.

Ước mong gửi vào mâm ngũ quả

.

Trên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt, ngày Tết Nguyên đán không bao giờ thiếu mâm ngũ quả, chai rượu, lọ hoa và dĩa cau trầu. Theo chiều dài đất nước, nhìn mâm ngũ quả là biết mình đang ở miền nào trên dải đất hình chữ S và gia chủ gửi gắm ước nguyện gì trong năm mới.

Tính “ứng vạn biến” trong mâm ngũ quả người Việt

Mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ ngày Tết theo quan niệm từ xa xưa gồm 5 loại khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc. Theo nhà nghiên cứu dân gian Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng, “ngũ quả” thể hiện năm yếu tố ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Những quả màu trắng tượng trưng cho kim, quả màu xanh là mộc, quả màu xám là thủy, quả màu đỏ là hỏa và quả màu vàng là thổ.

Ở miền Bắc (tập trung chủ yếu ở Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc bộ), mâm ngũ quả vẫn được duy trì với năm loại quả có năm màu khác nhau và thường có chuối, bưởi, lê, táo, phật thủ; đôi khi có quýt hay thanh long. Người miền Nam thì đơn giản hơn trong việc bày mâm ngũ quả, chỉ cần những gì tượng trưng cho sự tươi vui, đẹp đẽ, vừa lòng, đẹp ý là tốt. Và họ bày năm loại quả gồm mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài, tương ứng với câu “cầu sung vừa đủ xài” ước mong một năm mới đủ đầy, sung túc.

Đi qua khúc ruột miền Trung, thời tiết khắc nghiệt, nên những di dân đi mở cõi không còn quan trọng mâm ngũ quả phải đủ, đành có gì chưng nấy, miễn làm sao gửi vào đó ước mơ một năm mới vui vẻ. Người dân được hỏi không trả lời được ngũ quả gồm những quả gì, hay ngũ hành gồm những màu nào. Ông Võ Văn Hòe cho rằng, trong những khu vườn tạp chỉ có trái mãng cầu, đu đủ non, dưới gốc mít người ta hay trồng thơm (dứa), vậy là trái nào đẹp thì được đưa lên bàn thờ, coi như đó là một sự sum suê – con cháu sum vầy. Và nải chuối vẫn là một trong những quả không thể thiếu của người miền Trung. Những quả chuối từ gốc xòe ra, như con đàn cháu đống sum vầy. Thêm quả phật thủ như bàn tay của Phật, và quả quýt tượng trưng cho sự tròn trịa, luân hồi… Mâm ngũ quả không còn là ngũ quả, nhưng vẫn đạt sự trang trọng, đẹp để con người gửi vào đó bao niềm hy vọng.

Văn hóa truyền thống như ngấm vào người

Các loại trái cây ngày càng nhiều chủng loại, màu sắc nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú. Các bà nội trợ khi chọn mua các loại quả bày mâm ngũ quả không còn theo quan niệm “ngũ quả” là năm loại quả nữa mà có thể là bày bảy, tám loại quả, thêm chùm nho, táo xanh… Dù bày biện nhiều loại quả hơn nhưng người ta vẫn gọi đó là mâm ngũ quả.

Chị Phạm Thị Bảo Châu (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, do nhà ở bữa nay không được rộng rãi, bàn thờ nhà chị thờ thổ thần đất đai, ngày Tết chị vẫn có mâm ngũ quả nhưng chỉ có một loại quả. “Do mấy năm trước chị chưng những loại quả như chuối, thanh long, mãng cầu, táo, xoài, đu đủ, nói chung mua được quả gì đẹp thì chưng. Nhưng rồi thanh long, mãng cầu, xoài toàn bị hỏng sớm, có khi mới đến ngày mồng 3 Tết đã thấy mãng cầu chín rục, chắc do mình thắp hương nhiều nên mấy loại quả đó nóng, chín sớm, nhìn không còn đẹp mắt. Táo thì người bán nói là táo Mỹ, nhưng nhiều khi là hàng Trung Quốc, thế là hai năm nay có khi chị chưng mỗi loại xoài, có năm thì chưng chuối và đu đủ, xoài. Chỉ cần mình có lòng thành là được”.

Bà Đặng Thị Phong (thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, Hòa Vang) bảo, ngày Tết người Hòa Vang vẫn thích có nải chuối đẹp đặt bàn thờ, rồi mua thêm trái bưởi, quả thanh long cho có màu đẹp, đặt thêm quả thơm nữa. Ngoài dĩa trái cây, bà còn làm thêm bánh tét, bánh nổ, bánh in. “Mấy người già như cô vẫn quan niệm phải bày biện cái bàn thờ làm sao cho đủ đầy các loại hoa, bánh trái. Như vậy con cháu ở xa về, hay bà con hàng xóm sang chơi, nhìn lên bàn thờ thấy sung túc, ấm áp”, bà nói.

Hỏi chuyện nhiều người bán trái cây ở các chợ, các chị cho biết, giờ việc đặt trái cây gì lên bàn thờ cũng được, chỉ cần nó đẹp, màu sắc hài hòa, và trái bền, lâu hư. Nhưng riêng dĩa trái cây cúng đầu năm, giờ khắc giao thừa đêm 30 Tết thì rất nhiều nhà mua đúng 5 loại quả: mãng cầu, đu đủ, xoài, quả dừa non và chùm sung. “Chưng lên bàn thờ thì chỉ cần đẹp. Nhưng việc cúng đầu năm nó quan trọng lắm, đó là lúc người chủ nhà đứng trước bàn thờ giữa trời, cầu một năm có sức khỏe, làm ăn thuận lợi, nhà cửa êm ấm. Rứa nên lời cầu đó gửi gắm qua dĩa trái cây “cầu-sung-dừa-đủ-xoài” như người miền Nam là hợp lý. Nên đến Tết hàng trái cây không thể thiếu mấy loại quả đó”, chị Linh, một người bán trái cây ở chợ Đống Đa cho biết.

Dĩa trái cây, dù ít hay nhiều đều được gọi là mâm ngũ quả mà chứa đựng bao nhiêu là điều cần gửi gắm của người Việt. Từ Bắc vào Nam, dù là quả gì, màu sắc gì đi nữa thì người người đều mong gia đình sum vầy, may mắn, thịnh vượng. Người Đà Nẵng tiếp nhận văn hóa truyền thống theo kiểu thị dân, không lựa chọn. Bởi vậy mà trong chuyện cúng kiếng, mỗi nhà mỗi kiểu. Từ dấu ấn văn hóa đặc trưng của người Việt thông qua mâm ngũ quả ngày Tết, thì dù có khác nhau giữa các gia đình nhưng đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc và đủ đầy.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.