Báo Đà Nẵng xuân 2019

Bảo tàng Điêu khắc Chăm, sức hút trăm năm

07:52, 07/02/2019 (GMT+7)

Trăm năm rồi, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn đứng đó, thanh nhã, sâu thẳm, cuốn hút bởi kho báu bên trong và dáng vẻ độc đáo bên ngoài.

Ảnh: NGÔ MINH ĐỨC
Ảnh: NGÔ MINH ĐỨC

Một địa chỉ văn hóa không thể bỏ qua

Những ngày chuẩn bị tiễn đưa năm cũ 2018 để đón chào năm mới 2019, Bảo tàng Điêu khắc Chăm liên tiếp được đón chào thượng khách. Đó là Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chugong và đặc biệt là Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, rồi Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Còn nhớ, lúc Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng cuối năm 2017, các quan chức cấp cao và phu nhân các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thế giới cũng tấp nập đến thăm bảo tàng này. Không còn nghi ngờ gì nữa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua của người nước ngoài, kể cả các nguyên thủ, khi đến Đà Nẵng. Đây thật sự là một địa chỉ đỏ trên bản đồ văn hóa du lịch của thành phố.

Theo GS. Phan Huy Lê, trước đây, giới sử học nhìn theo hướng người Việt đi đến đâu thì viết sử đến đó, vẫn giữ quan điểm lịch sử Việt Nam chỉ là lịch sử của người Việt. Và theo giáo sư, quan điểm mới hiện nay thì lịch sử Việt Nam phải bao gồm toàn bộ những nền văn minh đã từng tồn tại trên đất nước Việt Nam.

Do vậy, văn minh dân tộc Chăm và di sản của nó, là của chúng ta, của nước Việt Nam! Chúng ta có quyền tự hào, hãnh diện và cũng có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị những di sản văn hóa Chăm, bởi đơn giản, đó là của chúng ta.

Công lao ban đầu thuộc về người Pháp

Từ đầu thế kỷ 20, người Việt Nam mới bắt đầu làm quen với khái niệm bảo tàng. Và thật tự hào, Đà Nẵng là nơi có bảo tàng khai trương đầu tiên trong cả nước. Bảo tàng Điêu khắc Chăm đi vào hoạt động vừa chẵn 100 năm (1919-2019). Năm 1902, Henri Parmentier của Trường Viễn Đông Bác cổ đề xuất dự án rồi được hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair thực hiện công trình văn hóa đặc sắc, có một không hai này.

Bảo tàng được khởi công năm 1915 và hoàn thành, mở cửa phục vụ từ năm 1919 (trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội được khởi công năm 1926, hoàn thành 1932. Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh được khởi công 1927, hoàn thành 1929).

Tượng Bồ-tát Tara-Lokesvara, bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: ANH CHUNG
Tượng Bồ-tát Tara-Lokesvara, bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: ANH CHUNG

Thực dân Pháp đem quân xâm lược nước ta từ 1858 qua đất Đà Nẵng. Chúng đã gieo bao đau thương, tang tóc cho nhân dân ta trên mảnh đất này. Tuy nhiên, trên lĩnh vực văn hóa, một số học giả, nhà nghiên cứu người Pháp đã có công giúp chúng ta xây dựng một số thiết chế văn hóa quan trọng, đặc sắc như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thư viện Khoa học tổng hợp… Chúng ta cần phải nhìn nhận lịch sử một cách công bằng, khách quan!

Còn lại với thời gian

Trăm năm rồi, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn đứng đó, thanh nhã, sâu thẳm, cuốn hút bởi kho báu bên trong và dáng vẻ độc đáo bên ngoài. Chắc rằng, trăm năm sau, rồi trăm năm sau nữa, nếu không có sự ứng xử thô bạo của những người thiếu văn hóa, thì bảo tàng vẫn đứng đấy, thanh nhã, sâu thẳm, cuốn hút… Thời gian không ngừng trôi, chỉ có những công trình văn hóa thực thụ mới sống mãi với thời gian. Bảo tàng Điêu khắc Chăm chắc chắn sẽ là một công trình như vậy.

Chúng ta cũng nên nghĩ, thời đại mình, thế hệ mình rồi sẽ để lại gì cho mai sau?

Đà Nẵng, tháng 1-2019

Huỳnh Văn Hùng
 

.