.

"Cha đẻ" hậu cần nghề cá

.

Từ chiếc ghe nhỏ thu mua hải sản ven bờ, giờ đây, ông có cơ ngơi đồ sộ với hàng loạt tàu làm nghề dịch vụ hậu cần, trở thành “cha đẻ” của ngành hậu cần nghề cá Đà Nẵng. Mỗi năm dịch vụ của ông thu mua hàng nghìn tấn hải sản, cung cấp hàng chục nghìn lít dầu, lương thực, thuốc men cho ngư dân. Ông là lão ngư Lê Mến (60 tuổi, phường Thuận Phước, quận Hải Châu).

Ngư dân Lê Mến, cha đẻ của nghề dịch vụ hậu cần nghề cá.  	            Ảnh: NGỌC PHÚ
Ngư dân Lê Mến, cha đẻ của nghề dịch vụ hậu cần nghề cá. Ảnh: NGỌC PHÚ

60 tuổi, lão ngư Lê Mến vẫn miệt mài “cầm cương” chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung ĐNa 90444 vượt sóng ra vịnh Bắc Bộ để thu mua hải sản. Với ông, con tàu ĐNa 90444 như đứa con cưng.

Đi lên từ chiếc “gọ” nhỏ

Lúc rảnh rỗi trên cầu cảng, ông Lê Mến kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên trở thành “cha đẻ” dịch vụ hậu cần. Ông bảo: “Vào cuối những năm 1970, hoạt động đánh bắt, khai thác của ngư dân miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng còn manh mún và gặp nhiều khó khăn. Ngư dân đi khai thác vài ba ngày phải về vì không có dụng cụ cấp đông, đá lạnh thiếu. Khi ra khơi đánh bắt, ngư dân chỉ chọn những con cá to, nhưng lúc đem về bờ cũng chỉ còn lại 3, 4 phần, thu nhập bấp bênh”. Từ thực tế đó, ông nghĩ đến việc phải thu mua và cung cấp nhu yếu phẩm cho ngư dân. Nghĩ là làm, ông đóng ngay một con “gọ” (ghe) nhỏ hậu cần trên biển. Ban đầu, gọ nhỏ này chỉ chở vài trăm cây đá, mua vài tấn hải sản cho ngư dân ở vùng lộng. Tuy nhiên, kể từ khi có tàu của ông, một số ngư dân Đà Nẵng “ăn nên làm ra”, đi biển dài ngày hơn, thu nhập nhiều hơn. Một số lão ngư ở Đà Nẵng còn nhớ như in khi ông Mến đóng tàu thu mua hải sản, ngư dân đánh bắt tiện lợi hơn. Cá được mua tươi, lương thực thực phẩm, đá được ông Mến cung cấp tuy không nhiều nhưng cũng bảo đảm cho anh em hoạt động trên biển.

Dẫu vậy, ông Mến sau đó gặp không ít khó khăn trong công việc nên bỏ nghề. Nhưng có lẽ do cái nghiệp đã mang nên khoảng vài năm sau, ông quay lại nghề hậu cần. Ông bỏ vốn đóng con tàu hậu cần trên 300CV. Gần 20 năm trước, tàu có công suất trên 300CV thuộc loại hiếm của khu vực miền Trung và Đà Nẵng. Từ khi có tàu lớn, một số ngư dân Đà Nẵng và miền Trung được hưởng lợi từ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của ông Mến, nhất là các tàu đánh bắt vùng khơi. Mỗi tháng, tàu ông Mến vào ra trên 15 chuyến và thu mua cho gần 100 lượt tàu cá của ngư dân.

Đến năm 2006, nhu cầu thu mua và phục vụ ngư dân ngày càng tăng, ông Mến quyết tâm đóng tàu lớn ĐNa 90424 có công suất 520CV. Khi có con tàu lớn này, ông Mến bắt đầu vươn khơi xa hơn ở ngư trường Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ để thu mua và cung cấp nhiên liệu cho ngư dân. Mỗi chuyến ra khơi, tàu cung cấp hàng trăm cây đá, dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho ngư dân. Ngư dân lời từng chuyến biển, tiết kiệm phí tổn, thu nhập tăng lên, có thời gian bám và giữ biển.

Mở ra ngành dịch vụ hậu cần cho Đà Nẵng

Từ năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng chú trọng phát triển ngành thủy sản theo hướng khai thác xa bờ, ban hành Quyết định số 7068/2012/QĐ-UBND về hỗ trợ đóng mới tàu khai thác xa bờ cho ngư dân. Ngư dân Lê Mến quyết định đầu tư thêm con tàu hậu cần khác, đó là tàu ĐNa 90444 có công suất 1.160CV. Nhớ lại lúc quyết định đóng tàu hậu cần lớn, lão ngư Lê Mến tâm sự: “Khi dấn thân vào nghề mới biết ngư dân trên biển cần gì, thiếu gì. Những con tàu hậu cần trước đây chỉ cung cấp phần nào đó trong khi nhu cầu của ngư dân rất lớn, đặc biệt là làm sao để cá biển vào đất liền và đến tận tay người tiêu dùng thật tươi ngon. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đầu tư”.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, tàu ĐNa 90444 là tàu hậu cần lớn nhất từ trước đến nay của khu vực miền Trung, đáp ứng được một phần công tác hậu cần cho ngư dân Đà Nẵng và miền Trung. Tàu ĐNa 90444 sau đó được con ông Mến là Lê Văn Sang nâng cấp lên gần 1.300CV.  

Đội tàu hậu cần của gia đình ông Mến lớn mạnh, ngành thủy sản thành phố quyết định thành lập tổ dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ số 1 Đà Nẵng trong năm 2012. Lúc đó, tổ có 4 thành viên, do ông Lê Mến làm tổ tưởng (nay tăng lên 11 thành viên, do anh Lê Văn Sang làm tổ trưởng). Sự ra đời của tổ dịch vụ hậu cần đánh dấu bước phát triển mới của ngành thủy sản thành phố. Điều đáng nói, tổ dịch vụ hậu cần ra đời giúp ngư dân ngày càng yên tâm bám biển để làm giàu, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngư dân Mai Tiên Vương là một trong những chủ tàu cá được tàu hậu cần ông Mến thu mua thủy sản tâm sự: “Nhờ tàu hậu cần của ông Mến, mỗi tháng tôi lợi vài ba chuyến biển. Đánh bắt, bán cá trên biển lấy tiền tươi, giúp thuyền viên có động lực làm việc. Điều đáng nói, việc thu mua và cung cấp lương thực giúp chúng tôi hiện diện dài ngày trên biển để góp phần bảo vệ chủ quyền”.

Sau khi tiếp nhận hai con tàu hậu cần vỏ gỗ của cha giao, anh Lê Văn Sang còn đóng tàu vỏ thép lớn, to gấp đôi tàu gỗ, vận chuyển hàng tăm tấn hải sản. Đặc biệt, anh đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ hầu cận nghề cá Hải Nhi. Hợp tác xã của anh quy tụ hơn 15 tàu cá, trong đó có 11 tàu làm dịch vụ hậu cần, với hơn 100 lao động; mỗi năm thu mua hàng chục nghìn tấn hải sản, cung cấp hàng chục nghìn lít dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men. Không chỉ vậy, anh Sang đã phát triển ngành hậu cần theo quy mô khép kín, từ khâu thu mua, sơ chế đến tiêu thụ. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm của hợp tác xã này đã đến với các thị trường trong nước với uy tín cao.

Những ngày cuối năm 2016, những cơn mưa cuối mùa trút xuống, Lê Mến vẫn lênh đênh trên biển với chiếc tàu vỏ gỗ đứng tên con trai út là Lê Văn Khánh thu mua hải sản, cung cấp dầu, nhu yếu phẩm cho ngư dân. Ông đi với thông điệp: “Còn sức thì còn giúp ngư dân làm giàu, bám biển để bảo vệ chủ quyền”. Nhiệt huyết với nghề của lão ngư Lê Mến đã truyền lửa cho những người con ông, cho thế hệ ngư dân trẻ mãi mãi đam mê với biển cả...

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.