Đà Nẵng ơi bún cá

.

Bún cá không chỉ có ở Đà Nẵng. Ở Quy Nhơn, rồi Nha Trang, rồi Phan Thiết, kể cả ở Sài Gòn, cũng có bún cá rất ngon. Nhưng vì sao, mỗi khi nói đến bún cá-món ăn cực kỳ bình dân ở những vùng ven biển-tôi lại phải nhớ ngay tới bún cá Đà Nẵng?

Ảnh: THANH  HUYỀN
Ảnh: THANH HUYỀN

Bởi, một món ăn, nhất là món ăn ngon, đều gắn với một câu chuyện, một ký ức nào đó của đời ta.
Còn nhớ, tháng 6 năm 1975, trên hành trình “ăn theo” từ Nam ra Bắc trong đoàn văn nghệ Khu 5,  tôi dừng lại ở Đà Nẵng lâu nhất, gần nửa tháng.

Do các nhà văn Khu 5 đóng đô tại số nhà 10 Gia Long (sau đổi thành Lý Tự Trọng), nên tôi cũng tấp theo vào ở đậu. Các anh vui vẻ coi tôi như người nhà, như đứa em từng lưu lạc tận bưng biền Nam Bộ, nên tôi muốn ở bao lâu thì ở. Ngày hai bữa cơm cơ quan, có cấp dưỡng nấu cho ăn đàng hoàng. Nhưng tôi cũng không quá quan tâm tới chuyện ăn, vì thời điểm ấy, đi tới đâu bà con cũng mời ăn, mời nhậu. Bạn bè tôi ở Văn nghệ Khu 5 lại khá đông, anh em đều có “cơ sở” tại Đà Nẵng, nên lo gì đói.

Thêm bạn mới là Nguyễn Công Khế-dân hoạt động phong trào học sinh đô thị, mới ở tù ra, nên chúng tôi gặp nhau là thân thiết ngay. Khế kéo tôi với Ngô Thế Oanh và Trần Vũ Mai đi chơi với các bạn học sinh trong phong trào ở Đà Nẵng, tôi thấy các bạn này rất vui, và món họ ưa thích nhất khi gặp chúng tôi là món… nói. Nói chuyện bao đồng. Ngoài món nói, thì các bạn hay mời chúng tôi ăn sáng và uống nước mía tối. Ăn sáng với một món hết sức quen thuộc: bún cá. Mấy quán bún cá chúng tôi hay ăn ở gần ngã tư đường Ông Ích Khiêm-Hải Phòng bây giờ, tôi rất quen chỗ đó nhưng không nhớ tên đường lắm, hồi mới hòa bình ấy cũng không nhớ đường ấy tên gì, vì sau đều đổi tên cả.

Bún cá Đà Nẵng có gì đặc biệt? Tôi không tả tỉ mỉ được, vì lúc ấy cũng không biết nguyên liệu cá làm bún tên là cá gì, chỉ biết nó… ngon lắm. Những miếng chả cá thơm giòn, những viên cá nấu màu trắng thơm ngọt, còn nước dùng thì khỏi chê luôn. Ngày ở ngoài Bắc tôi chả bao giờ được ăn món bún cá, hồi ở chiến trường Nam Bộ thì chưa thấy món này, nên với tôi, bún cá là món ăn hoàn toàn mới lạ. Tuy mới lạ nhưng quá ngon, nên ăn vài bữa là… nghiện luôn.

Sau này, khi chính thức vào Đà Nẵng ở Trại sáng tác Quân khu 5, tôi với Thái Bá Lợi và Ngô Thế Oanh vẫn thường xuyên ăn bún cá ở những quán mình đã quen ngày mới giải phóng. Bún cá Đà Nẵng ngon và rẻ tới mức khó tưởng tượng. Bây giờ vẫn còn rẻ luôn, các bạn ạ. Tôi ở Quảng Ngãi, nhưng thỉnh thoảng ra Đà Nẵng vẫn thích ăn món bún cá của thành phố này. Nếu Đà Nẵng là thành phố đáng sống, thì bún cá ở đây là rất đáng ăn. Tôi vẫn ấn tượng với đĩa rau sống ăn kèm bún cá. Nó phải có chuối cây xắt mỏng, hay những sợi bắp chuối xắt cuộn tròn, rồi rau diếp cá, rồi rau thơm, giá sống, rồi…

Hình như, bát bún cá có đệm một chút mắm ruốc, vì nghe mùi đậm và dễ ăn. Đà Nẵng là thành phố biển, nên cá biển ở đây rất sẵn. Sau này tôi mới biết, loại cá thường được làm chả cá là cá mối, thịt cá vừa dẻo vừa săn. Nhưng muốn có lát chả cá thơm dẻo, thì phải giã cá bằng cối giã tay, chứ không dùng máy xay. Cá mối là loại cá khá bình dân, không đắt tiền, vì thế tô bún cá giá khá mềm. Ngày mới hòa bình, thật ra chuyện ăn không phải là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Lúc ấy lòng rộn ràng lắm, cứ được đi là vui, được ăn là sướng rồi. Gặp ai cũng cứ như gặp người nhà, mọi người đối xử với nhau thật ấm áp, không hề giữ kẽ.

Tôi đã được uống cà-phê, ăn sáng, kể cả nhậu với nhiều “thành phần” trong và ngoài xã hội, nhưng tôi thấy ai cũng dễ chịu, dễ làm quen, hệt như khi mình ăn tô bún cá lúc đầu còn lạ, nhưng ăn vào là quen ngay, mê ngay. Ở Sài Gòn là một kiểu, còn ở Đà Nẵng là một kiểu. Nhưng tôi thấy kiểu nào cũng hay, cũng có những nét mà mình rất chịu. Người Đà Nẵng thẳng thắn, thậm chí thẳng thừng, rất thích tranh cãi, nhưng không ác ý. Còn người Sài Gòn rất dễ hòa đồng, khá dễ tính và ham vui. Có lẽ với cái tính “vui đâu chầu đó” của tôi ngày ấy, tôi “hạp” với Sài Gòn hơn. Nhưng số phận còn chưa cho mình định cư, nên cứ lang thang, và Đà Nẵng là một điểm dừng thú vị.

Có một “món” ở Đà Nẵng, cũng ngon không thua gì món bún cá, đó là “món… bạn”. Năm 1976, khi vào lại Đà Nẵng, tôi đã có những người bạn chơi thật vui, thật chân tình, không hề phân biệt. Một số bạn tôi đã quen ngay từ lần đầu gặp gỡ ngày mới hòa bình. Thì ra, không chỉ nhậu, mà ăn một bát bún cá cho ngon cũng phải ăn với bạn mà mình thích. Cái này thì Đà Nẵng luôn sẵn sàng với tôi. Những con phố Đà Nẵng ngày ấy còn hẹp. Thành phố cũng chưa mở rộng như bây giờ, nhưng con sông Hàn thì vẫn vậy. Chỉ có một cây cầu duy nhất, do Mỹ bắc theo kiểu cầu dã chiến. Còn về đêm, mỗi khi muốn sang bên kia sông chơi, chúng tôi phải đi phà. Lúc về thì đi đò, vì phà chỉ chở tới 9 giờ đêm. Nhiều đêm, tôi với thi sĩ Vũ Hữu Định sang quận Ba chơi, lúc về đi đò à ơi do em gái chở, rất vui. Tôi cũng tham gia chèo đò phụ em gái, vì hồi ở Nam Bộ tôi đã thạo chèo xuồng.

Với một thành phố chưa lớn như Đà Nẵng hồi ấy, thì mỗi địa chỉ đều trở nên gần gũi. Một quán bún cá, cũng thành thân quen. Và tô bún cá buổi sáng, cũng dễ dàng găm vào trí nhớ. Bốn mươi bốn năm rồi ấy nhỉ, thôi thì mình ăn với nhau một tô bún cá để nhớ, bạn thân yêu ơi!

Bây giờ, bún cá vẫn sống rất khỏe tại Đà Nẵng. Khỏe vì thành phố này đã là thành phố du lịch. Khách tứ phương tới Đà Nẵng đều chọn món bún cá để thử ăn cho biết. Cũng nói luôn, bún cá là món ăn bình dân, phải ăn ngoài quán, mà quán nhỏ, mới đúng điệu. Ăn trong khách sạn, ăn buffet thì chỉ là “ăn cho qua bữa sáng” chứ không phải là thưởng thức bún cá. Vì thế, mỗi lần có dịp ra Đà Nẵng vào buổi sáng, tôi đều chọn cho mình món điểm tâm bún cá. Không những rẻ, mà còn ngon. Không chỉ ngon, mà còn để nhớ: Đà Nẵng ơi, bún cá!

THANH THẢO
 

;
;
.
.
.
.
.