Đà Nẵng ở Trường Sa

.

Những ngày cuối năm, chúng tôi nhận được điện thoại từ Thượng úy Nguyễn Văn Cận, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vui mừng báo tin công trình Nhà văn hóa đa năng do thành phố Đà Nẵng tài trợ xây dựng cho đảo đã chính thức đi vào hoạt động.

Anh Cận hồ hởi nói: “Nhà văn hóa đa năng đi vào hoạt động đã nâng cao đời sống của anh em chiến sĩ. Nhờ có Nhà văn hóa này, đảo Đá Lát có thêm khu vực chứa nước rộng lớn hơn, cán bộ, chiến sĩ có không gian giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ sau những giờ canh gác, làm nhiệm vụ. Không những thế, mọi hoạt động sinh hoạt, học tập cũng được bảo đảm hơn rất nhiều”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) tặng quà cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lát.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) tặng quà cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lát.

Công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Lát do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng trao tặng có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, khởi công từ tháng 2-2018 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 10-2018.

Công trình có quy mô gồm 1 tầng hầm và 3 tầng nổi, có chỗ trữ nước mưa, nước ngọt từ đất liền chở ra; có bể chứa dầu cung cấp cho công tác vận chuyển tàu bè; có các nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng đọc sách, phòng tập thể dục và phòng tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ. Công trình còn có các phòng ngủ bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại đảo, có hệ thống pin năng lượng mặt trời và một không gian chung để các chiến sĩ trồng rau, tăng gia sản xuất.

Tại lễ gắn biển Nhà văn hóa đa năng dịp ra thăm đảo hồi tháng 5-2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn công tác số 15, bày tỏ vui mừng khi thấy đảo Đá Lát ngày càng đổi thay, cán bộ, chiến sĩ trên đảo kiên trung bám giữ biển khơi.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, việc xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Lát xuất phát từ tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với quân dân huyện đảo Trường Sa anh hùng. Công trình hoàn thành là tình cảm thiêng liêng của Đà Nẵng đối với Trường Sa; đồng thời, góp phần bảo đảm cơ sở vật chất để cán bộ, chiến sĩ trên đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Một góc đảo Đá Lát. Ảnh: THANH TÌNH
Một góc đảo Đá Lát. Ảnh: THANH TÌNH

Cái nắng mùa hè ở Đá Lát trở nên khắc nghiệt hơn. Những thành viên của đoàn Đà Nẵng có mặt trong lễ gắn biển ngày hôm ấy mồ hôi nhễ nhại, sức khỏe cũng có phần ảnh hưởng do Đá Lát là điểm gần cuối của chuyến hải trình; tuy vậy, ai cũng muốn được đặt chân lên đảo Đá Lát – nơi có công trình của tình yêu và niềm tin người dân thành phố dành cho Trường Sa.

Bà Lương Nguyệt Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng, Phó trưởng đoàn công tác số 15, tỉ mẩn ghi vào sổ lưu niệm tại đảo Đá Lát những dòng đầy cảm xúc: “Đoàn công tác số 15 vinh dự và tự hào khi lần đầu tiên được đặt chân lên đảo Đá Lát.

Trong chuyến hải trình, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây; được gặp gỡ, lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ, chúng tôi càng thấy ý nghĩa hơn hai chữ “chủ quyền”.

Đến Đá Lát, chúng tôi càng khâm phục ý chí quyết tâm giữ đảo của các chiến sĩ. Mặc dù còn nhiều thiếu thốn về vật chất và tinh thần nhưng các chiến sĩ đã vượt lên, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển trời Tổ quốc”. Đó cũng chính là cảm nhận, tâm tư, tình cảm và ước nguyện của những người con Đà Nẵng dành cho Trường Sa thân yêu.

Tạo thế phòng thủ vững chắc

Ngoài ý nghĩa văn hóa, công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Lát còn có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Khi đoàn công tác số 15 đến đây, Đá Lát đón chúng tôi bằng ánh nắng ban mai gay gắt nhưng đổi lại là những cái bắt tay đầy thân mật, những nụ cười niềm nở của các chiến sĩ trên đảo. Các chiến sĩ chạy ca-nô từ đảo ra đón chúng tôi cho biết, đảo nằm trên bãi đá san hô nên khi thủy triều lên thì bãi đá nằm hoàn toàn dưới nước, chỉ có một phần nổi. Khi thủy triều xuống thấp, người vào đảo mới thấy được bãi đá san hô này. Vì là đảo chìm nên Đá Lát gần như không có màu xanh của cây cối.

Công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Lát, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh do Công ty CP Xây lắp Thành An 96 cung cấp)
Công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Lát, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh do Công ty CP Xây lắp Thành An 96 cung cấp)

Có chăng chỉ là những luống rau xanh do cán bộ, chiến sĩ tăng gia sản xuất. Cuộc sống thiếu thốn là vậy nhưng các chiến sĩ ai cũng yêu đời, vui vẻ, vững tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: “Khi về đất liền, chúng tôi sẽ tích cực truyền lửa tinh thần của Trường Sa để thắp sáng lòng yêu nước của nhân dân Đà Nẵng; để đất liền và biển đảo gần nhau hơn; chung sức, chung lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc”.

Còn ông Lê Thái Bình, đại diện Công ty CP Xây lắp Thành An 96, Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng cho biết: “Công ty vinh dự và tự hào được thi công công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Lát. Đây là nhiệm vụ chính trị góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng tôi rời Đá Lát khi đoàn văn công vừa dứt lời bài hát “Bâng khuâng Trường Sa”: Trường Sa ơi mai tàu rời bến/Ta lại về phố thị thân thương/Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui/Biển vẫn yên mà lòng ta lay động… Bắt tay và trao cho chúng tôi những lá cờ có đóng dấu của đảo Đá Lát làm kỷ niệm, Trưởng đảo Nguyễn Văn Cận nói thêm: “Đá Lát cảm ơn đất liền, cảm ơn chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Đá Lát gửi những lời thân yêu nhất về đất liền và mong đất liền luôn vững tin vào các chiến sĩ trẻ nơi biển khơi đầy sóng và gió”.

Đại tá Trương Chí Lăng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng: Nhà văn hóa đa năng còn giúp ngư dân tránh trú bão

Công trình Nhà văn hóa đa năng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, nâng cao khả năng phòng thủ của đảo Đá Lát nói riêng và huyện đảo Trường Sa nói chung. Nhà văn hóa đa năng đưa vào sử dụng không chỉ là công trình có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ tại đảo mà còn góp phần giúp ngư dân tránh trú khi có bão; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ trên đảo điều hành và quan sát các tàu cá của ngư dân vào đăng ký tại đảo.

Ghi chép của THANH TÌNH
 

;
;
.
.
.
.
.