Đối với mỗi người Việt Nam, Hoàng Sa luôn luôn là một địa chỉ được ghi nhớ bên dải đất hình chữ “S” của đất nước Việt Nam yêu thương. Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng. Khác hẳn 712 huyện còn lại trong cả nước, Hoàng Sa đang trong tình trạng bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ ngày 19-1-1979 đến nay. Nói đến Hoàng Sa là nói đến một câu chuyện lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, nói đến khát vọng của người dân Việt Nam: Rồi một ngày phần lãnh thổ thiêng liêng này sẽ trở về với Tổ quốc.
Ngày 29-4-2013, Đà Nẵng triển lãm bản đồ do các nước phương Tây và Trung Quốc xuất bản cho người nước ngoài thấy cương giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Ảnh: SƠN TRUNG |
Khát vọng Hoàng Sa là toàn vẹn lãnh thổ, là hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam. Muốn làm được điều này không hề dễ dàng vì quần đảo Hoàng Sa đang bị chiếm đóng. Khi nhận thức rõ thì chúng ta càng có trách nhiệm hơn với tiền nhân với các thế hệ hiện tại và mai sau, bởi vậy thái độ của chúng ta phải rõ ràng, bằng những việc làm cụ thể.
Phải làm sao cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ biết được nguồn gốc, lịch sử, địa lý của Hoàng Sa cũng như hoàn cảnh lịch sử của nó, kể cả về các phương diện khảo cổ học, hải dương học... Đây là điều chúng ta còn thiếu và chưa có tính chiến lược, hiện tại còn người chưa biết đến Hoàng Sa như thế nào, như vậy không thể có một sự đồng tâm, hiệp lực để đấu tranh đòi lại Hoàng Sa. Vì vậy, nhiều người cho rằng phải thể hiện bằng hành động cụ thể có tính pháp lý rõ ràng, minh bạch thông tin, đấu tranh kiên trì, liên tục một cách bài bản, tranh thủ mạnh mẽ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, trên các diễn đàn khoa học và trước nhân dân ta cũng như nhân dân thế giới...
Thiết nghĩ trong bất kỳ hoàn cảnh nào lãnh thổ quốc gia đều là tối thượng, chính quyền cũng như mọi công dân phải biết trân trọng, giữ gìn và bảo vệ. Chúng ta có chân lý, có lẽ phải và có sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, thời cơ cũng đã có, với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang thực hiện Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và đang đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế PCA bác bỏ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã tự vẽ ra, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam sau vụ kiện của Philippines, chúng ta cũng có bài học từ họ. Philippines có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở pháp lý để đứng lên bảo vệ chân lý của họ và đạt kết quả; mặc dù Trung Quốc cố tình né tránh, không công nhận phán quyết này nhưng đó là thất bại về mặt ngoại giao chính trị và pháp lý. Vẫn biết chúng ta kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình nhưng nếu không hành động thì chúng ta tự loại bỏ đi tính đấu tranh và hòa bình cũng không đến khi ngoài kia Biển Đông đang dậy sóng; hằng ngày hằng giờ Trung Quốc đang lấn chiếm Trường Sa, thao túng Biển Đông với phương châm từ không thành có, từ nhỏ thành lớn, từ chưa có tiền lệ đến hiển nhiên, từ yếu thành mạnh, bằng cách mở rộng các đảo, củng cố các vị trí quân sự trở thành tiền đồn bất khả xâm phạm, họ đang giăng bẫy cả vùng biển, vùng trời ở tại nơi này.
Trong bối cảnh đó, hằng ngày, ngư dân ta đang vất vả chống chọi với các “tàu lạ”, bị xua đuổi, bị đâm va; Trung Quốc ngang nhiên coi Biển Đông như ao nhà của họ, lúc cấm đánh bắt cá biển, lúc dựng giàn khoan, lúc gây hấn với các tàu chấp pháp Việt Nam, diễn tập quân sự, đe dọa dùng vũ lực, muốn lập các vùng nhận diện phòng không, ngăn cản các nước liên kết khai thác dầu khí với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, họ dùng chiến lược tàu cá để xâm chiếm Biển Đông không tiếng súng... Đối với những vùng hải đảo bị họ chiếm đóng trái phép thì dựng lên bộ máy chính quyền, đưa dân ra sinh sống, lập nên các thiết chế chính trị, kinh tế, xã hội, mở rộng du lịch và nhất là các mục tiêu quân sự với thiết bị tối tân nhất nhằm khống chế và uy hiếp Việt Nam và các nước, cả vùng biển, vùng trời, đường hàng hải quốc tế.
Anh Trần Thắng (trái), Việt kiều định cư tại Mỹ có công sưu tầm hàng trăm bản đồ của các nước phương Tây và của cả Trung Quốc xuất bản khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Ảnh: SƠN TRUNG |
Chúng ta đang ở thế chính nghĩa, có bằng chứng lịch sử, pháp lý rõ ràng, có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển bảo vệ, có sự ủng hộ rộng rãi của thế giới, trong đó có các nước trong khối ASEAN… nên không thể để Hoàng Sa, Trường Sa rơi vào khái niệm “lãnh thổ bị bỏ rơi” (có nghĩa là vùng lãnh thổ trước kia đã từng được chiếm hữu và trở thành lãnh thổ của một quốc gia, nhưng sau đó quốc gia chiếm hữu tự từ bỏ chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ này, hoặc quốc gia chiếm hữu không có biểu hiện muốn khôi phục lại chủ quyền đối với lãnh thổ đó). Điều này chắc chắn không ai trong chúng ta mong đợi.
Với UBND huyện Hoàng Sa, Tổ quốc đã giao cho trọng trách quản lý lãnh thổ, đây là trách nhiệm rất nặng nề và rất vinh quang. Thời gian qua, chính quyền huyện đảo triển khai một số hoạt động mang tính quản lý và duy trì việc thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa một cách hiệu quả, liên tục và hòa bình; UBND huyện bằng mọi biện pháp thu thập thêm chứng cứ và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân cũng như bạn bè quốc tế, xây dựng các thiết chế quản lý.
Trong một thời gian ngắn, UBND huyện được sự ủng hộ của nhân dân, các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà sử học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, các nhân chứng sống đã cung cấp nhiều tư liệu về Hoàng Sa.
Trong đó, phải kể đến kỹ sư Trần Thắng (Việt kiều Mỹ) đã sưu tầm và hiến tặng hàng chục tấm bản đồ của Trung Quốc xác định cương vực phía nam của họ chỉ đến đảo Hải Nam; Trần Đức Anh Sơn nghiên cứu xây dựng font tư liệu Hoàng Sa để từ đó mở lối tiếp cận tài liệu cho huyện cùng tham gia đưa chủ đề Hoàng Sa đi khắp nơi… phần nào đáp ứng được nguyện vọng của nhiều người. Tuy nhiên, cũng thấy rằng khó khăn còn chồng chất, nhất là sự vào cuộc của các cơ quan có trách nhiệm; việc đầu tư cho công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa chưa đáng kể…
Bởi vậy, sau khi Luật Chính quyền địa phương ban hành, Hoàng Sa cần có một cơ chế đặc biệt cho cả thiết chế Nhà nước cũng như hoạt động. Hiện UBND Hoàng Sa đang rất lúng túng về vấn đề này. Hoàng Sa cần phải là một chủ thể thật sự, có đất và dân ở trên đất liền như trước đây đã từng làm, từ đó có đầy đủ các yếu tố để trở thành đơn vị hành chính về thực chất; xã hội hóa tối đa các hoạt động tuyên truyền về Hoàng Sa - không những trong nước mà cả trên thế giới, kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi từ dư luận để gây thêm sức ép về mặt ngoại giao, pháp lý đối với Trung Quốc.
Hằng năm, lấy ngày 19-1 (Ngày Hoàng Sa thất thủ) làm chủ đề tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về tinh thần yêu nước, yêu hòa bình của Việt Nam, trong mỗi tỉnh, thành phố cũng nên có một quảng trường, hoặc một cơ sở văn hóa, giáo dục, tên đường… được lấy tên Hoàng Sa; lịch sử, địa lý Hoàng Sa phải được đưa vào giáo khoa chính khóa, kêu gọi và hỗ trợ Hội Nghề cá Đà Nẵng hoặc Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tái lập đội Hoàng Sa trong việc đánh bắt hải sản xa bờ hoặc cũng là một sản phẩm tuyên truyền phục vụ du khách...
Để khát vọng lấy lại Hoàng Sa thành hy vọng là một hành trình rất gian khổ, dẫu biết rằng con đường đi có nhiều gian nan, vất vả, có khi phải đổi bằng máu và nước mắt của mình, nhưng nếu không đi thì không bao giờ đến được đích như mong đợi. Phía trước là lương tâm, là trách nhiệm, là niềm tự hào hay nỗi tủi thẹn tùy thuộc vào thái độ và hành động của mỗi chúng ta.
ĐẶNG CÔNG NGỮ