Báo Đà Nẵng xuân 2017

Nguồn lực cho công nghiệp Việt Nam cất cánh

10:15, 28/01/2017 (GMT+7)

LTS: Trong bối cảnh hiện nay, nhiều bạn trẻ tại Mỹ và du học sinh Việt Nam có chuyên môn tốt và kinh nghiệm làm việc, có tư duy mới, có tinh thần đóng góp cho xã hội. Tôi có niềm tin là trong tương lai gần, chúng ta sẽ xây dựng được mô hình hiệu quả kết nối giữa nhà khoa học người Việt và chuyên gia trên khắp thế giới và nền công nghiệp để từ đây phát triển một nền công nghiệp Việt Nam thực thụ.

Đó là những chia sẻ của kỹ sư Trần Thắng, làm việc tại Công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney (Mỹ) trong bài viết gửi Đà Nẵng Xuân Đinh Dậu 2017.

Một dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại hữu Nghị.                                       Ảnh: ĐỨC THỊNH
Một dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại hữu Nghị. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Nhân lực khoa học trẻ người Việt tại nước ngoài

Người Việt định cư tại Mỹ được thế hệ thứ 3, hiện tại số dân trên 2 triệu người. Giới trẻ người Việt tại Mỹ có lợi thế tiếp cận hệ thống giáo dục Mỹ, nên có rất nhiều người Việt đi sâu vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, phong trào du học tại Mỹ phát triển mạnh mẽ, ước tính có khoảng 30.000 học sinh và sinh viên học tại Mỹ trong vòng 15 năm qua. Trong số du học sinh này, có nhiều nhà khoa học trưởng thành từ các trường đại học danh tiếng. Tổng hợp hai nguồn lực từ Việt kiều và du học sinh Việt Nam, số lượng nhà khoa học và chuyên gia tại Mỹ rất lớn. Ðó là chưa kể số nhà khoa học người Việt tại các nước phương Tây khác và châu Á. Vấn đề hiện tại của Việt Nam là chưa thiết kế được chương trình hay tạo được mạng lưới kết nối giữa các nhà khoa học người Việt tại hải ngoại, du học sinh Việt Nam và người trong nước. Một khi xây dựng được chương trình cho giới khoa học và chuyên gia người Việt thì việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật phát triển mạnh và từ đó áp dụng thành tựu khoa học và kinh nghiệm chuyên môn vào lĩnh vực công nghiệp. Nền công nghiệp sẽ cất cánh bay lên.

Nền công nghiệp Việt Nam so với thế giới

Một nền công nghiệp bao gồm 3 yếu tố then chốt: chính sách, ngân sách, nguồn nhân lực. Khi nói đến nguồn nhân lực là nói đến đội ngũ khoa học và chuyên gia, là đại diện cho cốt lõi của nền công nghiệp. Cơ cấu của một ngành công nghiệp bao gồm 5 lĩnh vực chính: nghiên cứu sản phẩm, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cho sản phẩm. Nguồn nhân lực tốt sẽ điều hành 5 lĩnh vực này một cách hiệu quả và phát triển theo nhu cầu của thị trường. Ðây là nền tảng của một nền công nghiệp theo chuẩn mực của các nước phát triển trên thế giới. Hiện tại ngành công nghiệp Việt Nam chưa chú trọng vào lĩnh vực nghiên cứu và thiết kế. Nhìn chung, Việt Nam mua linh kiện về lắp ráp hoặc mua bản quyền về lắp ráp. Ðiều này chứng tỏ Việt Nam chưa đủ nguồn tài chính mạnh đầu tư việc nghiên cứu và thiết kết hoặc đội ngũ khoa học và chuyên gia chưa đạt chuẩn quốc tế để điều hành 2 lĩnh vực này.

Ví dụ như ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam, nếu theo chuẩn thế giới là Việt Nam lắp ráp xe hơi, thì không thể gọi là ngành công nghiệp xe hơi được. Lợi thế việc lắp ráp của một công ty là chi phí thấp, sản xuất sản phẩm nhanh để tung ra thị trường. Nhưng bất lợi lớn của công ty lắp ráp là sản phẩm bị lệ thuộc vào nhà thiết kế và một  khi công nghệ thay đổi là sản phẩm bị lỗi thời và sản phẩm không có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Như Trung Quốc sẽ bị tình trạng này trong tương lai gần. Các nước phương Tây, Nhật và gần đây có Hàn Quốc, là xây dựng nền công nghiệp bài bản, có đầy đủ 5 lĩnh vực, chính vì thế họ luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực và đứng thế chủ động trên sản phẩm của họ. Sản phẩm của họ luôn đa dạng tại mọi thời điểm và có tính cạnh tranh cao.

Kết nối giới khoa học người Việt với nền công nghiệp

Ngành công nghiệp là ngành tạo ra giá trị lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh như chúng ta thấy 4 nước trong khu vực châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Ðộ. Ðể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam bền vững và thân thiện với môi trường cần có sự kết hợp giới khoa học và chuyên gia và ngành công nghiệp. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được sự liên kết này.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều bạn trẻ tại Mỹ và du học sinh Việt Nam có chuyên môn tốt và kinh nghiệm làm việc, có tư duy mới, các bạn có tinh thần đóng góp cho xã hội. Tôi có niềm tin là trong tương lai gần, chúng ta sẽ xây dựng được mô hình hiệu quả kết nối giữa nhà khoa học người Việt và chuyên gia trên khắp thế giới và nền công nghiệp để từ đây phát triển một nền công nghiệp Việt Nam thực thụ. Nền công nghiệp Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong thế kỷ 21, không những tạo ra sự phát triển kinh tế mạnh mẽ mà còn bảo đảm một nền quốc phòng vững chắc bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải
Việt Nam.

Trần Thắng tốt nghiệp kỹ sư Cơ khí tại Đại học Connecticut và làm việc cho Công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney từ năm 2000. Trần Thắng là Chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ. IVCE thực hiện chương trình văn hóa Việt Nam tại các trường đại học và bảo tàng Mỹ từ năm 2000 cho đến nay. IVCE xúc tiến phát triển giáo dục Mỹ tại Việt Nam và mở ra phong trào du học Mỹ từ năm 2000 sau khi Việt Nam và Mỹ bang giao. Trần Thắng sưu tầm 150 bản đồ cổ và 3 sách atlas Trung Hoa chứng minh chủ quyền biển, đảo Việt Nam, từ giữa năm 2012. Với đóng góp này, anh được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Biên giới - Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Ðà Nẵng. Trần Thắng hiện là Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 8 (2014-2019).

TRẦN THẮNG

.