Báo Đà Nẵng xuân 2019

10 điểm níu chân

07:56, 04/02/2019 (GMT+7)

Đà Nẵng không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, những cây cầu nối đôi bờ sông Hàn… mà còn rất nhiều cảnh đẹp khiến du khách gần xa không muốn rời chân.

1. Bán đảo Sơn Trà

 

Cách trung tâm thành phố khoảng 10km về hướng đông bắc, bán đảo Sơn Trà được coi như “Hòn ngọc xanh giữa phố”. Trên diện tích 4.439ha, bán đảo Sơn Trà có khu rừng già với nhiều loài động vật quý hiếm và những bãi biển hoang sơ, thơ mộng cùng những rạn san hô rực rỡ sắc màu. Con đường dẫn từ trung tâm thành phố uốn quanh bờ biển đưa du khách đến thăm các điểm dừng chân như: chùa Linh Ứng, bãi Bụt, bãi Rạng, cây đa ngàn năm, ngọn Hải đăng, đỉnh Bàn Cờ…

Năm 2018, bán đảo Sơn Trà đón khoảng 2,35 triệu lượt khách đến tham quan, khám phá (tăng 18,3% so với năm 2017). Trong đó, chùa Linh Ứng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước với trung bình hơn 2.000 lượt khách/ngày; riêng dịp lễ, Tết có thể tăng hơn 10.000 lượt khách/ngày.

Trong ảnh: Một góc bán đảo Sơn Trà.  Ảnh: TRẦN LÊ XUÂN VINH

2. Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn

 

Cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8km về phía đông nam, khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (gồm các ngọn Kim Sơn, Thủy Sơn, Mộc Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn) là một trong những điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng.

Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, hang động, chùa chiền bên trong.
Năm 2018, Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đón 1,95 triệu lượt khách, trong đó có 1,15 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, khách mang quốc tịch châu Âu, Mỹ…, tăng 31% so với năm 2017. Tổng thu ngân sách khoảng 82,56 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch.

Trong ảnh: Toàn cảnh Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: LÂM TỨ KHOA

3. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

 

Tọa lạc ở trung tâm thành phố, đây là bảo tàng đầu tiên được người Pháp hoàn thành xây dựng vào năm 1919 tại Đà Nẵng. Tòa nhà mang dáng dấp kiến trúc Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX và một vài đường nét của các đền tháp Chăm ở khu vực miền Trung.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm trưng bày hơn 400 hiện vật, trong đó có các bảo vật quốc gia cùng nhiều tác phẩm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chămpa từ khoảng thế kỷ thứ XV, được thể hiện qua nhiều chất liệu như: sa thạch, đất nung, kim loại.

Năm 2018, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón tiếp hơn 290.000 lượt du khách đến tham quan; trong đó, khách nội địa khoảng 30.000 lượt, khách quốc tế là 260.000 lượt, chủ yếu từ các quốc gia châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong.

Trong ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: ANH CHUNG

4. Bảo tàng Đà Nẵng

 

Nằm trong khuôn viên di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng trưng bày hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng và vùng phụ cận.

Bảo tàng Đà Nẵng có nội dung đa dạng về chủ đề, phong phú về hiện vật, sống động với nhiều không gian trưng bày tái hiện khái quát tiến trình lịch sử - văn hóa của mảnh đất và con người Đà Nẵng. Những năm gần đây, các hoạt động khám phá, trải nghiệm, trưng bày triển lãm được thực hiện liên tục, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Năm 2018, tổng lượng khách tham quan tại bảo tàng đạt hơn 250.000 lượt, tăng 25,8% so với năm 2017.

Trong ảnh: Du khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRÍ

5. Chợ Hàn

 

Nằm ở trung tâm quận Hải Châu, chợ Hàn ra đời vào những năm 1940 của thế kỷ 20 từ một khu giao thương buôn bán tự phát của một nhóm người. Đến năm 1990, chợ được khởi công và xây dựng mới hoàn toàn gồm hai tầng khang trang với diện tích 28.000m2. Ngày 29-3-1991, chợ chính thức khánh thành và đi vào hoạt động với quy mô 700 gian hàng, bày bán khá đa dạng các chủng loại hàng hóa, từ giày dép, quần áo, vải vóc, túi xách đến các đồ lưu niệm, quà tặng…

Nhờ có vị trí đẹp với bề dày lịch sử gần 40 năm hình thành và phát triển, từ khu chợ truyền thống, chợ Hàn từng bước trở thành chợ phục vụ du lịch với hơn 15.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm mỗi năm.

Trong ảnh: Hơn 15.000 lượt khách trong và ngoài nước đến chợ Hàn tham quan, mua sắm mỗi năm. Ảnh: K.HÒA

6. Bà Nà Hills

 

Nằm ở độ cao hơn 1.400m ở vùng núi cao, khu du lịch Bà Nà Hills là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Đà Nẵng. Khu du lịch này được mệnh danh là một “châu Âu thu nhỏ” giữa mây trời và núi non trùng điệp.

Ngoài hệ thống cáp treo đạt nhiều kỷ lục thế giới, Bà Nà Hills còn có nhiều khu vực vui chơi, thưởng ngoạn hấp dẫn như: khu vui chơi giải trí Fantasy Park được xây dựng và thiết kế theo cảm hứng từ hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Hành trình vào trung tâm Trái Đất và Hai vạn dặm dưới đáy biển của nhà văn Pháp Jules Verne, mở ra thế giới giải trí sống động, hấp dẫn.

Du khách được dạo chơi trong khu rừng Thần tiên, thám hiểm Công viên Khủng long, chinh phục đỉnh cao với tháp rơi tự do 29m, cùng hệ thống phim 2D, 3D, 5D hiện đại… và hơn 90 trò chơi miễn phí. Ngoài ra, còn nhiều điểm đến khác như hầm rượu cổ Debay, vườn hoa tình yêu, làng Pháp, Linh Phong Thiền Tự, Linh Phong Bảo Tháp…

Năm 2017, Bà Nà Hills đưa vào hoạt động cầu Vàng, góp phần tạo nên sức hút cho du lịch Đà Nẵng. Năm 2018, Bà Nà Hills đón khoảng 3,57 triệu lượt khách, tăng 37,3% so với năm 2017.  

Trong ảnh: Cầu Vàng tại Bà Nà Hills. Ảnh: MAI THANH CHƯƠNG

7. Công viên Châu Á (Asia Park)

 

Nằm ở phía đông nam Đài tưởng niệm thành phố, Công viên Châu Á có tổng diện tích quy hoạch hơn 880.000m2, gồm hơn 763.000m2 mặt đất và hơn 116.800m2 mặt nước. Đây là tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á, với điểm nhấn là Vòng quay mặt trời (Sun Wheel) giúp du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố từ độ cao 115m. Ngay từ khi ra mắt, Sun Wheel trở thành biểu tượng mới của Đà Nẵng và có tên trong top 10 Vòng quay cao nhất thế giới.

Công viên Châu Á có 4 khu chức năng chính: công viên văn hóa, công viên trò chơi, khu nhà biểu diễn đa năng và bãi đỗ xe. Trong đó, khu công viên văn hóa dành riêng khoảng 3ha lấy cảm hứng của 9 nền văn hóa đặc trưng tiêu biểu nhất của châu Á như: Nhật Bản, Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nepal và Việt Nam. Mỗi phân khu bao gồm các công trình kiến trúc, cảnh quan, di tích lịch sử, nghệ thuật, giải trí, ngành nghề thủ công... thu nhỏ mang tính biểu trưng của mỗi quốc gia. Năm 2018, điểm đến này thu hút 589.719 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong ảnh: Công viên Châu Á có tổng diện tích quy hoạch hơn 880.000m2. Ảnh: K.HÒA

8. Công viên Suối khoáng nóng núi Thần Tài

 

Được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2016, công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài nằm tại khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang). Khách được trải nghiệm các dịch vụ như: tắm bungalow, tắm bùn, tắm cà-phê, tắm sữa tươi trà xanh…

Khách còn được thưởng thức thức ăn tại nhà hàng Rồng Đỏ; khám phá, trải nghiệm các dịch vụ như: công viên nước, ngắm tượng Di Lặc, tượng Long Quy, đấu trường bùn; trứng trường thọ, bồn tắm bằng đá kỷ lục Việt Nam…

Năm 2018, Công viên Suối khoáng nóng núi Thần Tài đón khoảng hơn 462.000 lượt khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng.

Trong ảnh: Du khách thỏa sức trải nghiệm các trò chơi tại núi Thần Tài. Ảnh: THU HÀ

9. Nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng (Nhà thờ Con Gà)

 

Nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng (thường gọi là Nhà thờ Con Gà) là nhà thờ chính tòa duy nhất của giáo phận Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ năm 1923, tọa lạc ở số 156 Trần Phú. Đây là công trình tôn giáo mang âm hưởng và phong cách kiến trúc Gothic của Pháp với những đường nét cao vút, những vòm cửa quả trám.

Bên trong nhà thờ có các tranh ảnh và thánh tượng minh họa theo sự kiện trong kinh thánh, theo mô-típ các nhà thờ ở phương Tây. Trên nóc nhà thờ, ở vị trí cột thu lôi có tượng một con gà màu xám bằng hợp kim, dùng làm vật xác định hướng gió. Vì vậy, nhà thờ này còn có tên là Nhà thờ Con Gà.

Vài năm trở lại đây, Nhà thờ Con Gà trở thành điểm đến tham quan miễn phí hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng, nhất là du khách Hàn Quốc, Trung Quốc. Ảnh: MINH TRÍ

10. Đèo Hải Vân

 

Nằm giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, đèo Hải Vân dài hơn 20km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã với con đường quanh co, uốn lượn theo triền núi. Đèo Hải Vân như một dải lụa vắt ngang trời mây.

Du khách có thể chinh phục ngọn đèo này bằng xe máy để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn đèo được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Trên đỉnh đèo, du khách còn được chiêm ngưỡng Hải Vân quan cổ kính, hay một vài lô cốt do quân đội Pháp xây dựng năm 1826. Hiện nay, mỗi ngày đèo Hải Vân vẫn là điểm đến được rất đông du khách trong nước và quốc tế ghé thăm.

Trong ảnh: Đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: HUY ĐẰNG

HOÀNG LINH - NHẬT HẠ

.