Báo Đà Nẵng xuân 2017
Từ nước Mỹ, nghĩ về "Giấc mơ Đà Nẵng"...
Bang California có thành phố Los Angeles, Las Vegas năng động, xinh đẹp và cảng biển Long Beach tấp nập hàng hóa mỗi ngày. Nơi đây khá nhiều người Việt sinh sống. Họ rất gần gũi, thân thiện, khiến tôi cảm giác như đang sống ở quê nhà.
Trong thời gian công tác ở đây, tôi gặp một người chủ động đến trò chuyện và kể cho tôi nghe dự định nghỉ lễ của gia đình, là sẽ về Việt Nam du lịch và đến nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng. Theo chị, Đà Nẵng là thành phố có cảnh sắc tuyệt vời, mang đậm dấu ấn Việt Nam. Đó cũng chính là một trong những địa phương đi tiên phong, thực hiện chính sách đổi mới, mà anh Nguyễn Bá Thanh là người tiêu biểu, thân thiện và tài giỏi đã gây dựng Đà Nẵng có được thương hiệu về du lịch mà nhiều người Việt ở Cali biết tiếng.
Thành phố Los Angeles - Mỹ. (Ảnh tư liệu) |
Đến thăm Oakland - thành phố cảng kết giao với Đà Nẵng
Theo sự chỉ dẫn của chị, tôi có dịp khám phá Los Angeles - thành phố điện ảnh và Las Vegas - thành phố vui chơi nổi tiếng trên toàn thế giới. Tôi lại có dịp đến thăm cây cầu treo Golden Gate, được coi là dài nhất thế giới, biểu tượng của thành phố San Francisco và thủy điện Hoover Dam, một trong 100 kỳ quan thế giới ở thế kỷ XX.
Đến thăm cảng Oakland thuộc bang California, tôi được biết đây là cảng container lớn thứ tư ở Hoa Kỳ và là một trong những cảng quốc tế có quy mô lớn trên thế giới. Từ những năm 2005-2006, dù mới được thành lập, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco đã phối hợp chặt chẽ với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ, phát triển thêm quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Oakland, cụ thể giữa cảng Đà Nẵng và cảng Oakland.
Có một điều thú vị được nhắc đến trong lễ ký biên bản ghi nhớ sự hợp tác giữa hai thành phố: Trong chiến tranh Việt Nam, cảng Oakland là nơi các thiết bị chiến tranh được xếp xuống tàu gửi sang Việt Nam. Đà Nẵng chính là nơi đầu tiên những lính Mỹ đặt chân đến Việt Nam. Nay, hai thành phố đã thực sự “biến chiến trường thành thương trường”, nơi của sự hợp tác cùng phát triển hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ.
Khi hai thành phố chính thức ký kết thỏa thuận quan hệ hợp tác toàn diện và hỗ trợ phát triển thương mại cảng Đà Nẵng và cảng Oakland thì thỏa thuận hợp tác này sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực bốc xếp, điều hành cho cảng Đà Nẵng, một trong những cảng lớn nhất miền Trung Việt Nam với công suất bình quân 5.000 tấn/ngày và có thể tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 50.000 tấn.
Lại nói về Oakland, nơi đây có tạc bức tượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong công trình Tượng đài Nhân Đạo nhằm tôn vinh các nhân vật hy sinh vì nhân loại, dấn thân đấu tranh cho nhân quyền thế giới.
Nhìn tổng thể cả một thành phố vừa phát triển kinh tế, vừa tôn trọng văn hóa, lịch sử, con người một cách bình đẳng, không phân biệt màu da, tôn giáo, sắc tộc, tôi càng hiểu rõ hơn vì sao Đà Nẵng và Oakland quyết định ký kết hợp tác toàn diện.
Dường như trong đường lối ngoại giao này, họ đã tìm được tiếng nói chung, lợi ích chung và cả sự tương đồng để cùng nhau phát triển. Nhìn ngắm thành phố yên bình và thơ mộng, tôi càng thêm hy vọng vào một tương lai không xa, khi chúng ta có những người bạn tốt và tin cậy, Đà Nẵng sẽ sớm bắt nhịp với xu thế hiện đại để phát triển xứng tầm với các nước trong khu vực, thế giới.
Đến cảng Long Beach - một trong những cảng biển sạch nhất thế giới, tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp mê hồn của màu nước xanh biếc. Đây là cảng khai thác dầu mỏ nhưng từ lâu nơi đây đã sớm xây dựng các chương trình về phòng chống sự cố tràn dầu, có các hạt và quản lý tốt hiệu quả giao thông tàu. Bài học về khai thác biển kết hợp với bảo vệ môi trường cũng là vấn đề mà Đà Nẵng phải quan tâm trên con đường hội nhập và phát triển kinh tế về hướng biển.
Tầm nhìn chiến lược và tư duy biển
Mỗi tiểu bang, thành phố đều có thế mạnh riêng của mình. Với California và Đà Nẵng, giống nhau ở chỗ, nơi đây cùng có núi, có sông, có đồng bằng và cảng biển. Từ Califonia nước Mỹ nhìn về Đà Nẵng, càng thấm thía rằng, cần phát triển kinh tế biển với một tư duy mới để tạo bước đột phá.
Bởi nhiều thế kỷ trước, những người dân ở tiểu bang California đã biết mở rộng đường biển, nạo vét sâu đường hàng hải để phát triển giao thương giữa các thành phố, giữa các quốc gia và giữa các châu lục, nhờ đó dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu luôn phát triển, các mặt hàng trong nước có ở khắp mọi nơi và các thương nhân cũng vì thế tìm đến để giao dịch.
Trong khi đó, chúng ta đang thiếu sự can thiệp của máy móc công nghệ hiện đại, lại phụ thuộc vào sức người và thiên nhiên “mưa thuận gió hòa” dẫn đến năng suất khai thác biển khiêm tốn và nguồn hàng không ổn định, tàu chở còn hạn chế, chưa kể đến các sản phẩm chế biến thủy sản chưa thực sự đa dạng, phong phú và đủ sức cạnh tranh.
Cuộc sống của ngư dân bấp bênh và nhiều rủi ro. Để phát triển thành phố đạt được mục tiêu “Thành phố 4 an”, rõ ràng con đường phía trước của Đà Nẵng không hề bằng phẳng. Chúng ta rất cần một tầm nhìn chiến lược.
Ví như cảng Long Beach, khi xây dựng một cảng biển sầm uất, họ đã nghĩ đến các rủi ro phải đối phó và các biện pháp phòng ngừa khi gặp sự cố tràn dầu nhằm bảo vệ biển trong sạch, thu hút khách du lịch. Hay như quy hoạch thành phố Los Angeles theo hướng chuyên sâu - Thành phố điện ảnh và Las Vegas - nổi tiếng với những sòng bạc hấp dẫn. Với tầm nhìn xa và mục đích kép, họ đã không chỉ thành công kép, mà là thành công toàn diện về mọi mặt kinh tế - xã hội, nhờ đó đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt và ngày càng có nhiều tỷ phú Mỹ.
Với những gì thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong 20 năm qua, tôi luôn tin tưởng bằng nội lực và ngoại lực của mình, Đà Nẵng sẽ “đi tắt đón đầu”, nắm bắt các thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới để “biến” nơi đây sớm trở thành thành phố cảng biển phồn vinh như một số nước ở châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, mà họ đã rất thành công khi đi theo hướng phát triển này.
Đúng như khát vọng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh phát biểu trong buổi bế mạc Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, rằng khó khăn với Đà Nẵng còn rất nhiều nhưng thành phố có thế mạnh về con người - đây là nguồn tài nguyên cần phải được đầu tư, khai thác.
Từ một đô thị cấp huyện, với nhiều khu nhà chồ, đến nay Đà Nẵng đã thực sự thay đổi diện mạo, nổi bật là công cuộc “dời non lấp bể” chỉnh trang đô thị, tạo nền tảng vững chắc để thành phố sẵn sàng bắt tay xây dựng một đô thị thông minh cùng sự can thiệp của các thiết bị khoa học hiện đại, tiên tiến nhất phục vụ cho đời sống của con người. Năm 2017, Đà Nẵng vinh dự được đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC, đây là cơ hội và thời vận mới để thành phố tìm kiếm những nhà đầu tư lớn, tạo nên bước ngoặt thần kì cho thế kỷ XXI.
Điều này khiến tôi nhớ đến hình ảnh nước Mỹ khi giành được độc lập (năm 1776), đất nước này đã có những chính sách “thực dụng” giúp kinh tế phát triển ngoạn mục khiến người ta nói nhiều về cụm từ “Giấc mơ Mỹ” (tiếng Anh: American Dream) mang đến niềm tin, sự tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho con người.
Riêng về Đà Nẵng - một trong những địa phương của Việt Nam, thì người dân nơi đây đã, đang hướng tới việc xây dựng một thành phố văn minh, năng động và ngày càng hiện đại hơn, môi trường xanh-sạch-đẹp, để đến với một giấc mơ của riêng mình, giấc mơ Đà Nẵng - Một thành phố đáng sống.
Nguyễn Kim Thành