Báo Đà Nẵng xuân 2019
Cô gái 9X với thương hiệu BonPas
Sinh năm 1991, Nguyễn Thị An Lành hiện là chủ chuỗi tiệm bánh và cà-phê BonPas (BonPas Bakery & Coffee) với 4 cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng. Trên con đường lập nghiệp, chị đúc rút được những bài học quý không chỉ trong kinh doanh mà cả trong cuộc sống.
Là người trực tiếp phụ trách mảng sản phẩm của BonPas, chị Nguyễn Thị An Lành luôn mong muốn các món ăn, thức uống của cửa hàng phải đúng tiêu chuẩn đã cam kết. |
Bà chủ trẻ Nguyễn Thị An Lành cho biết:
- Sau 5 năm học ở Singapore và Mỹ về ngành kinh doanh, giữa năm 2015, tôi trở về quê nhà Đà Nẵng với mong muốn lập nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) vốn là đam mê của tôi từ nhỏ. Bắt đầu vị trí quản lý tại Công ty TNHH Đồng Tiến, sau 2 tháng, hai người “sếp” của công ty cũng chính là ba mẹ tôi đưa ra đề án xây dựng tiệm bánh kiểu mới nhắm tới đối tượng trẻ. Đây là ấp ủ của ba mẹ tôi từ 5 năm trước. Tôi được ba mẹ tin tưởng và cho tiếp nhận dự án này vào tháng 7-2015.
Nhận dự án rồi thuê đất là quyết định… liều nhất nên phải chuẩn bị càng nhanh càng tốt vì để lỡ ngày nào thì mất tiền ngày ấy. Trong vòng chưa đầy 5 tháng, tôi lên kế hoạch đặt tên cho thương hiệu, thiết kế... Khách quan mà nói, lúc ấy nhờ có công nghệ, tài chính được hỗ trợ từ gia đình rồi nên tôi chỉ tập trung làm tốt mảng marketing.
Năm 2015 được coi là “điểm rơi” của mô hình F&B ở Đà Nẵng. Tôi quyết định phải làm kết hợp giữa tiệm bánh và quán cà-phê. Mô hình này không mới ở nước ngoài cũng như ở TP. Hồ Chí Minh. Một số thương hiệu ở TP. Hồ Chí Minh đã tiến ra thị trường Đà Nẵng nhưng thất bại. Tôi thấy họ mắc 2 lỗi, một là đưa ra giá cao hơn so với mức thị trường Đà Nẵng chấp nhận, hai là đặt tiệm trong trung tâm thương mại. Tháng 11-2015, cơ sở BonPas đầu tiên ra đời.
* Mất gần 5 tháng để hình thành một mô hình mới toanh ở Đà Nẵng, chị có vấp phải những sai lầm nào trong vận hành không?
- Có hai vướng mắc chính. Thứ nhất, tôi phải thuyết phục ba mẹ - những nhà đầu tư ủng hộ chiến lược marketing của tôi. Đồng Tiến vốn là thương hiệu bình dân, còn BonPas hướng đến khách hàng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một chiếc bánh, một ly nước. Do đó, toàn bộ thiết kế, bao bì sản phẩm phải làm sao phù hợp với nhóm khách hàng mà mình hướng đến. Những nội dung này cũng nằm trong chiến lược của BonPas.
Khi có nền tảng thì sẽ đi nhanh, nhưng muốn đi xa thì phải có thêm cả đam mê và năng lực |
Có một cái sai khi làm cơ sở BonPas đầu tiên là việc thiết kế không hợp lý: đặt quầy thu ngân bên trong tiệm. Như vậy, khách mua bánh mang đi (take-away) trong khi còn đang mang mũ bảo hiểm, áo chống nắng sẽ phải đi ngang qua khu bàn ghế của khách tại quán. Tôi không nhận ra điều đó, cho đến khi thấy doanh thu mãi không tăng trưởng dù đã đưa ra các chương trình giảm giá.
Sau đó, tôi tiến hành khảo sát khách hàng thì mới biết lỗi này ở phần thiết kế. Tôi phải điều chỉnh, rất tốn kém. Từ đó, tôi nhớ bài học: Phải nói rõ cho bên thiết kế hiểu công năng mình muốn là gì; khi lên ý tưởng không gian, phải hình dung cụ thể từng vị trí, đặt mình vào khách hàng để hình dung xem vị trí đó có thuận tiện không, tức là phải bắt đầu từ đích đến.
*Cuối năm 2015, BonPas đầu tiên ở đường Lê Duẩn ra đời. 3 năm sau, lần lượt các cơ sở trên đường Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh hình thành. Vậy giá trị cốt lõi mà chị muốn mang đến cho khách hàng là gì?
- Thứ nhất, về sản phẩm, tôi bảo đảm mang lại những tấm bánh, ly nước đúng với chất lượng đã cam kết. Nếu hôm nay bạn ăn một cái bánh ngon ở BonPas, hôm sau bạn dẫn bạn bè đến và giới thiệu món bánh ấy thì chiếc bánh ngày hôm sau cũng sẽ ngon y như bánh ngày hôm trước.
Thứ hai, về dịch vụ. Câu phương châm (slogan) của BonPas là “Đong đầy cảm xúc”. Tôi muốn khách khi đến các cửa hàng phải được trọn vẹn cảm xúc như vậy, muốn họ hài lòng, để họ còn quay lại. Mới đây, tôi tổ chức huấn luyện cho nhân viên những chi tiết nhỏ, ví dụ như khi khách đến mua bánh kem, thông thường mua xong, khách tự ra khỏi cửa. Nhưng với một cái bánh kem to, có thể khách bị vướng tay nên nhân viên phải ra mở cửa cho khách.
* Có cha mẹ là doanh nhân ngành bánh, cũng là những người sáng lập ra thương hiệu nổi tiếng của cả nước; vậy chị học được gì từ cha mẹ mình?
- Ba mẹ tôi có hai tính cách khác nhau, hai góc nhìn khác nhau và bản thân tôi có cảm giác giống sự kết hợp của cả hai người. Tuy vậy, mỗi người có một thế mạnh bổ trợ cho nhau rất tốt. Ba tôi có tầm nhìn, giỏi làm chiến lược, có cách suy nghĩ độc đáo. Ba luôn khuyến khích tôi học, đăng ký tham gia khóa học này kia. Còn mẹ giỏi điều hành trực tiếp và quản lý nhân sự. Mẹ có khả năng tạo động lực cho nhân viên, giúp họ gắn bó lâu dài với Đồng Tiến. Mẹ cũng xử lý vấn đề thấu đáo trên cơ sở tôn trọng nhân viên. Đối với những người làm việc trên 10 năm, mỗi tháng Đồng Tiến gửi vào tài khoản của họ 500.000 đồng. Nhưng chỉ khi nào có việc hợp lý, họ mới được rút số tiền này ra.
* Có bao giờ chị bị nói là nhờ cha mẹ nên mới thành công không? Chị có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B tại Đà Nẵng?
- Gia đình tôi là nhà đầu tư của BonPas. Tôi nghĩ, khi có nền tảng thì sẽ đi nhanh, nhưng muốn đi xa thì phải có thêm cả đam mê và năng lực.
1-2 năm trở lại đây, nhiều tiệm cà-phê được mở tại Đà Nẵng, nhiều tiệm có cách làm na ná nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ trước khi mở tiệm, phải khảo sát xem thị trường có chấp nhận mình không. Nếu là thương hiệu lớn thì có thể khách hàng sẽ đến vì thương hiệu. Nhưng nếu mình chỉ là một startup nhỏ bình thường thì phải tạo ra một điểm khác biệt nào đó có thể khác biệt ở sản phẩm, phong cách phục vụ, cách bài trí… Hãy tìm ra điểm mạnh của mình và tập trung vào nó.
Giải quyết mâu thuẫn, không né tránh hay phớt lờ Tôi tham gia khóa đào tạo SME Mentoring ở TP. Hồ Chí Minh với vai trò mentee (người được cố vấn), và được mentor (người cố vấn) - anh Phan Đình Tuấn Anh hướng dẫn kỹ năng xử lý các mâu thuẫn trong công việc. Ngày trước, khi gặp một mâu thuẫn nào đó mà giải quyết mãi không được, tôi thường... “bơ” luôn. Anh Tuấn Anh đã giúp bộ 4 câu hỏi và tôi phải tập cách tự hỏi, tự trả lời mỗi khi gặp mẫu thuẫn. Thứ nhất, mình cảm thấy như thế nào? Thứ hai, mình đã chia sẻ cảm nhận, quan điểm của mình rõ ràng với đối phương chưa? Thứ ba, đặt mình vào vị trí đối phương để xem lý do nào đứng sau quan điểm của họ. Cuối cùng, giải quyết các khúc mắc của đối phương và như vậy khúc mắc của mình cũng được giải quyết. Trong 4 câu hỏi này, câu hỏi thứ 3 khó trả lời nhất. Trước đây, giữa tôi và bố mẹ thường có những điểm không đồng thuận. Nhưng tôi không nên có tư tưởng “sếp”... già rồi thì không hiểu những thứ hiện đại, nếu cố gắng áp dụng bộ 4 câu hỏi để giải quyết các mâu thuẫn thì tốt hơn. NGUYỄN THỊ AN LÀNH (28 tuổi) |
KHANG NINH