Vui Tết ở bản Mông

.

Giao thông, đường sá giờ đã khá thuận lợi, xã nào cũng đường ô-tô đến được. Từ trung tâm xã về các bản, kém nhất cũng có đường cấp phối. Vậy là nhờ con đường nối nhịp, vùng cao cũng trở nên… vùng thấp, sâu xa cũng trở nên gần gũi. Kinh tế bản làng theo đó đi lên, nhà tranh đã vô cùng hiếm hoi; thay vào là những nhà sàn, nhà đất gỗ mới hay giả bê tông (thiết kế vẫn theo ngôi nhà truyền thống) ban ngày tươi mới trong nắng, ban đêm lung linh ánh điện.

Tiếng khèn ngày xuân. Ảnh: LÊ ANH TUẤN
Tiếng khèn ngày xuân. Ảnh: LÊ ANH TUẤN

Như những bản Thái, Khơ Mú… bản Mông dù trên cao tít cũng rộn ràng vui tươi ấm no. Xuân về Tết đến, nhà nhà, già trẻ gái trai cùng nhau ăn uống vui chơi đón xuân mới.

So với những dân tộc ở miền núi khác, việc đón Tết của người Mông vẫn giữ nguyên bản sắc. Bản sắc ấy có lẽ bắt nguồn từ địa bàn cư trú. Trên non cao, nhiều sương mù, nhiều gió, hiếm nắng, ít người… nên mỗi khi xuân về là núi rừng bật lên sự tươi sáng.

Hoa mận bừng trắng, hoa đào rạng đỏ, khiến những mái nhà âm u, những hàng rào đá rêu phủ, những lối mòn buồn vắng… bỗng chốc thành xuân thành Tết. Dù đời sống hiện đại đã phủ sóng muôn nơi, nhưng với bản Mông, người Mông vẫn luôn giữ một lối - chân, mộc. Việc chuẩn bị cho cái Tết, số ít (bánh kẹo, hoa quả, ti-vi…) đã được mua sắm từ trước ở dưới chợ phố. Còn nhiều thứ cũng được chuẩn bị chu đáo.

Đầu tiên là củi. Từ những ngày tháng 11, tháng Chạp, củi đã được chuẩn bị để cho những ngày Tết… đun nhiều. Ngày Tết chỉ việc ăn chơi, ai lại đi lấy củi... là một nhẽ, số đông đều hiểu vậy. Nhưng ngày Tết người Mông còn nhiều kiêng khác, như: kiêng vào rừng, kiêng săn bắt thú rừng, kiêng lên nương rẫy, kiêng mắng nhiếc trẻ nhỏ và đặc biệt kiêng ăn rau xanh.

Nhiều kiêng như thế, sâu xa cũng bởi cả năm có mấy ngày Tết, làm sao thật trọn vẹn vui, không để vất vả, khó nghĩ xen vào. “Lý” người Mông là vậy. Còn nhiều lý nữa, như ngày Tết kiêng ăn rau xanh là đặc điểm riêng có của người Mông.

Tết đến chơi nhà người Mông, được mời ăn cỗ, rất nhiều món thịt lợn, thịt gà ngon thơm đậm chất nhưng món rau thường ngày thì tuyệt không có. Thấy thiếu thiếu, háo háo mà ngại chả dám hỏi. Sau tìm hiểu thì à ra… ngày Tết người Mông kiêng ăn rau xanh vì… rau xanh có màu xanh như cỏ. Tết có cái gì thì cả năm sẽ nhiều cái đó.

Cỏ mà nhiều thì chao ôi, cây lúa cây ngô sẽ khổ, cả nhà sẽ bị đói. Triết lý là vậy, thật đơn giản thiết thực như con người không bao giờ biết nói dối. Cùng với “kiêng ăn rau để chống cỏ”, trong dòng “ngồi ăn Tết vẫn nghĩ lao động cả năm”, những dụng cụ như cái cày, cái cuốc, con dao… ngày Tết cũng được trân trọng, yêu thương đến lạ kỳ. Chúng được “tắm rửa” sạch sẽ, rồi dán giấy đỏ, đứng ngay ngắn góc nhà. Ngày Tết người có áo mới, ăn ngon, được chơi vui thì những thứ giúp mình cũng phải được quan tâm. Như thế Tết mới công bằng, trọn vẹn.

Ném pa pao ngày xuân.Ảnh: LÊ ANH TUẤN
Ném pa pao ngày xuân.Ảnh: LÊ ANH TUẤN

Ngày Tết nhiều người sợ uống rượu vì lời chúc hay, ý nghĩa không thể đi kèm chén men. Nhưng đến bản Mông, vào ngồi mâm cỗ Tết, dù khách xa hay gần đều rất thoải mái chuyện nâng chén. Khách được giục ăn, mời uống chỉ nhè nhẹ, trầm trầm như chủ nhà.

“Bắt nó uống nhiều, nó không uống được thì khổ nó”, hay “Mọi ngày ở nhà nó uống ít, đến nhà mình phải uống nhiều thì mình sai, mình không tốt”… Cứ uống tự nhiên theo sức mình, thế mới vui được lâu, kiểu suy từ mình ra khách của người Mông, thật văn minh hiện đại.

Ngày Tết, bạn muốn đi chơi, tận thấy nét lạ đẹp, thì cứ lên bản Mông. Vừa đến đầu bản đã thấy nhộn nhịp tưng bừng cảnh sắc. Có bãi đất trống hay đám nương đã gặt xong là sân chơi tuyệt vời cho những con quay xoay tít, những quả pa pao rực rỡ sắc màu tung lượn. Rất nhiều người chơi, cùng với hoa mận, hoa đào nở bung và rất nhiều nắng gió cùng háo hức xem, cổ vũ.

DU AN

;
;
.
.
.
.
.