Báo Đà Nẵng xuân 2017
Những điều học hỏi từ Peru
Lima, thủ đô xinh đẹp của Peru nằm bên bờ Đại Tây Dương, là địa điểm diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 24. Đây không phải lần đầu tiên Peru đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC và thủ đô Lima cũng không quá xa lạ với sự kiện quốc tế.
Kinh nghiệm đó cùng với công tác chuẩn bị chu đáo và quá trình tổ chức chuyên nghiệp của nước chủ nhà đã làm nên kỳ APEC thành công, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng quan khách.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 ở Peru. Ảnh: Reuters |
Có dịp đặt chân đến Lima trong những ngày tháng 11-2016 cùng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao để quan sát cách tổ chức sự kiện quốc tế lớn này, đoàn cán bộ thành phố Đà Nẵng đã học hỏi những kinh nghiệm quý báu trên nhiều phương diện, từ công tác bảo đảm an ninh, cơ sở vật chất đến cách thức quảng bá đất nước, để chuẩn bị cho các hoạt động của Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang, Huế, Hội An, mà điểm nhấn là Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.
Lực lượng an ninh hùng hậu
Công tác an ninh được đặt lên hàng đầu trong thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC. Bộ Cảnh sát quốc gia Peru đã huy động hơn 11.000 nhân viên cảnh sát và an ninh để bảo đảm an ninh trong suốt Tuần lễ cấp cao APEC. Lực lượng này được bố trí tại các địa điểm diễn ra hội nghị, sân bay và khách sạn nhằm bảo đảm an ninh cho các đoàn nguyên thủ, bộ trưởng và đại biểu các nền kinh tế thành viên.
Bộ phận cảnh sát khác luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng tác chiến để bảo vệ thủ đô cũng như bảo đảm an ninh trật tự cho thành phố này. Ngoài ra, gần 500 xe cảnh sát, 4 trực thăng tuần tra trên không và đội chuyên trách cứu hỏa cũng được tăng cường. Lực lượng bảo vệ an ninh còn hợp đồng với các công ty vệ sĩ chuyên nghiệp của tư nhân để hỗ trợ cảnh sát bảo vệ vòng ngoài các địa điểm trọng yếu theo kế hoạch bảo vệ chung.
Do Trung tâm Hội nghị Lima, địa điểm diễn ra Hội nghị cấp cao APEC, nằm ngay trung tâm thành phố, người dân địa phương được yêu cầu đăng ký cư trú và phương tiện để có thể ra vào những khu vực hạn chế. Người dân Lima được thông báo nghỉ lễ 3 ngày cao điểm của Tuần lễ cấp cao và được khuyến khích đi du lịch xa để hạn chế lưu lượng giao thông trên đường phố. Với dân số hơn 10 triệu người và hệ thống giao thông đa dạng, phức tạp, việc hạn chế ùn tắc giao thông là điều thiết yếu cho những sự kiện mang tầm quốc tế.
Chúng tôi thực sự ấn tượng với lực lượng an ninh hùng hậu. Các vệ sĩ trong thường phục vest và cravat được bố trí tại các khu vực hội nghị; trong khi cảnh sát quốc gia trong quân phục và trang bị vũ khí là lực lượng cơ động, có mặt trên các tuyến phố chính, bên ngoài Trung tâm Hội nghị Lima và tại khách sạn nơi các đoàn cư trú.
Với sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trên phương án an ninh chung và hoạt động diễn tập trước đó, Peru đã hoàn thành tốt vai trò của chủ nhà Tuần lễ cấp cao APEC mà không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Trung tâm Báo chí ở Lima được thiết kế gồm 3 phòng họp báo (với sức chứa từ 150 - 300 ghế), các phòng tác nghiệp của phóng viên, phòng kỹ thuật. |
Cơ sở vật chất thuận tiện, chuyên nghiệp
Chúng tôi có dịp khảo sát cơ sở vật chất phục vụ các sự kiện của Tuần lễ cấp cao như Trung tâm Hội nghị Lima, Trung tâm Báo chí quốc tế, Nhà hát lớn thành phố và sân bay. Trung tâm Hội nghị Lima nằm ngay trung tâm thủ đô là khu phức hợp tổ chức sự kiện của thành phố.
Với tổng diện tích 86.000m2, trong đó 15.000m2 được bố trí thành 18 phòng hội nghị đa chức năng, với diện tích mỗi phòng từ 100 - 3.500m2, đáp ứng tất cả yêu cầu tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2016, hơn 100 cuộc họp, trong đó có những phiên họp kín giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC, đối thoại giữa Hội đồng tư vấn doanh nhân APEC với các nhà lãnh đạo, Hội nghị Bộ trưởng, Hội nghị Trưởng SOM và các cuộc gặp song phương đều được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Lima.
Trung tâm Báo chí quốc tế cũng là công trình độc đáo. Được đặt trong khuôn viên tòa nhà Bộ Văn hóa, nằm sát ngay Trung tâm Hội nghị Lima và Nhà hát lớn thành phố, Trung tâm Báo chí được thiết kế gồm 3 phòng họp báo (với sức chứa từ 150 - 300 ghế), các phòng tác nghiệp của phóng viên, phòng kỹ thuật. Đặc biệt, hành lang của Trung tâm bố trí như một địa điểm gặp gỡ, được thiết kế và trang trí sinh động nhằm tạo không gian giao lưu, thư giãn cho phóng viên trong thời gian tác nghiệp.
Có thể nói, việc bố trí các địa điểm tổ chức hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại cùng một khu vực là điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức nói chung và bảo đảm an ninh, y tế nói riêng.
Quảng bá ấn tượng hình ảnh Peru
Có thể nói, công tác quảng bá hình ảnh và tiềm năng phát triển của đất nước Peru đến bạn bè quốc tế được xem là một trong những thành công của nước chủ nhà. Trước khi đến Peru, hiểu biết của chúng tôi về quốc gia Nam Mỹ này dường như rất hạn chế.
Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần ở đây và tham dự các hoạt động bên lề Tuần lễ cấp cao APEC, hình ảnh đất nước Peru với bề dày lịch sử - văn hóa, giàu tiềm năng kinh tế và con người thân thiện đã in đậm trong mỗi thành viên trong đoàn, điều đó cho thấy hiệu quả của công tác quảng bá hình ảnh mà Peru đã thực hiện.
Tại khu vực Trung tâm Hội nghị Lima và Trung tâm Báo chí, các áp-phích cỡ lớn với hình ảnh độc đáo về Peru được treo trên tường, pa-nô trang trí, hay dọc hành lang các phòng họp, khiến quan khách không thể không chú ý, từ đó họ lên kế hoạch tham quan thực địa khi có thể.
Trung tâm Hội nghị Lima cũng dành riêng một khu vực để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Peru phục vụ đại biểu tham quan trong giờ giải lao. Để quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế, nước chủ nhà sử dụng hàng chục màn hình tivi (lớn và vừa) phát liên tục các video giới thiệu tiềm năng kinh tế khác nhau của Peru tại khu vực sảnh chờ. Ngoài ra, mỗi đại biểu nhận được một ấn phẩm giới thiệu môi trường đầu tư và kinh doanh của Peru, được đặt sẵn tại phòng khách sạn với lời đề tặng từ Ban tổ chức APEC.
Việc quảng bá hình ảnh đất nước Peru cũng được thực hiện thông qua chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại tiệc chiêu đãi trọng thể (Gala Dinner) của Tổng thống Peru. Chương trình biểu diễn đã giới thiệu lịch sử phát triển và hình thành của nền văn hóa dân tộc với đỉnh cao là nền văn hóa Inca có ảnh hưởng sâu rộng tại khu vực các quốc gia Nam Mỹ. Vì vậy, khá nhiều đại biểu đã đăng ký tham gia các tour tham quan do Ban tổ chức tổ chức.
Đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng học tập kinh nghiệm tại Peru. |
Yếu tố con người làm nên thành công trọn vẹn
Người dân Peru thân thiện, mến khách cũng để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Đón chúng tôi khi đặt chân đến sân bay là các sĩ quan liên lạc do Bộ Ngoại giao bố trí. Anh Pedro Bravo, quan chức ngoại giao phụ trách đoàn Việt Nam, mặc dù tất bật với việc phục vụ đoàn cấp cao, vẫn dành thời gian và nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi về công tác chuẩn bị.
Anh cũng giới thiệu chúng tôi với các đồng nghiệp để trao đổi những công việc liên quan khác. Bên cạnh đó là đội ngũ tình nguyện viên với các nhóm ngôn ngữ khác nhau từ các trường đại học. Ngoài tình nguyện viên thông thạo tiếng Anh, chúng tôi cũng gặp một số em nói tiếng Trung và tiếng Nhật, tận tình hỗ trợ thông tin tại sân bay, Trung tâm Báo chí và khách sạn.
Hầu hết các quan chức, nhân viên và tình nguyện viên đều sẵn sàng chia sẻ thông tin với chúng tôi - những người đến Lima với vai trò quan sát và học hỏi kinh nghiệm. Người dân Peru mà đoàn gặp tại các điểm tham quan, trung tâm thương mại, nhà hàng đều thân thiện, cởi mở với du khách nhưng đa phần nói tiếng Tây Ban Nha nên khiến chúng tôi gặp trở ngại đôi chút trong giao tiếp.
Đối với chúng tôi, chuyến công tác Peru là trải nghiệm quý giá để quan sát và đề xuất những cách làm hay khi Đà Nẵng được vinh dự chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017. Cũng cần nhìn nhận rằng, mỗi nền kinh tế thành viên APEC có cách thức tổ chức khác nhau, tùy thuộc điều kiện và hoàn cảnh của từng nền kinh tế.
Không thể phủ nhận kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của nước chủ nhà Peru và thành phố Lima đã làm nên thành công Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng khả năng thành phố Đà Nẵng sẽ đảm đương tốt vai trò hỗ trợ các cơ quan Trung ương của Việt Nam trong công tác tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017, từ đó để lại dấu ấn trong lòng quan khách và bạn bè quốc tế về một Việt Nam đổi mới, năng động, hội nhập và phát triển thông qua hình ảnh một thành phố Đà Nẵng trẻ trung, hấp dẫn, với nhiều cơ hội hợp tác về đầu tư, thương mại và du lịch.
LÂM QUANG MINH
Được thành lập vào năm 1989, Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) hiện là diễn đàn kinh tế có quy mô lớn nhất tại khu vực này. Theo số liệu năm 2015, 21 nền kinh tế thành viên APEC (nằm trên 4 châu lục - Mỹ, Á, Âu và Đại Dương) chiếm xấp xỉ 59% tổng GDP và 49% kim ngạch thương mại của thế giới, bao gồm : Úc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Canada, Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Bắc (Trung Quốc), Mexico, Papua New Guinea, Chile, Peru, Nga và Việt Nam. APEC được thành lập nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa các nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tuyên bố Bogor vào năm 1994, các nhà lãnh đạo APEC cam kết hạ các hàng rào thương mại nhằm thúc đẩy dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ và vốn trong các nền kinh tế thành viên. Theo tuyên bố này, đến năm 2020, APEC sẽ đạt mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Các hoạt động của APEC dựa trên 3 trụ cột: tự do hóa thương mại và đầu tư; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Các nền kinh tế thành viên đưa ra những cam kết tự nguyện về lộ trình liên tục cắt giảm thuế quan, nới lỏng quy chế tiếp cận thị trường dịch vụ, tiến hành tự do hóa đầu tư. Để thuận lợi hóa kinh doanh, các nền kinh tế thành viên tiến hành các kế hoạch hành động tập thể (CAP) trên 15 lĩnh vực (thủ tục hải quan, quyền sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ, thuế quan…). Chương trình Hợp tác kinh tế kỹ thuật (ECOTECH) được thực hiện dưới dạng dự án và chương trình hợp tác nhắm tới các lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng và thực hiện chính sách cho các nền kinh tế đang phát triển - trong đó có Việt Nam. Trên thế giới, APEC là tổ chức liên chính phủ quốc tế duy nhất cam kết hạ hàng rào thương mại và đầu tư, nhưng các thành viên lại không bị buộc thực hiện các nghĩa vụ có tính ràng buộc pháp lý. Để làm được điều này, APEC thúc đẩy các cuộc đối thoại mở, trong đó mọi quyết định đều dựa trên sự thống nhất của các bên tham gia. Các nền kinh tế thành viên APEC có tiếng nói bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Một trong các nguyên tắc hoạt động của APEC là bảo đảm tính phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). APEC gắn chặt các cam kết của mình với các cam kết trong khuôn khổ WTO theo hướng thực hiện sâu hơn và sớm hơn (nên còn được gọi là WTO+ ). Như vậy, APEC cụ thể hóa, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư mà WTO đề ra trên bình diện khu vực. Ngoài ra, APEC còn có những nguyên tắc hoạt động khác như bảo đảm công khai, không phân biệt đối xử, linh hoạt… Mỗi năm, một nền kinh tế thành viên của APEC sẽ làm “chủ nhà” cho các cuộc họp của diễn đàn. Từ năm 1989-1992, APEC tổ chức các cuộc đối thoại không chính thức ở cấp các quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng. Năm 1993, theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Bill Clinton, APEC thống nhất tổ chức hội nghị đầu tiên của các nhà lãnh đạo kinh tế hằng năm, với mục đích xác lập tầm nhìn và chiến lược cho hợp tác khu vực. Việt Nam, cùng với Peru và Nga, là nước có “tuổi đời” trong APEC trẻ nhất (gia nhập vào tháng 11-1998). Chủ đề của Năm APEC 2017 tại Việt Nam là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. “Tạo động lực mới” được xem là nhu cầu cấp bách của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại khu vực và toàn cầu đang chậm lại. “Vun đắp tương lai chung” là mục tiêu dài hạn của APEC, bao gồm hòa bình, ổn định, tăng trưởng, liên kết và thịnh vượng. Năm APEC 2017 tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 12-2016 với hội nghị không chính thức của quan chức cao cấp (ISOM) tại Hà Nội. Sự kiện của Năm APEC 2017 sẽ trải ra nhiều tháng trong năm tại 10 thành phố của Việt Nam, gồm Hà Nội, Nha Trang, Hạ Long, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hội An, Ninh Bình, Vinh và chốt lại với Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Biểu trưng Năm APEC Việt Nam 2017 có 3 màu chủ đạo, thể hiện 3 trụ cột hợp tác của APEC. Họa tiết đàn chim Lạc bay cũng chính là một biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn Việt Nam, thể hiện tinh hoa văn hóa của một đất nước giàu truyền thống và luôn hướng về nguồn cội. KHANG NINH tổng hợp |