chủ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nếu sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì chống các biểu hiện suy thoái của đảng viên, cán bộ cũng phải là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử thì cũng chính nhân dân sẽ làm nên thắng lợi trong cuộc chiến chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển hóa”, “tư diễn biến” trong nội bộ .

Hồ Chí Minh dạy: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tội tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” (1).

Đảng phải tin dân, dựa vào dân để kiểm soát quyền lực. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân, nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết. Rời xa dân chúng là cô độc.

Cô độc thì nhất định thất bại. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ, là gốc. Vì vậy, “muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”. Điều chủ chốt trong tư tưởng Nhà nước của dân là bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Theo Bác “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hành chữ liêm”. Dân ủy thác quyền lực cho cán bộ thì dân phải có quyền kiểm soát quyền lực đó. Nhà nước của dân thì dân phải được biết mọi điều một cách công khai, minh bạch (trừ bí mật quốc gia). Ở đâu tù mù thì ở đó có tiêu cực. Hiện nay chúng ta còn nhiều nơi, nhiều việc tù mù.

Dựa vào dân để làm công tác cán bộ và tổ chức. Xưa nay, nhiều việc ta làm theo kiểu “tự mình”, có tính chất nội bộ, “đóng cửa bảo nhau, rút kinh nghiệm”. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái, “tự chuyển hóa”, “tự chuyển biến”.

Giải pháp tự phê bình và phê bình trong Đảng là cần thiết, nhưng cần hơn là tự phê bình trước dân chúng, có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Phải tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết.

Hồ Chí Minh dạy rằng “nếu dân chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích”. Theo Người, “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(2).

Để đẩy lùi được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cần phải làm theo cách Lê-nin và Hồ Chí Minh dạy: nhổ cỏ tận gốc, nhổ đi nhổ lại cho sạch hết cỏ rác quan liêu, tham nhũng. Bắt một người tham nhũng, biến chất là cần thiết, nhưng có nghĩa lý gì, vì còn hàng nghìn hàng vạn tên giặc như nó. Vấn đề là phải tìm ra cái gốc sinh ra con người đó.

Cái gốc đó có thể là cả một đường dây, một hệ thống, nhưng phải tìm được cái gốc, rễ cái. Một cá nhân không thể tự luân chuyển, tự lên chức, làm thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Phải truy đến cùng cá nhân nào, bộ phận nào, thế lực nào “chống lưng”, làm điểm tựa cho những con người hư hỏng đó. Không thể để tình trạng đổ lỗi cho nhau, không ai chịu trách nhiệm.

Đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng lớn là cần, nhưng đó vẫn chỉ là ngọn. Cần hơn là đào được gốc. Vì chưa đào được gốc nên vụ tham nhũng này chồng lên vụ tham nhũng khác. Khi đã tìm ra cái gốc rồi thì phải xử lý nghiêm.

Nếu không xử phạt nghiêm thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Hồ Chí Minh viết: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(3). Hồ Chí Minh dẫn lại lời Lê-nin viết về việc tòa án nhân dân Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ ăn hối lộ: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy - đó là một điều xấu hổ cho những người cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng”(4).

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là do chủ nghĩa cá nhân, tức là giặc nội xâm, loại giặc này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Vì vậy, phải có những biện pháp mạnh với loại giặc này, không thể vuốt ve, vỗ về.

Loại người này không còn dây thần kinh xấu hổ nên không thể giáo dục chính trị tư tưởng, kêu gọi tự phê bình và phê bình. Nếu trong một tổ chức mà một bộ phận không nhỏ suy thoái thì việc giáo dục, tự phê bình và phê bình sẽ bị vô hiệu hóa; thiểu số tích cực sẽ bị đa số tiêu cực loại bỏ ra khỏi cuộc chiến chống cái ác.

Thực tế cho thấy rằng sự tha hóa không thể chấm dứt chỉ bằng tu dưỡng ý thức đạo đức; bằng giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; nó bị đánh bại bở cơ chế, tính khoa học của bộ máy, tính nghiêm minh của pháp luật, sức mạnh của quần chúng, cơ bản nhất bởi nền dân chủ - dân chủ trong Đảng, trong xã hội, làm cho dân dám nói, dám phê bình Đảng, Chính phủ và cán bộ, đảng viên. Nhưng phần tác động lại của của tu dưỡng ý thức không phải thứ yếu.

Cơ chế, bộ máy tốt mà con người hư hỏng, cố tình xuyên tạc nó thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy nổi hiệu lực, thậm chí thành công cụ của cái xấu, cái ác. Các giải pháp trên phải được tiến hành đồng bộ, hỗ trợ và bổ sung nhau.

Nhưng giải pháp quan trọng nhất, cái gốc của mọi giải pháp theo tư tưởng Hồ Chí Minh là động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân. Trên cơ sở nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, từ lời nói đến việc làm, từ “đức trị” đến “pháp trị”, từ cơ chế chính sách đến công tác cán bộ, từ nguyên tắc sinh hoạt đảng đến việc nêu gương... phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu - dân tâm phục, khẩu phục, để củng cố, giữ vững lòng tin của nhân dân vào Đảng. Xây dựng Đảng, xét đến cùng là xây dựng lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Bởi vì, dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Được lòng tin của dân là có tất cả. Mất lòng tin của dân là mất hết.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.10, tr.576.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.297.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.641.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.496.

;
.
.
.
.
.